+
Aa
-
like
comment

Mỹ giúp Việt Nam thắng Trung Quốc ở Biển Đông hay Hà Nội sẽ bị trừng phạt?

18/07/2020 11:38

Việc Mỹ tuyên bố bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông vô cùng có lợi cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh chính trị, ngoại giao và pháp lý về chủ quyền, lợi ích quốc gia của Hà Nội đối với Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo làm Trung Quốc nổi giận, bởi đây là một bằng chứng cho thấy sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lập trường và quan điểm nhất quán, hợp với luật pháp quốc tế của Việt Nam.

Xuất hiện lo ngại, liệu việc Mỹ chọc tức Trung Quốc có khiến Bắc Kinh “làm khó” Hà Nội và Việt Nam có thể dính các đòn trừng phạt về kinh tế như chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đã từng làm với Philippines.

Cũng trong một động thái liên qua, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc đã có cuộc họp trực tuyến, trao đổi về hợp tác song phương liên quan đến công tác chống Covid-19, tình hình quốc tế, khu vực cũng như căng thẳng ở Biển Đông.

Việt Nam và Trung Quốc họp trực tuyến bàn căng thẳng ở Biển Đông

Không ngoài dự liệu, vấn đề Biển Đông là chủ đề đáng quan tâm nhất được đưa lên bàn họp Hội nghị trực tuyến giữa hai Tổng thư ký Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam và Trung Quốc, bên cạnh tình hình chung của ASEAN, thế giới, Covid-19.

“Sóng ngầm” ở Biển Đông đang thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế và là vấn đề quan tâm hàng đầu trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc hiện nay.

Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump “đổ thêm dầu vào lửa” khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo công bố lập trường của Mỹ về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Trong đó, Washington bác bỏ gần hết chủ quyền của Bắc Kinh ở phần lớn Biển Đông khiến Trung Quốc vô cùng giận giữ.

Khẩu chiến qua lại giữa hai nước liên tục nổ ra. Trung Quốc chỉ trích Mỹ “chõ mũi” can thiệp vào vấn đề nội bộ của Bắc Kinh và các nước láng giềng, còn Hoa Kỳ thì cho rằng, Trung Quốc “ỷ mình là nước lớn, chỉ toàn đi bắt nạt, o ép, tạo sự đã rồi”, dùng vũ lực đe dọa các nước láng giềng, ngăn cản họ khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp pháp với tuyên bố chủ quyền mỗi nước ở các vùng biển tranh chấp.

Trong bối cảnh đó, ngày 16/7, tại trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam, Thứ trưởng Lê Hoài Trung đã có buổi họp trực tuyến với người đồng cấp Trung Quốc – Thứ trưởng La Chiếu Huy. Cả hai ông Lê Hoài trung và La Chiếu Huy đều là Tổng thư ký Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam và Trung Quốc của mỗi nước.

Trong buổi làm việc, hai Thứ trưởng Ngoại giao, hai vị Tổng thư ký đã cùng trao đổi về các nội dung liên quan đến việc chuẩn bị cho Phiên họp thứ 12 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, hai bên đã cùng trao đổi một số nội dung quan trọng trong quan hệ Hà Nội – Bắc Kinh như hợp tác song phương phòng chống dịch Covid-19, tình hình biến động tại khu vực, thế giới cũng như căng thẳng ở Biển Đông.

Chuyên gia Vũ Thanh Ca: Tuyên bố của Mỹ phù hợp với lập trường của Việt Nam về Biển Đông

Bình luận về tuyên bố lập trường của Mỹ về các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam nêu nhiều quan điểm đáng chú ý.

Theo vị chuyên gia, các tuyên bố phía Mỹ đưa ra góp phần ủng hộ lập trường, quan điểm, yêu sách về Biển Đông của Việt Nam với tinh thần “thượng tôn pháp luật quốc tế”. Đánh giá về thái độ của Washington trong tuyên bố bác bỏ hầu hết các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, PGS.TS Vũ Thanh Ca nhấn mạnh, đây là một thông điệp hết sức mạnh mẽ.

Những gì mà Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định ngày 13/7/2020 hoàn toàn thống nhất với quan điểm từ trước tới nay của Mỹ. Đó là duy trì hòa bình, ổn định, thực thi tự do biển cả theo luật pháp quốc tế, phản đối các hành động vũ lực và ép buộc bằng vũ lực trên biển.

Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, thực tế, Trung Quốc ngày càng tỏ ra là một quốc gia lợi dụng sức mạnh của mình để xâm phạm lãnh thổ và biển của các nước láng giềng. Minh chứng cho thực tế trên nhiều vô số. Nếu chưa kể đến vụ đưa tàu Hải dương Địa chất vào Bãi Tư Chính của Việt Nam hồi tháng 7/2019, hay hàng loạt vụ việc tương tự trước đó, thì ngay trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã liên tục có những hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế nghiêm trọng trên Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi của phóng viên các cơ quan báo thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế.

Điển hình như việc Bắc Kinh đưa ra tuyên bố về “quyền lịch sử” trong phạm vi đường lưỡi bò (đường chín đoạn), xây dựng các đảo nhân tạo, tiến hành quân sự hóa, phớt lờ Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế thành lập theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), xâm phạm, khảo sát, thăm dò tài nguyên trái phép trong vùng biển các nước xung quanh Biển Đông của Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei.

Đối với Washington, Mỹ nhận thấy các hành động của Trung Quốc đe dọa quyền lợi của Mỹ trong khu vực. Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, Mỹ đã nhiều lần khẳng định có lợi ích trong việc duy trì tự do hàng hải, hàng không, hòa bình, ổn định ở Biển Đông, kêu gọi các nước giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Trong những năm gần đây, trước các bước leo thang vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc, Mỹ cũng tăng cường phê phán và lên án Trung Quốc như lên án hành động đe dọa, cưỡng bức và dùng vũ lực của hải quân, cảnh sát biển, tàu cá hay máy bay quân sự và dân sự Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

Washington cũng chỉ trích nặng nề việc Trung Quốc thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Hoa Đông. Mỹ kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC).

Trong các trao đổi riêng, trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, Mỹ đã liên tục phản đối các hành động đơn phương, sử dụng sức mạnh để thay đổi nguyên trạng, áp đặt yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, DOC.

Đặc biệt, như đã thấy, Mỹ cũng tiến hành các hoạt động tự do hàng hải thách thức những tuyên bố chủ quyền trái phép của Trung Quốc.

“Thực chất của tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ lần này chỉ là tổng hợp và tiếp nối những tuyên bố trước đó của Mỹ về Trung Quốc ở Biển Đông”, PGS.TS Vũ Thanh Ca nhận xét.

Tuyên bố của Mỹ giúp Việt Nam trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc?

So sánh, đối chiếu lập trường của Hoa Kỳ với quan điểm của Việt Nam về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhận định trên PLO cho rằng, gần như, tất cả các điểm trong tuyên bố của Mỹ đều phù hợp với lập trường và quan điểm của Việt Nam, được thể hiện trong Công hàm số 22/HC-2020 mà Hà Nội đệ trình lên Tổng Thư ký LHQ.

PGS.TS Vũ Thanh Ca nêu rõ 4 điểm tương đồng trong lập trường về Biển Đông giữa Việt Nam và Mỹ. Cụ thể, thứ nhất là tuyên bố của nhà cầm quyền Bắc Kinh về chủ quyền đối với tài nguyên trên hầu như toàn bộ Biển Đông và những hành động bắt nạt để thực thi tuyên bố chủ quyền này là tuyệt đối trái luật pháp quốc tế.

Thứ hai, cần phải nhớ, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý chặt chẽ cho tuyên bố “đường lưỡi bò” trên Biển Đông mà Tòa Trọng tài thành lập theo Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) đã phán quyết bác bỏ vào ngày 12/7/2016.

Điều thứ bà là, Mỹ bác bỏ các tuyên bố vùng biển vượt quá 12 hải lý của Trung Quốc ở các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa. Do vậy, bác bỏ các tuyên bố quyền chủ quyền của Bắc Kinh đối với vùng biển Bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), bãi cạn Luconia (ngoài khơi Malaysia), vùng biển nằm trong EEZ của Brunei, vùng biển Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia).

Theo đó, mọi hành động quấy rối đối với các hoạt động khai thác dầu khí và đánh cá của các nước khác hoặc đơn phương khai thác dầu khí và đánh cá của Trung Quốc trong các vùng biển đó là trái phép. Và theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, điểm mấu chốt cuối cùng là “thế giới sẽ không cho phép Trung Quốc coi Biển Đông là ao nhà”.

Mỹ đoàn kết với các đồng minh và đối tác Đông Nam Á để bảo vệ quyền chủ quyền của họ với tài nguyên ngoài khơi phù hợp với quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của luật pháp quốc tế. Mỹ đoàn kết với cộng đồng quốc tế để bảo vệ quyền tự do biển cả, tôn trọng chủ quyền, bác bỏ cách áp đặt “có thể tạo ra quyền” của Bắc Kinh đối với Biển Đông và một khu vực rộng hơn.

“Như vậy, tuyên bố của Mỹ cũng có thể được coi như một bằng chứng cho thấy sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lập trường và quan điểm đúng đắn, phù hợp với luật pháp quốc tế của Việt Nam. Điều đó có lợi rất lớn cho Việt Nam trong các cuộc đấu tranh chính trị, ngoại giao và pháp lý để bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia của Việt Nam trên vùng biển mà Hà Nội có chủ quyền và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo nhận định.

Vị chuyên gia lưu ý rằng, tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc với Việt Nam và các nước xung quanh Biển Đông khác gồm tranh chấp đảo (vùng lãnh thổ) và tranh chấp biển.

Tranh chấp lãnh thổ hiện chưa được giải quyết thông qua tòa án quốc tế nên Mỹ chủ trương trung lập với vấn đề này. Tuy nhiên, tranh chấp biển về cơ bản đã được giải quyết theo phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) thành lập theo UNCLOS. Tuyên bố của Mỹ chủ yếu dựa trên phán quyết này, UNCLOS và các văn bản luật pháp quốc tế khác nên có giá trị pháp lý rất cao.

“Vì Mỹ là cường quốc biển hùng mạnh nhất thế giới, tuyên bố của Mỹ sẽ có tác động rất lớn theo hướng có lợi tới Việt Nam và các quốc gia xung quanh Biển Đông khác trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế”, PGS.TS Vũ Thanh Ca phân tích.

Điều đáng nói là, ngay sau khi Washington công bố lập trường, “dội gáo nước lạnh” vào yêu sách hàng hải của Bắc Kinh ở Biển Đông, Bộ Quốc phòng Philippines, Bộ Ngoại giao Indonesia và Việt Nam cũng đều có động thái ủng hộ tuyên bố của Mỹ. Trong đó Hà Nội hoan nghênh việc các bên tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế.

“Sự đồng thuận quốc tế này sẽ tạo ra những sức ép lớn với Trung Quốc, buộc Trung Quốc phải dè chừng, thậm chí phải tính toán rất kỹ trước khi xâm phạm vùng biển, cưỡng ép, bắt nạt các nước khác”, PGS.TS Vũ Thanh Ca nêu rõ.

Liệu Trung Quốc có nổi giận với Việt Nam vì có “quan hệ tốt” với Mỹ ở Biển Đông?

Lý giải về nguyên nhân vì sao Washington “xoay trục”, ủng hộ ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trong giải quyết bất đồng về tranh chấp hải đảo ở Biển Đông, PGS.TS Vũ Thanh Ca cho rằng, việc Mỹ ủng hộ Việt Nam và các nước Đông Nam Á là đương nhiên vì quyền lợi trên Biển Đông của Mỹ và quyền lợi của Việt Nam và các nước ASEAN là song trùng.

“Và chỉ ủng hộ Việt Nam cùng các nước Đông Nam Á khác trong cuộc đấu tranh chính nghĩa của họ, Mỹ mới có thể đạt và bảo vệ được lợi ích của mình”, vị chuyên gia cho biết.

Về lo ngại, liệu Trung Quốc có làm khó và gây sức ép với Hà Nội khi quan hệ Việt – Mỹ ngày càng gắn bó, nhất là hai bên vừa kỷ niệm 25 bình thường hóa quan hệ ngoại giao, chia sẻ chung nhiều lập trường về vấn đề Biển Đông, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo Việt Nam nhấn mạnh “nếu chúng ta chùn bước thì Trung Quốc sẽ lấn tới”.

Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, thực tế từ trước tới nay Trung Quốc luôn có chiến thuật “mềm nắn, rắn buông”.

“Trung Quốc thừa biết các hành động bắt nạt, tìm cách tước đoạt quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam và các nước khác trong vùng biển của các nước này là trái luật. Tuy nhiên, họ vẫn cố làm vì nghĩ rằng bằng cách “có thể tạo ra quyền”, cuối cùng họ sẽ thắng. Tôi tin rằng những hành động quyết đoán của Việt Nam, của Mỹ và các nước khác sẽ không làm tình hình Biển Đông căng thẳng thêm, mà ngược lại giúp giảm căng thẳng, duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông”, vị chuyên gia nêu quan điểm.

