+
Aa
-
like
comment

Mỹ hủy cáo buộc với “Công chúa Huawei”: Căng thẳng ngoại giao có hạ nhiệt?

Huy Hoàng - 03/12/2022 13:38

Sau khi Canada trả tự do cho bà Mạnh Vãn Chu vào năm ngoái, thì hôm 1/12 các công tố viên Mỹ cũng yêu cầu thẩm phán bác bỏ cáo buộc cũng như các tội danh khác đối với Giám đốc Tài chính Tập đoàn Huawei. Liệu sự kiện vừa qua có giúp hàn gắn mối quan hệ giữa Trung – Mỹ?

Bà Mạnh Vãn Chu khi đáp xuống sân bay Bảo An Thâm Quyến ngày 26/9/2021

Bà Mạnh Vãn Chu vốn là con gái nhà sáng lập huyền thoại của tập đoàn Huawei. Bà là một trong những nữ doanh nhân nổi tiếng nhất của Trung Quốc, có kinh nghiệm công tác tại nhiều nơi trên thế giới. Do đó bà Mạnh là niềm tự hào không chỉ của người dân Trung Quốc mà còn là của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cũng vì vậy việc bà từng bị bắt giữ vào năm 2018 đã gây ra sự giận dữ rất lớn trong dư luận nước này.

Mặc dù bà Mạnh đã được trả tự do vào năm ngoái thế nhưng, đứng ở cương vị một người như bà, việc Mỹ cáo buộc những tội danh đã làm ảnh hưởng rất lớn đến nhiều mặt. Từ thanh danh của bà Mạnh cho đến các mối quan hệ làm ăn của bà ở nước ngoài. Đó là những tổn thất vô hình và không thể đong đếm được. Do đó, sự kiện các Công tố viên Mỹ và Thẩm phán Mỹ khép lại vụ án của bà vừa qua có thể xem là đã gỡ rối phần nào căng thẳng giữa hai nước.

Mặc dù hiềm nghi đã được giải tỏa, thế nhưng những thiệt hại chung đối với đất nước tỷ dân vẫn là không thể đảo ngược. Trong đó gần thì có Tập đoàn Huawei của Trung Quốc. Tâm lý lo sợ đối với Huawei đã dâng cao kể từ sau khi Mỹ cáo buộc tập đoàn này là “tai mắt” của Chính phủ Trung Quốc. Những cáo buộc đó làm các nước e ngại khi đặt bút ký hợp đồng với Huawei. Các sản phẩm của Huawei cũng bị tẩy chay trên toàn cầu kể cả ở những quốc gia không ban hành những lệnh cấm khắt khe.

Một buổi ra mắt sản phẩm của Tập đoàn Huawei

Không chỉ riêng cá nhân tập đoàn kể trên, mà những vụ bắt bớ còn gây một hệ quả khác lên kinh tế Trung Quốc, đó là các Startup Trung Quốc giờ đây đang có xu hướng tách mình ra khỏi quốc gia. Để tránh những phản ứng bất lợi của các chính trị gia cũng như dư luận quốc tế, các nhà khởi nghiệp ở Trung Quốc đã chuyển hẳn trụ sở chính ra khỏi Trung Quốc hoặc thành lập một đơn vị riêng biệt ở các quốc gia như Singapore. Một số tự đổi tên và bỏ luôn phần tham chiếu đến nguồn gốc Trung Quốc của họ hoặc phát triển các sản phẩm riêng biệt cho hai thị trường là Trung Quốc và quốc tế.

Chưa thể biết được xu hướng đang diễn ra này có khiến đất nước tỷ dân chảy máu chất xám không. Tuy nhiên, nếu có, nó sẽ trở thành một vết thương hở trong quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều