Cuối năm nay, Lầu Năm Góc bắt đầu tiến hành trang bị động cơ mới cho 76 chiếc B-52 còn lại, với hy vọng có thể giúp dòng máy bay ném bom này vượt qua sinh nhật lần thứ 100 của nó.
Theo trang Defense One, Bộ Quốc phòng Mỹ chuẩn bị xúc tiến “chiến dịch hiện đại hóa lớn nhất lịch sử”, theo đó thay thế 8 động cơ Pratt & Whitney TF33 được lắp cho mỗi máy bay ném bom hạng nặng của Mỹ từ cuối thập niên 1960.
Từ vũ khí hạt nhân đến bội siêu thanh
Vào thời điểm việc thay thế động cơ được hoàn tất, B-52 (biệt danh Pháo đài bay), hứa hẹn sẽ phục vụ lâu hơn các dòng oanh tạc cơ hiện nay là B-1 và B-2. Quyết định này phản ánh ý đồ của giới lãnh đạo Lầu Năm Góc, theo đó cho phép B-52 tiếp tục bay bên cạnh dòng máy bay ném bom chủ lực tương lai của Mỹ là B-21. Cùng với B-21, B-52 sẽ đảm nhiệm một trong những trụ cột của tam giác hạt nhân Mỹ cho đến thập niên 2050. B-52 có chuyến bay thử đầu tiên vào năm 1952, tức khoảng 6 năm sau khi Boeing vào năm 1946 thắng thầu phát triển loại chiến đấu cơ này.
“Khi chúng tôi chế tạo B-52, nó là máy bay ném bom tầm cao”, theo Thiếu tướng Andrew Gebara, giám đốc kế hoạch chiến lược, chương trình và yêu cầu của Bộ chỉ huy tấn công toàn cầu thuộc Không quân Mỹ. Kế đến, B-52 được điều chỉnh để trở thành máy bay ném bom hạt nhân tầm thấp, trước khi chuyển sang đảm nhận vai trò máy bay ném bom rải thảm tầm cao trong Chiến tranh Việt Nam, theo vị tướng.
Vào thời điểm Mỹ triển khai Chiến dịch Bão táp Sa mạc tại Vùng Vịnh năm 1991, B-52 được trang bị tên lửa hành trình. Trong hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan, dòng máy bay ném bom chiến lược lại đảm nhận vai trò tấn công chính xác theo chiến lược hỗ trợ không lực tầm gần. “Giờ đây, chúng tôi sẽ biến nó thành máy bay đầu tiên trong kho khí tài Mỹ được triển khai vũ khí bội siêu thanh”, Thiếu tướng Gebara cho biết.
Dòng vũ khí mà tướng Mỹ đề cập chính là Vũ khí phản ứng nhanh phóng từ máy bay AGM-183A. Mỗi chiếc B-52 được dự kiến sẽ mang tối đa 4 quả AGM-183A.
Nền tảng đa dạng của B-52
75 năm trước, quân đội Mỹ đầu tư vỏn vẹn 1,7 triệu USD để Boeing bắt tay nghiên cứu dòng máy bay ném bom chiến lược mới. Và bà Jennifer Wong, giám đốc cấp cao chương trinh oanh tạc cơ của hãng Boeing, cho hay chẳng ai có thể tưởng tượng rằng chương trình B-52 có thể kéo dài đến ngày nay. “Tuy nhiên, thiết kế của máy bay cho phép thực hiện nhiều điều chỉnh liên quan đến cấu trúc”, bà cho biết.
Nhờ thiết kế kinh hoạt, B-52 lần lượt được trang bị những dòng vũ khí mới, từ đó giúp tiết kiệm ngân sách trong trường hợp phải thiết kế máy bay mới.
Trong năm tài khóa 2017, phi đội B-52 thực hiện 2.591 lần xuất kích, tổng cộng 19.770 giờ bay.Trong nửa năm đầu 2021, số lần xuất kích là 1.424 và 8.597 giờ. Gần đây không quân Mỹ đưa B-52 đến châu Âu, châu Phi và những khu vực khác trên thế giới.
Các động cơ mới không giúp máy bay di chuyển nhanh hơn, nhưng nâng cao hiệu quả về năng lượng, cho phép tiết kiệm xăng đến 30% so với trước đây.
Với những điều chỉnh mới, giới chức Không quân Mỹ hy vọng có thể tiếp tục bay B-52 đến sinh nhật 100 tuổi của dòng máy bay ném bom này.
Thụy Miên