Mỹ không thể tìm “diễn viên đóng thế”
Mỹ không thể huy động đủ lực lượng cần thiết từ các đồng minh để có thể rút khỏi những cuộc chiến hay đơn giản nhằm “dằn mặt” đối thủ.
Tìm người hợp tác hay kẻ thế chân?
Mỹ đang ra sức kêu gọi các đồng minh và đối tác tham gia liên minh do nước này đứng đầu với mục đích được tuyên truyền là đảm bảo an ninh và tự do hàng hải ở eo biển Hormuz. Cho tới nay, mới chỉ có Anh lên tiếng khẳng định sẽ tham gia, trong khi Đức từ chối còn Pháp và các nước khác ngập ngừng.
Trong chuyến thăm Nhật Bản ngày 7/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper một lần nữa hối thúc Nhật Bản tham gia liên minh này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya cho biết Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc đưa ra quyết định trên cơ sở tổng hòa nhiều yếu tố trong đó có việc bảo đảm an toàn cho các tàu, thuyền Nhật Bản, ổn định nguồn cung dầu lửa, quan hệ đồng minh với Mỹ và quan hệ hữu nghị với Iran.
Giới phân tích cho rằng, trước đó, nước Mỹ cũng đã nhiều lần kêu gọi đồng minh tăng cường ủng hộ các chiến dịch quân sự của Mỹ, đặc biệt là ở khu vực Trung Đông, với hy vọng nhờ đó Washington có thể tập trung nguồn lực trong cuộc chiến đối đầu với Nga và Trung Quốc. Thế nhưng hầu như các đồng minh của Mỹ đều không sẵn sàng hoặc không có khả năng, do đó sự ủng hộ của họ đối với các chiến dịch của Mỹ chủ yếu dừng ở mức độ danh nghĩa.
Với trường hợp liên minh ở Hormuz, trang phân tích Stratfor cho rằng sự thiếu tin tưởng ngày càng gia tăng của các nước đồng minh đối với đường hướng, kế hoạch của Mỹ về vấn đề Iran chính là nguyên nhân khiến Nhà Trắng khó huy động được ủng hộ cho chương trình an ninh ở Vịnh Persian. Ở những khu vực khác như Syria, có thể Mỹ sẽ huy động thêm được một số quân hậu thuẫn từ các nước khác nhưng vẫn không thể đủ số lượng cần thiết để Washington có thể rút hoàn toàn khỏi vùng chiến sự này.
Ở châu Âu, Anh và Pháp là hai đồng minh mạnh nhất và có tầm quan trọng chiến lược với Mỹ. Cả hai nước đều tích cực tham gia chiến dịch chống tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng do Mỹ đứng đầu. Anh là nước đóng góp lượng quân khá lớn cho chiến dịch của Mỹ ở Afghanistan và trong năm vừa qua Anh đã điều gấp đôi số quân tới nước này theo đề nghị của Mỹ.
Pháp đã rút quân khỏi Afghanistan từ cuối năm 2012 nhưng Paris vẫn có lực lượng hoạt động trên khắp khu vực tiểu vùng Sahara ở châu Phi sát cánh bên lực lượng của Mỹ.
Kể từ khi ông Trump bất ngờ tuyên bố kế hoạch rút quân Mỹ khỏi Syria hồi tháng 4/2019, Nhà Trắng đã cố thuyết phục các đồng minh tăng cường gửi quân đến khu vực này để quá trình rút quân của Mỹ được thuận lợi. Tuy nhiên, cả Anh, Pháp và các đồng minh của Mỹ đều tỏ ra lưỡng lự bởi lo ngại bị bỏ rơi không được hỗ trợ tại một địa bàn rất dễ đụng độ với các lực lượng của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Pháp và Đức mới đây có chút nhượng bộ với cam kết tăng số quân tới Syria thêm 10%. Tuy nhiên, trang phân tích của Mỹ cho rằng điều này không thấm gì so với đề nghị của ông Trump nhằm có được lực lượng hậu thuẫn thay thế để rút quân Mỹ khỏi nơi đây.
