+
Aa
-
like
comment

Mỹ giết INF, đẩy Nga – NATO vào thế sinh tử

06/07/2019 15:03

Nếu Mỹ chính thức xé bỏ hiệp ước INF, đối đầu Nga-NATO sẽ tái hiện ở châu Âu, giống xung đột NATO-Liên Xô thời chiến tranh lạnh.

Ông Putin đình chỉ hiệp ước INF

Hôm 03/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký đạo luật liên bang về việc đình chỉ Hiệp ước loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF). Tài liệu tương ứng được công bố trong cổng thông tin pháp lý chính thức trên Internet đã thể hiện rõ điều này.

Hồi tháng 2 năm nay, Nga tuyên bố đình chỉ việc tuân thủ các nghĩa vụ của mình để đáp trả các hành động tương tự của Hoa Kỳ và sẽ chỉ trở lại với hiệp ước nếu phía Washington bày tỏ thiện chí, còn nếu không, chính quyền Moscow cũng sẵn sàng từ bỏ hiệp ước này.

Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung (có tầm bắn 1000-5500 km) và tầm ngắn (từ 500 đến 1000 km) là thỏa thuận giữa Liên Xô và Hoa Kỳ, được hai cường quốc quân sự lớn nhất thế giới ký kết vào năm 1987.

Theo các điều khoản của INF, các bên cam kết hủy bỏ tất cả các tên lửa đạn đạo và hành trình trên mặt đất với phạm vi chỉ định, không sản xuất, không thử nghiệm và không triển khai chúng trong tương lai.

Tuy nhiên, vào tháng 10 năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng Washington sẽ ra khỏi Hiệp ước INF, giải thích rằng Moscow không tôn trọng nghĩa vụ của mình. Nhưng phía Mỹ không cung cấp được bằng chứng cho thấy Nga vi phạm hiệp ước.

Sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho Nga thời hạn hai tháng để trở lại hoàn thành các điều khoản thỏa thuận. Cụ thể, Washington khăng khăng đòi Moscow từ bỏ tên lửa 9M729 (SSC-8), mà theo Lầu Năm Góc là có tầm bắn vi phạm các quy định của INF.

Ngược lại, Moscow coi những cáo buộc này là không có cơ sở, nhấn mạnh rằng tên lửa chưa được phát triển hoặc thử nghiệm cho phạm vi vượt quá giới hạn quy định.

Ngay sau khi cả hai bên dọa dẫm từ bỏ hiệp ước này, cộng đồng quốc tế đã hết sức lo ngại về hòa bình và an ninh của thế giới, nhất là trong bối cảnh Mỹ đứng đầu khối Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), nên chắc chắn là Lầu Năm Góc sẽ triển khai tên lửa ở châu Âu, để tấn công hoặc đối phó với “mối đe dọa từ Nga”; còn Nga cũng sẽ có hành động tương tự.

Nếu Hiệp ước INF thực sự bị hủy bỏ, không khó để hình dung việc thế giới sẽ tái hiện cục diện đối đầu căng thẳng giữa Liên Xô và NATO do Mỹ lãnh đạo trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

My giet INF, day Nga-NATO vao the sinh tu
Nga và Mỹ đều không chịu nhượng bộ trong vấn đề INF

Trong thời gian đó, những đợt Mỹ triển khai tên lửa ở châu Âu, Liên Xô triển khai tên lửa ở Cuba đã khiến thế giới nhiều lần suýt bùng phát Chiến tranh Thế giới Thứ 3; Thế giới cũng sa vào một cuộc chạy đua vũ trang cực kỳ căng thẳng giữa các cường quốc và các phe nhóm với nhau.

INF tan vỡ, tái hiện đối đầu Nga-NATO

Sau khi Nga chính thức đình chỉ INF (chưa phải là hủy bỏ), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã phải thừa nhận trong cuộc hội đàm tại Hội đồng Nga-NATO hôm 05/7 rằng, thế giới sẽ “kém ổn định” hơn khi không có Hiệp ước loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn.

Vào hôm 05/7 tại Brussels, cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO đã được tổ chức ở cấp đại diện thường trực, thảo luận về tình hình xung quanh Hiệp ước INF. Tại cuộc họp, phía Nga đã bày tỏ sự quan ngại về việc hiệp ước hầu như đã không còn hiệu lực.

“Tất cả các bên đều khẳng định cam kết kiểm soát vũ khí hiệu quả, giải giáp và không phổ biến vũ khí. Nhưng chúng ta phải chuẩn bị cho thế giới không có Hiệp ước INF, nơi mọi thứ sẽ trở nên kém ổn định hơn với tất cả chúng ta” – ông Stoltenberg nói với cánh phóng viên.

Vị quan chức lãnh đạo NATO nói rằng, liên minh sẽ đáp trả lại các hành động của Nga bằng biện pháp “phòng thủ” đã được thống nhất từ trước, trong trường hợp Hiệp ước INF không còn tồn tại.

Đáp trả sự đe dọa của NATO, Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) là ông Vladimir Dzhabarov nói rằng, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg là “kẻ xảo quyệt”, khi nói rằng “vẫn còn thời gian để cứu lấy INF”.

Theo vị Thượng nghị sĩ Nga, thực sự đúng là vẫn còn thời gian, bởi Tổng thống Putin đã thông qua “Luật đình chỉ Hiệp ước INF”, chứ không phải là “Luật chấm dứt hiệu lực của INF”. Nhưng ông Dzhabarov cho rằng, quả bóng hiện đang ở phía Mỹ chứ không phải trong chân Nga.

Ông Donald Trump phải là người thực hiện bước đi tiếp theo, nhưng hiện nay Nhà Trắng vẫn im lặng. Còn ông Stoltenberg là kẻ xảo quyệt, ông ta hoàn toàn biết rõ rằng Hoa Kỳ sẽ không đi đến việc gia hạn thỏa thuận, mà vẫn cố tình đổ vấy trách nhiệm cho Nga.

Ông Dzhabarov cho rằng, bằng những tuyên bố như vậy, Tổng thư ký NATO đang tìm cách đổ lỗi cho Liên bang Nga trong việc đình chỉ Hiệp ước INF, cũng như nhiều thỏa thuận quốc tế khác mà Donald Trump đã xé bỏ. Nhưng ông ta đừng nghĩ là Nga sẽ chịu nhịn.

Trong trường hợp tên lửa tầm trung và tầm ngắn được triển khai tại các quốc gia NATO ở châu Âu, Nga sẽ đáp trả tương xứng ngay lập tức, Moscow sẽ không nhượng bộ cho ưu thế đó của NATO.

(Theo Đất Việt)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều