+
Aa
-
like
comment

Mỹ kêu gọi NATO gây áp lực lên chương trình hạt nhân của TQ

30/10/2020 10:15

Mỹ đang kêu gọi các đồng minh NATO gây áp lực lên chương trình hạt nhân của Trung Quốc, trong bối cảnh Washington muốn làm giảm ảnh hưởng của Bắc Kinh trong cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu.

Mỹ kêu gọi NATO gây áp lực lên chương trình hạt nhân của Trung Quốc - 1
Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea (Ảnh: Reuters)

Trong cuộc gặp với đại diện các nước NATO tuần trước, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump về kiểm soát vũ khí, Marshall Billingslea, đã kêu gọi các nước NATO ban hành quy định kiểm soát vũ khí chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang thuyết phục Trung Quốc tham gia thỏa thuận hạt nhân 3 bên với Nga, nhưng Bắc Kinh không tỏ ra “mặn mà” với đề xuất này trong thời gian qua.

Bình luận của quan chức trên được xem là một phần trong chiến lược của chính quyền Trump nhằm nhấn mạnh rằng Trung Quốc – không phải Nga – là mối đe dọa lớn nhất tới an ninh quốc gia của Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19, đại dịch mà Washington cáo buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm.

Ông Billingslea kêu gọi các đồng minh có động thái ngăn sự mở rộng của chương trình hạt nhân Trung Quốc. Mỹ cho rằng nỗ lực của Trung Quốc trong việc mở rộng quy mô kho vũ khí hạt nhân đồng nghĩa với việc Mỹ và đồng minh phải có các động thái phòng thủ theo kiểu “phủ đầu”, bao gồm việc triển khai thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa để chống lại hàng nghìn tên lửa mà Bắc Kinh được cho đang phát triển.

Ngoài ra, Mỹ cũng cho rằng việc Trung Quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân làm hợp pháp hóa việc mở rộng khả năng tấn công sâu của Washington để đẩy lùi các tên lửa của Bắc Kinh.

Một quan chức cấp cao ẩn danh của Mỹ nhận định rằng: “Khác với Nga hay Mỹ, khi các quốc gia này có chương trình hạt nhân khác biệt rõ ràng về chức năng và đặc trưng tùy vào mục đích là dành cho quân sự hay dân sự – ví dụ như mỗi lò phản ứng sẽ có mục tiêu quân sự hoặc dân sự riêng biệt, Trung Quốc có xu hướng “pha trộn” hai mục tiêu này vào làm một. Vì vậy chương trình hạt nhân dân sự của Trung Quốc cũng nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc”.

Giới chức Mỹ cho rằng Trung Quốc “sử dụng học thuyết hợp nhất dân sự – quân sự và học thuyết này nói rằng bất kỳ công ty dân sự nào cũng sẽ cung cấp công nghệ cho để áp dụng vào mục đích quân sự theo yêu cầu của nhà nước. Đó là một động thái khá đáng báo động”.

Trong thông điệp gửi tới các đồng minh NATO, ông Billingslea cung cấp các hình ảnh vệ tinh nhằm mô tả việc Trung Quốc mở rộng chương trình hạt nhân trong một thập niên qua.

Một phát ngôn viên của NATO từ chối đưa ra bình luận về cuộc họp trên. Trong khi đó, một quan chức cấp cao thuộc một quốc gia NATO nói với truyền thông Mỹ rằng cuộc họp kết thúc nhưng không có một đề nghị cụ thể hay kế hoạch hành động rõ ràng từ phía Washington.

Trước đó, Lầu Năm Góc cho rằng số đầu đạn hạt nhân Trung Quốc đang sở hữu là “dưới 200”, nhưng giới quan sát cho rằng con số này cao hơn vì thống kê từ Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ bao gồm các đầu đạn “đang hoạt động”. Trong khi đó, Nga được cho sở hữu trên 6.000 đầu đạn và Mỹ có khoảng 5.800 đầu đạn.

Vào tháng 9, Lầu Năm Góc cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực tăng ít nhất gấp đôi số đầu đạn hạt nhân trong kho vũ khí trong 10 năm tới và quân đội Trung Quốc đã và đang đuổi kịp hoặc vượt Mỹ ở một số lĩnh vực.

Đức Hoàng/DT

Bài mới
Đọc nhiều