Nhận định về khả năng Trung Quốc “mượn đòn kinh tế” cũng như nhiều công cụ khác để làm khó Việt Nam như đã từng hành xử với Philippines, đồng thời, Hà Nội nên làm gì để cân bằng quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ – Trung, PGS.TS Vũ Thanh Ca cho rằng, lập trường của Việt Nam là tuân thủ luật pháp quốc tế trên biển. Thực tế, Hà Nội ủng hộ tất cả hoạt động phù hợp với luật pháp quốc tế, phê phán và bác bỏ các hoạt động không phù hợp với luật pháp quốc tế.

“Việt Nam sẽ làm điều này với tất cả các nước, không chỉ là đối với Mỹ hoặc Trung Quốc. Như vậy, việc bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia của Việt Nam trên Biển Đông không mâu thuẫn với đường lối ngoại giao “bốn không” của mình”, PGS.TS Vũ Thanh Ca thẳng thắn.

Điều mà vị chuyên gia đang nói đến chính là lập trường “không tham gia liên minh quân sự”, “không liên kết với nước này để chống nước kia”, “không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác” và không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế của Việt Nam.

Cũng liên quan vấn đề này, chiều ngày 16/7 trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi liệu đối đầu Mỹ – Trung hiện tại ở Biển Đông ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam cũng như việc Bắc Kinh phản đối việc lợi dụng quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, trong một thế giới hội nhập và phát triển như ngày nay, Việt Nam cho rằng, các quốc gia thể hiện thiện chí và phát triển quan hệ hữu nghị với nhau là xu thế tất yếu và đóng góp cho hòa bình, ổn định chung ở khu vực và thế giới.

“Quan điểm, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam là rõ ràng và nhất quán. Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế và hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển hợp tác với tất cả các đối tác trên cơ sở cùng có lợi, tôn trọng luật pháp quốc tế, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới. Chúng tôi mong các nước chia sẻ quan điểm này”, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.

Quan hệ Việt-Mỹ tác động thế nào đến vấn đề Biển Đông?

Cũng chia sẻ về quan hệ Việt- Mỹ ở thời điểm hiện tại và vấn đề về Biển Đông, TS. Lại Thái Bình, Học viện Ngoại giao chia sẻ trên TG&VN cho rằng, cả Washington và Hà Nội đều hiểu Biển Đông là địa bàn mang tính chiến lược cả về chính trị, luật pháp quốc tế, kinh tế, môi trường biển, an ninh.

Trên thực tế, tình hình Biển Đông luôn tồn tại sự căng thẳng hay xung đột cục bộ và những năm gần đây liên tục chứng kiến sự leo thang trong các đòi hỏi về chủ quyền cũng như những hành động gây căng thẳng trong vấn đề Biển Đông. Trong khi đó, tại khu vực hiện đang thiếu những cơ chế hợp tác an ninh đủ mạnh để giúp xử lý một cách hiệu quả những vấn đề này theo đúng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, nhất là nguyên tắc hòa bình giải quyết các tranh chấp.

Theo vị chuyên gia, mặc dù không phải là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp chủ quyền, Mỹ có nhiều lợi ích tương đồng với Việt Nam tại Biển Đông.

“Lợi ích nổi bật mà cả Việt Nam và Mỹ đều quan tâm nhiều là việc tiếp cận không bị cản trở tại Biển Đông theo đúng các quy định của luật pháp quốc tế. Việc tiếp cận không bị cản trở này liên quan mật thiết với việc khai thác các nguồn lực biển cũng như phục vụ cho đi lại của các tàu thuyền thương mại (với lượng hàng hóa trên 5 nghìn tỷ USD hàng năm, trong đó với Mỹ là hơn 1 nghìn tỷ USD) và quân sự tại Biển Đông”, TS Lại Thái Bình phân tích.

Trong khi đó, với cách diễn giải luật pháp quốc tế và các hành động trên thực địa, Trung Quốc có xu hướng tăng cường áp đặt các hạn chế trong tự do hàng hải và hàng không tại hầu hết các khu vực ở Biển Đông.

