Mỹ lên án việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam
Mỹ lên án việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam hôm 2/4, cho rằng Trung Quốc lợi dụng dịch bệnh khẳng định yêu sách hàng hải bất hợp pháp ở Biển Đông.
“Mỹ lên án vụ việc PRC (Trung Quốc) được báo cáo đâm chìm một tàu cá Việt Nam hôm 2/4. Thật đáng kinh ngạc khi Trung Quốc lợi dụng việc thế giới đang tập trung giải quyết đại dịch toàn cầu để khẳng định các yêu sách hàng hải bất hợp pháp của họ trên Biển Đông”, bà Morgan Ortagus, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đăng trên Twitter ngày 6/4.
Từ khi đại dịch toàn cầu nổ ra, Bắc Kinh thông báo “các trạm nghiên cứu mới” trên những cơ sở quân sự họ xây dựng trái phép ở Đá Chữ Thập và Đá Xu Bi, hạ cánh máy bay quân sự đặc biệt trên Đá Chữ Thập.
“Trung Quốc cũng tiếp tục triển khai dân quân hàng hải xung quanh quần đảo Trường Sa. Đường chín đoạn của Trung Quốc đã được một hội đồng trọng tài xem là yêu sách hàng hải bất hợp pháp theo Công ước Luật biển 1982 vào tháng 7/2016, và Mỹ có cùng quan điểm này”, tuyên bố được đăng tải trên website Bộ ngoại giao Mỹ viết.
Tuyên bố kêu gọi Trung Quốc tập trung nỗ lực ủng hộ quốc tế chống lại đại dịch toàn cầu, “ngừng khai thác sự xao nhãng hoặc dễ bị tổn thương của các nước khác để mở rộng yêu sách bất hợp pháp trên Biển Đông”.
Khoảng 3h sáng 2/4, tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90617 TS đang hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Trên tàu khi đó có 8 thuyền viên. Sau khi đâm chìm tàu cá Việt Nam, tàu Trung Quốc vớt 8 ngư dân của tàu QNg 90617 TS đưa về đảo Phú Lâm. Hai tàu cá Việt Nam khác nhận được tin sau đó đến cứu hộ cũng bị truy đuổi.
Đến khoảng 18h ngày 2/4, Trung Quốc mới giao 8 ngư dân cho 2 tàu cá đến cứu hộ và thả các ngư dân cùng tàu về.
Tuy nhiên trong tuyên bố sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lớn tiếng cáo buộc “tàu đánh cá Việt Nam có thời điểm thường xuyên xâm phạm vùng lãnh hải và nội thủy của ‘quần đảo Tây Sa’ của Trung Quốc để đánh bắt cá”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trắng trợn đổi trắng thay đen vụ việc, tố ngược tàu cá Việt Nam đâm tàu hải cảnh Trung Quốc.
Cái mà Trung Quốc gọi là “quần đảo Tây Sa” thực chất là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc nhiều lần tuyên bố chủ quyền với quần đảo này để biện minh cho các hành động phi pháp của mình tại đây nhưng chưa từng đưa ra bất cứ bằng chứng thuyết phục nào cho các tuyên bố đó.
Ngày 3/4/2020, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.