Mỹ gặp ác mộng khi cả loạt vũ khí siêu khủng của Nga rơi vào tay Iran?
Việc Iran được tự do mua sắm vũ khí, đặc biệt vũ khí từ Nga là điều Mỹ lo ngại bấy lâu. Giờ đây, nỗi lo của Mỹ còn nhân lên nhiều lần.
Gỡ bỏ lệnh cấm
Vào năm 2015, Iran đã ký thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) với Trung Quốc, Pháp, Đức, Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Trong đó, Iran cam kết cắt giảm chương trình hạt nhân và hạ cấp nghiêm trọng dự trữ uranium. Bù lại, Iran sẽ được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, bao gồm dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sau khi thỏa thuận được thông qua.
“Kể từ hôm nay, tất cả các hạn chế đối với việc chuyển giao vũ khí, các hoạt động liên quan và dịch vụ tài chính đến và đi từ Cộng hòa Hồi giáo Iran cũng như tất cả các lệnh cấm liên quan đến việc nhập cảnh hoặc quá cảnh qua các lãnh thổ của quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc trước đây đều tự động bị gỡ bỏ”, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Hồi giáo Iran tuyên bố hôm 18/10.
Iran không cần có hành động đặc biệt nào vì lệnh cấm vận sẽ tự động được dỡ bỏ nếu Hội đồng Bảo an không thực hiện các biện pháp gia hạn hoặc bổ sung, tuyên bố viết.
Tehran cho biết, điều này cho phép các nhà chức trách tự do quyết định chính sách quốc phòng mới dựa trên các quyết định của mình.
“Vì thế, kể từ ngày hôm nay, Cộng hòa Hồi giao Iran có thể mua sắm bất cứ loại vũ khí và trang bị nào cần thiết, từ bất cứ nguồn nào mà không còn bị ràng buộc bởi các lệnh cấm. Việc mua sắm vũ khí mới sẽ dựa vào nhu cầu phòng thủ, và Iran cũng có thể xuất khẩu vũ khí phòng thủ, tùy theo chính sách của mình”, Tehran cho hay.
Lệnh cấm vũ khí mà Liên Hợp Quốc áp đặt lên Iran đã chính thức chấm dứt hôm 18/10/2020. Bộ Ngoại giao Iran cho biết, đây là một thắng lợi lớn của quốc gia này.
Năm 2018, Mỹ từ bỏ quan điểm hòa giải đối với Iran và rút khỏi JCPOA, bắt đầu theo đuổi chính sách cứng rắn đối với Tehran. Đầu năm nay, Mỹ đã cố gắng vận động để khôi phục các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran, đặc biệt là việc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí, nhưng tất cả các dự thảo nghị quyết cuối cùng đều bị bác bỏ.
Nỗi lo của Mỹ
Việc Iran được tự do mua sắm vũ khí, đặc biệt vũ khí từ Nga là điều Mỹ lo ngại bấy lâu. Hồi tháng 8, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Mỹ sẽ làm mọi cách để ngăn Iran mua khí tài quân sự nước ngoài sau khi lệnh cấm vận vũ khí hết hiệu lực.
“Iran sẽ không có cơ hội sở hữu hệ thống phòng không Nga và xe tăng Trung Quốc, cũng như mọi khí tài có khả năng gây nguy hiểm, bất ổn ở Trung Đông. Các nước Vùng Vịnh và Israel đều mong muốn điều này. Nó sẽ giảm nguy cơ với họ và bảo đảm an toàn cho người Mỹ”, Ngoại trưởng Mỹ cho biết.
Ngoại trưởng Pompeo cảnh báo, Washington sẽ “không ngần ngại cấm vận những quốc gia ngăn cản nỗ lực tái áp lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào Tehran”. “Nếu phát hiện bất kỳ nước nào vi phạm lệnh cấm vận hiện tại của Mỹ, chúng tôi sẽ buộc họ chịu trách nhiệm. Điều đó cũng được áp dụng với những lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”, ông nói.
Nga y khi lệnh cấm vũ khí của Iran có hiệu lực, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo một lần nữa cảnh báo Mỹ sẽ trừng phạt bất cứ ai buôn bán vũ khí với Iran.
“Mỹ sẵn sàng sử dụng thẩm quyền trong nước để trừng phạt bất kỳ cá nhân hay thực thể nào đóng góp về vật chất nhằm cung cấp, bán hoặc chuyển giao vũ khí thông thường tới hoặc từ Iran”, hãng tin AFP dẫn lời ông Pompeo nói, đồng thời cảnh báo tất cả các nước tìm kiếm hòa bình và ổn định tại Trung Đông cũng như ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố cần tránh mọi động thái buôn bán vũ khí với Iran.
Theo Ngoại trưởng Pompeo, trong 10 năm qua các nước đã kiềm chế bán vũ khí cho Iran theo các biện pháp khác nhau của Liên Hiệp Quốc. “Bất kỳ quốc gia nào hiện nay thách thức lệnh cấm này rõ ràng là sẽ chọn cách châm ngòi cho xung đột và căng thẳng hơn là thúc đẩy hòa bình và an ninh”, ông nói.
Tuy nhiên, kể từ sau ngày 18/10, Iran đã được tự do trong các quyết định của mình.
Về phần mình, bất chấp Mỹ, Nga tuyên bố sẵn sàng bán hệ thống S-400 cho Iran.
Đại sứ Nga tại Iran Levan Dzhagaryan khẳng định, Nga sẵn sàng bán hệ thống phòng thủ S-400 cho Iran bất chấp những lời đe doạ kéo dài lệnh cấm vận vũ khí lên Tehran từ Mỹ. Nga cũng rất sẵn lòng tiếp nhận bất kỳ yêu cầu mua vũ khí nào từ Tehran sau ngày 18/10.
Đại sứ Nga tại Iran chia sẻ thêm, Tehran hiện cũng đang cho biên chế bốn tiểu đoàn trang bị hệ thống S-300 của Nga.
Ngoài S-400, còn nhiều những vũ khí công nghệ cao từ Nga có thể giúp Iran tăng cường phòng thủ trước các mối đe dọa và Iran có thể sở hữu vũ khí này vào cuối năm nay nếu muốn.
Đó là chiến đấu cơ đa năng Su-30SM. Đây là phiên bản cải tiến mới nhất của máy bay chiến đấu Nga thế hệ 4++ được sản xuất nhiều nhất. Một trong những tính năng chính của nó là khả năng cơ động siêu hạng trong không chiến, hỗ trợ phi công thực hiện các động tác nhào lộn khó trên không để tránh tên lửa kẻ thù.
Su-30SM có thể triển khai tất cả các loại các tên lửa dẫn đường “không đối không”, “không đối đất” hiện đại và có độ chính xác cao của Nga. Su-30SM có tầm hoạt động tới 3.000km mà không cần tiếp nhiên liệu hay hạ cánh.
Ngoài ra, hệ thống tên lửa phòng thủ di động Bastion của Nga là giải pháp bảo vệ bờ biển khỏi tất cả các nhóm tác chiến tàu sân bay, tàu chiến và tàu đổ bộ đang đe dọa Iran. Những tên lửa này có thể loại bỏ mục tiêu ở khoảng cách lên tới 300 km tính từ bờ biển, do đó giúp Iran có đủ năng lực về hỏa lực để bảo vệ Vịnh Ba Tư và mọi tàu thuyền đi qua.
Hoàng Lan/NĐT