Mỹ kỷ niệm 18 năm cuộc tấn công khủng bố 11/9
Một loạt các hoạt động sẽ được tổ chức để kỷ niệm ngày tang thương trong lịch sử nước Mỹ ngày 11/9.
Tối 11/9 (theo giờ Việt Nam), nước Mỹ sẽ tiến hành các hoạt động kỷ niệm 18 năm ngày diễn ra cuộc tấn công khủng bố tại New York. Cuộc tấn công năm 2001 đã cướp đi tính mạng của hơn 3.000 người.
Một loạt các hoạt động sẽ được tổ chức để kỷ niệm ngày tang thương trong lịch sử nước Mỹ ngày 11/9. Tại thành phố New York, nơi diễn ra vụ tấn công, tên của các nạn nhân sẽ được đọc lên tại Trung tâm thương mại thế giới, cùng với các hoạt động tưởng niệm khác tại thủ đô Washington và bang Pennsylvania, nơi có các địa điểm cũng bị tấn công cùng ngày.
Thành phố New York đã ban hành một luật mới, yêu cầu các trường công trên toàn bang phải tiến hành một khoảng thời gian mặc niệm hàng năm nhằm tưởng nhớ tới các nạn nhân trong vụ tấn công.
Kể từ ngày 11/9/2001, Mỹ đã sa lầy vào cuộc chiến tại Afghanistan suốt 18 năm qua và các đời Tổng thống Mỹ từ đó đến nay đã cố gắng chấm dứt cuộc chiến tại quốc gia Nam Á này mà không thành công.
Vấn đề nan giải nhất đối với Mỹ trong cuộc chiến này vẫn là lực lượng Taliban. Trong giai đoạn từ 2009 – 2014, Taliban đã gần như bị xóa sổ và biến mất trong các cuộc xung đột quy mô lớn xảy ra tại quốc gia Tây Nam Á này.
Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2014, thời điểm Mỹ bắt đầu giảm sự hiện diện của binh sỹ nước này tại chiến trường Afghanistan, Taliban lại trỗi dậy, tiến hành hàng loạt các vụ tấn công đẫm máu nhằm vào binh sỹ Mỹ, các đồng minh và lực lượng an ninh Afghanistan. Với việc để cho lực lượng Taliban xuất hiện trở lại và hoành hành ở Afghanistan cho thấy mọi nỗ lực của người Mỹ đã không hiệu quả.
Mới đây, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố tiếp tục cân nhắc rút quân đội Mỹ khỏi chiến trường Afghanistan. Việc Mỹ giảm sự hiện diện quân sự tại đây được dự báo có thể là động lực trỗi dậy cũng như củng cố các nhóm đồng minh của Al Qaeda tại đây.
Al Qaeda có thể coi việc Mỹ rút quân là một thắng lợi lớn của nhóm này và điều này có thể củng cố lòng tin của các phần tử ủng hộ tổ chức này, khiến Al Qaeda và các nhánh thành viên có cơ hội xây dựng lại lực lượng và mở rộng và điều này sẽ khiến nước Mỹ gặp nguy hiểm.
Sau quyết định hủy đàm phán của ông Donald Trump, Tổng thống Afghnistan Ashraf Ghani tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Taliban, nhưng việc đối thoại có được nối lại hay không còn phụ thuộc vào thái độ của cánh vũ trang chống chính phủ lớn nhất này.
Nếu đàm phán về thỏa thuận hòa bình được nối lại và thành công, Mỹ và các đối tác cần cam kết tiếp tục hỗ trợ củng cố hòa bình ở Afghanistan. Điều đó đòi hỏi phải có sự giám sát thực thi thỏa thuận, ngăn chặn những đối tượng cực đoan phản đối hòa bình, ủng hộ sự quản trị tốt và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Những gì đã và đang xảy ra tại Afghanistan cho thấy, chính quyền Tổng thống Donald Trump chưa thể sớm bước ra khỏi cuộc chiến, dù dưới hình thức này hay hình thức khác.
Phạm Huân/VOV-Washington