Mất uy tín, bị Nga-Trung căng kéo
Ngược lại những nước có khả năng nhưng không sẵn sàng, Mỹ có những đồng minh ở Đông Âu sẵn sàng nhưng lại không có tiềm lực. Các trường hợp được trang phân tích Mỹ đề cập gồm Ba Lan, Estonia, Latvia, Litva và Gruzia. Theo đó, những nước này tỏ ra sẵn sàng hơn nhiều trong việc tham gia vào các chiến dịch quân sự của Mỹ ở khắp nơi trên thế giới.
Theo giới phân tích Mỹ, các nước trên sẵn sàng làm tất cả trong khả năng của mình để hỗ trợ Mỹ trong các chiến dịch quân sự ở các nước khác, với mong đợi rằng Washington cũng sẽ giúp họ khi cần trong trường hợp họ phải đối đầu với Nga. Vấn đề của những nước này là không có tiềm lực.
So với quy mô của mình thì Gruzia được đánh giá đã đóng góp “quá nhiều” cho chiến dịch của Mỹ ở Afghanistan. Tổng cộng số lượng quân của Gruzia ở Afghanistan hiện nay gần bằng số quân của Anh và Đức, trong khi dân số của Gruzia là 4 triệu người, của Đức là 83 triệu người và của Anh là 66 triệu người.
Theo Strafor, những yếu tố buộc các nước Đông Âu phải tham chiến cùng với quân đội của Mỹ cũng chính là là những yếu tố hạn chế khả năng họ có thể tham gia hiệu quả, hay nói cách khác, sức mạnh quân sự của họ chưa đủ để hậu thuẫn Mỹ và cũng chưa đủ để tự vệ chống lại Nga khi cần.
Mỹ có một số đồng minh được gọi là “khá mạnh” ở châu Á-Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Trang phân tích Mỹ cho rằng lượng hải quân của Nhật Bản có thể hỗ trợ rất tốt trong việc đối phó với Iran ở vùng Vịnh. Tuy nhiên, cũng giống như các đồng minh Tây Âu của Mỹ, Nhật Bản vẫn khá đề phòng những ý đồ của Mỹ và cho đến lúc này vẫn từ chối tham gia vào chiến dịch giám sát an toàn vùng vịnh Persian mang tên Sentinel.
Nhưng ngay cả khi Tokyo sẵn sàng giúp sức Mỹ, thì dư luận Nhật Bản và những điều khoản trong bản Hiến pháp của nước này cũng sẽ hạn chế khả năng Nhật Bản có thể tham gia vào các chiến dịch quân sự ở nước ngoài.
Trong khi đó, khả năng ngày một gia tăng của Hàn Quốc khiến họ trở thành đối tác “khá hấp dẫn” với Mỹ trong mục tiêu huy động quân tới Trung Đông và các khu vực khác nữa. Nhưng trong thời điểm hiện tại, Seoul lại đang tập trung mọi nguồn lực cho vấn đề Triều Tiên, cho nên chắc chắn sẽ không chấp nhận điều động lực lượng quân sự lớn tham gia vào các chiến dịch của Mỹ.
Với Australia, liên minh quân sự giữa nước này và Mỹ đã được củng cố trong những năm gần đây và Canberra đã góp phần đáng kể vào nhiều chiến dịch quân sự của Mỹ ở Trung Đông. Tuy nhiên, quy mô quân đội khá nhỏ của Australia đã hạn chế việc nước này có thể hỗ trợ Mỹ thực hiện các ưu tiên quân sự toàn cầu.
Những nước như Nhật Bản hay Australia được cho là muốn duy trì đa số lực lượng trong nước nhằm đối phó với Trung Quốc. Tình huống tương tự đối với các nước Đông Âu trong quan hệ với Nga.
Trang Bloomberg cũng đưa ra nhận định rằng việc Mỹ khó khăn trong việc huy động sự trợ giúp từ châu Âu cho thấy liên minh xuyên Đại Tây Dương đang suy yếu nghiêm trọng. Chính sách đối ngoại khó lường của Mỹ trong nhiều năm qua đã khiến các nước đồng minh NATO trở nên dè chừng, kể cả khi Washongton không hề có ý định châm ngòi một cuộc chiến tranh toàn diện với một nước xa xôi nào đó.
(Theo Đất Việt)