“Lợi ích quan trọng khác mà cả Việt Nam và Mỹ đều chú trọng thúc đẩy là việc tăng cường hòa bình và ổn định tại Biển Đông và Đông Nam Á. Với lịch sử xung đột giữa các quốc gia liên quan Biển Đông cũng như việc các bên tiếp tục tăng cường tiềm lực quân sự, Biển Đông đã và đang tiềm ẩn các điểm nóng vốn có thể đe dọa hòa bình và ổn định”, ông Bình cho biết.

Theo vị chuyên gia, hợp tác Việt-Mỹ trong vấn đề Biển Đông là rất tích cực và còn nhiều tiềm năng để phát triển. Hoa Kỳ ngày càng can dự nhiều hơn vào vấn đề Biển Đông một cách tích cực và tự nguyện. Ngoài việc liên tục ra các tuyên bố chính sách, đề xuất các luật có liên quan đến khu vực và Biển Đông, Mỹ tiếp tục tăng cường sự hiện diện trên Biển Đông với các tàu hải quân và máy bay các loại (trong đó tàu sân bay của Mỹ đã hai lần ghé thăm cảng Việt Nam).

“Biển Đông luôn là một chủ đề quan trọng trong các đối thoại của nhiều cấp giữa Việt Nam và Mỹ cũng như trong các khuôn khổ hợp tác với khu vực”, TS. Lại Thái Bình nói.

Ông lấy dẫn chứng như các công ty Mỹ như Exxon Mobil và Murphy Oil tiếp tục hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí với Việt Nam và hợp tác quốc phòng liên quan Biển Đông tiếp tục được hai bên quan tâm (trong đó có việc Mỹ chuyển giao tàu tuần tra cỡ lớn cho Việt Nam)…

“Việc Việt Nam và Mỹ tiếp tục quan tâm và tăng cường hợp tác liên quan Biển Đông đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Trước hết, việc hợp tác này góp phần làm tăng sự quan tâm của khu vực đối với vấn đề Biển Đông, thúc đẩy tiến trình đối thoại tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, tạo ra một cục diện cân bằng hơn trong việc hòa bình giải quyết các tranh chấp”, TS. Lại Thái Bình nêu rõ.

Bên cạnh đó, mặc dù bản thân Mỹ chưa phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 do nhiều nguyên nhân (trong đó có các nguyên nhân liên quan chính trị nội bộ), việc Mỹ kiên trì thúc đẩy hợp tác trên cơ sở các nguyên tắc của Công ước tạo thuận lợi cho các quốc gia khu vực trong việc tìm tiếng nói chung trên cơ sở luật pháp quốc tế để hiện thực hóa các mô thức hành vi ứng xử tại Biển Đông.

Cũng theo vị chuyên gia, việc tăng cường hợp tác liên quan vấn đề Biển Đông góp phần tích cực vào việc giúp bảo vệ các quyền lợi chính đáng của cả Việt Nam, Mỹ và một số quốc gia Đông Nam Á khác liên quan đến xử lý tranh chấp, khai thác các nguồn lực từ biển, sử dụng các tuyến đường biển trong hội nhập quốc tế, tăng cường trao đổi thương mại.

Để góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác tại Biển Đông, Việt Nam và Mỹ còn nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác. Hai bên cần tiếp tục duy trì và thúc đẩy việc xây dựng một trật tự tại khu vực dựa trên luật lệ (mà sáng kiến Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương tự do và rộng mở là một trong những ví dụ về tính sáng tạo liên quan trật tự khu vực), theo đó vấn đề Biển Đông cũng được giải quyết theo các nguyên tắc chung tích cực của luật pháp quốc tế.

“Việt Nam và Mỹ cũng có thể cùng các quốc gia khu vực và trên thế giới tạo dựng một diễn đàn an ninh cấp cao thường niên để thảo luận và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan Biển Đông”, TS. Lại Thái Bình đề xuất.

Theo vị chuyên gia, hai nước cũng có thể thúc đẩy những hợp tác liên quan việc tăng cường năng lực cho mỗi bên liên quan đào tạo, huấn luyện, diễn tập chung, trao đổi thông tin liên quan sự phát triển của Biển Đông, hợp tác kinh tế, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển, phòng chống khủng bố, cướp biển, cứu trợ thiên tai. Trong tiến trình đó, việc công khai, minh bạch việc hợp tác và tích cực chia sẻ thông tin và kết nối hợp tác với các nước khu vực là rất cần thiết để làm giảm bớt những quan ngại và tranh thủ được các nguồn lực khác nhau và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và khu vực.

Bài mới
Đọc nhiều