Mỹ gửi yêu cầu lập cơ chế đối thoại ở biển Đông, quân đội Trung Quốc “bặt vô âm tín”
Một tư lệnh Mỹ mới đây chỉ trích Bắc Kinh phô trương sức mạnh ở biển Đông và không hồi đáp trước lời kêu gọi thiết lập cơ chế trao đổi khủng hoảng của Mỹ.
Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Mỹ (USINDOPACOM), cảnh báo tại Diễn đàn an ninh Aspen, tổ chức tại Colorado ngày 18/7 (giờ địa phương), về sự gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.
Ông Davidson cho biết, “đối thoại đang diễn ra” giữa Washington và Bắc Kinh ở cấp độ quân đội, tuy nhiên giữa hai nước vẫn cần có một cơ chế trao đổi về khủng hoảng để làm giảm bớt rủi ro từ những tính toán sai lầm.
“Cạnh tranh không đồng nghĩa với không tiếp cận. Chúng tôi (Mỹ và Trung Quốc) có tiếp cận ở cấp độ quân sự,” đô đốc Mỹ nói. “[Nhưng] Mỹ có một yêu cầu lâu dài với Trung Quốc. Đối với tôi thì đó là xây dựng cơ chế trao đổi khủng hoảng với Chiến khu miền Nam – xử lý các vấn đề về biển Đông, và Chiến khu miền Đông [của quân đội Trung Quốc]…. Họ vẫn chưa phản đồi đề nghị này.”
Theo SCMP, Mỹ và Trung Quốc đang ở vào thế cạnh tranh lẫn nhau trong vấn đề phát triển quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bắc Kinh phản đối các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOP) mà hải quân Mỹ tiến hành ở biển Đông, trong khi Mỹ và một số láng giềng Đông Nam Á bày tỏ lo ngại về hoạt động quân sự hóa leo thang của Trung Quốc tại đây.
Tướng Davidson xác nhận Washington cam kết duy trì hiện diện quân sự Mỹ ở vùng nước quốc tế trên biển Đông, nhằm nỗ lực giúp giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và gìn giữ trật tự trên cơ sở luật pháp quốc tế.
“Nhiều nước khác ủng hộ khá mạnh mẽ các chiến dịch tự do hàng hải của chúng tôi, bất chấp Trung Quốc phản đối,” ông nói, lưu ý Mỹ có 5 đồng minh ký hiệp ước phòng thủ tương hỗ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ông Davidson nhắc lại sự kiện quân đội Trung Quốc tổ chức thử tên lửa ở biển Đông không lâu sau khi Bộ trưởng quốc phòng Ngụy Phượng Hòa phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Singapore hồi đầu tháng 6, trong đó ông Ngụy tuyên bố Bắc Kinh có “quyền hợp pháp” khi bố trí khí tài trên các đảo đá ở biển Đông.
Đô đốc Mỹ chỉ trích tham vọng quân sự của Bắc Kinh đối với khu vực biển Đông, và mô tả diễn văn của ông Ngụy “không chỉ làm rõ rằng ông ta không nghĩ châu Á và Tây Thái Bình Dương là khu vực dành cho Mỹ, mà cơ bản ông ta còn nói rằng châu Á thậm chí không dành cả cho người châu Á, mà là dành cho người Trung Quốc”.
Ngày 8/7, ông Ngụy Phượng Hòa phát biểu tại diễn đàn gồm bộ trưởng quốc phòng từ các nước Mỹ-Latinh và các đảo quốc ở Thái Bình Dương, thừa nhận chương trình phát triển toàn cầu của Trung Quốc “Vành đai, Con đường” (BRI) là con đường để mở rộng hiện diện quân sự của Trung Quốc trong tương lai đến các khu vực khác trên toàn cầu. Điều này trái với nhiều khẳng định trước đó của giới chức Trung Quốc rằng không có yếu tố quân sự nào trong mục tiêu của BRI.
“Chỉ trong vài giờ, họ (Trung Quốc) bắn 6 tên lửa đạn đạo chống hạm – loại tên lửa mới mà họ phát triển – ở biển Đông,” tướng Mỹ chỉ trích, đồng thời nêu yêu cầu cấp thiết về việc quân đội Mỹ nâng cấp khí tài và năng lực tác chiến để tránh bị qua mặt, bởi Trung Quốc đang tích lũy nhanh chóng năng lực trên mặt trận chiến tranh thông thường và cả công nghệ cao.
(Theo Soha News)