+
Aa
-
like
comment

Mỹ đứng trước nguy cơ mất ngôi vị trung tâm của thế giới sau khi ra đòn vào Nga

27/02/2022 20:50

Nga không phải bên duy nhất thiệt hại khi bị loại trừ khỏi SWIFT. Phương Tây và cả bản thân hệ thống này cũng sẽ chịu ảnh hưởng khó lường từ lệnh cấm vận.

“Lựa chọn hạt nhân” được kích hoạt

Nhà Trắng cùng Hội đồng Châu Âu, Pháp, Đức, Anh và Canada đã tuyên bố sẽ loại trừ một số ngân hàng của Nga khỏi SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu), hệ thống bảo mật cao kết nối hàng nghìn tổ chức tài chính khắp thế giới – với cam kết đảm bảo hoạt động quân sự ở Ukraine là thất bại chiến lược với Tổng thống Putin.

SWIFT – viết tắt của Society of Worldwide Interbank Financial Telecommunication là một hệ thống trao đổi thông tin bảo mật, tạo điều kiện cho hoạt động giao dịch tiền tệ xuyên biên giới.

SWIFT không chuyển tiền mà cung cấp thông tin cho giao dịch. Những ngân hàng kết nối với SWIFT và thiết lập quan hệ với các ngân hàng khác có thể sử dụng SWIFT message (các bức điện được chuẩn hóa) để thực hiện các giao dịch một cách tự động. Khả năng này cho phép các ngân hàng xử lý khối lượng giao dịch khổng lồ với tốc độ nhanh chóng.

“Quyết định này sẽ đảm bảo các ngân hàng đó bị ngắt kết nối khỏi hệ thống tài chính quốc tế và gây ảnh hưởng tới năng lực vận hành toàn cầu của họ”, thông cáo chung do Nhà Trắng công bố nêu rõ.

Được coi là “lựa chọn hạt nhân”, quyết định loại Nga khỏi SWIFT sẽ đánh thẳng vào khả năng giao thương toàn cầu và thu hút tài chính ở nước ngoài của Moscow. Các ngân hàng Nga sẽ không thể tiến hành các giao dịch xuyên biên giới và buộc phải phụ thuộc vào các công nghệ lỗi thời, bảo mật kém của giai đoạn “tiền SWIFT” như email, fax khiến quá trình giao dịch chậm chạp và tốn kém hơn.

Giáo sư công nghệ thông tin Markos Zachariadis (Đại học Manchester) mô tả tình huống này là “gần như cắt mạng internet” của một đất nước: “Hãy tưởng tượng, tất cả các tổ chức ấy đều hoạt động trực tuyến. Bỗng nhiên khách hàng của họ đang gửi thông tin và giao dịch lại không thể tiếp cận hạ tầng đó nữa”, Zachariadis nói.

“Quân domino đầu tiên”

Alexandra Vacroux, chuyên gia của Đại học Harvard cho biết, vì ngân sách liên bang của Nga phụ thuộc lớn vào các loại thuế quan từ hoạt động xuất khẩu nguyên liệu thô như dầu mỏ, khí đốt nên Nga sẽ khó mà buôn bán bình thường và thu tiền về cho ngân sách khi bị loại khỏi SWIFT.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, động thái này không chỉ gây bất lợi cho Nga mà còn với những nước có giao dịch với Nga, mua năng lượng từ Nga, trong đó có nhiều quốc gia châu Âu. Và đó cũng là lý do vì sao các chính trị gia mất thời gian cân nhắc trước khi ra quyết định.

Nói như cây viết Hirsh Chitkara đánh giá trên Protocol là: “Không cho Nga giao dịch qua SWIFT có thể sẽ tạo nên một cú shock kinh tế mà các chính trị gia Mỹ không muốn kích hoạt”.

Đòn cấm vận thông qua SWIFT có thể là quân domino đầu tiên bị đổ trong chuỗi sự kiện khiến các hệ thống thanh toán trực tuyến thay thế SWIFT do Nga và Trung Quốc hậu thuẫn được thúc đẩy mặc dù đây không phải là một quá trình nhanh chóng, dễ dàng.

Quyết định này về dài hạn cũng có thể sẽ khiến các thị trường đang nổi hướng tới phương thức thanh toán trên nền tảng blockchain và giảm mức độ phụ thuộc của toàn thế giới vào hệ thống tiền tệ quốc tế hiện đang lấy Mỹ làm trung tâm.

Nói chung, cấm vận SWIFT có thể sẽ khiến đồng đô-la Mỹ bị “truất ngôi” trong nền kinh tế thế giới. Nhận định trên Financial Times, chuyên gia Tord Coucheron nói:

“Bị loại trừ hoàn toàn khỏi SWIFT sẽ rất thiệt hại cho Nga nhưng cũng gây rắc rối cho tính bền vững lâu dài của SWIFT. Khối BRICS vốn đang thiết lập phiên bản mạng lưới của riêng mình. Có lẽ phải mấy năm nữa họ mới khởi động được hệ thống ấy nhưng lệnh cấm nhằm vào Nga có thể đẩy nhanh quá trình. Mục đích là nhằm tránh phải thanh toán bằng đồng đô-la Mỹ – và về bản chất là cắt đứt sự liên kết giữa đồng tiền của Mỹ với một phần lớn GDP của thế giới”.

Hiện nay, hơn 11.000 tổ chức tài chính ở hơn 200 quốc gia đang sử dụng SWIFT làm công cụ liên lạc hỗ trợ thanh toán và giao dịch tiền tệ. Ra đời từ năm 1977, mặc dù hệ thống này do một liên minh các nhà băng sở hữu và phần nào duy trì tính trung lập nhưng phần lớn lượng giao dịch thông qua SWIFT được thanh toán bằng đồng đô-la Mỹ.

Điều đó đã làm vững chắc vị thế của đồng tiền này như một đơn vị tiền tệ dự trữ toàn cầu và giúp Mỹ có được tầm ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế thế giới, cũng như khả năng gây tác động tới các quốc gia khác thông qua chính sách trừng phạt tiền tệ.

Thay thế SWIFT ra sao ở thì hiện tại?

Với Nga và Trung Quốc, nhu cầu phát triển các phương thức thay thế SWIFT tương đối cấp thiết. Và những phương thức này vốn đã hiện hữu. EU, Nga, Trung Quốc đều có các hệ thống của riêng mình, chưa kể đến phương thức dựa trên nền tảng blockchain mới nổi – hệ thống mà giới công nghệ đánh giá là rẻ và nhanh hơn.

Phần khó không phải tạo ra một hệ thống mới mà là thu hút đủ người dùng để mạng lưới trở nên hữu ích với các ngân hàng thành viên.

Hiện nay, SPFS, hệ thống thay thế SWIFT của Nga mới chỉ nhận được sự chú ý trong nước với khoảng 20% lượng thanh toán nội địa trong năm 2020 và hơn 10 ngân hàng nước ngoài tham gia, trong đó có 1 ngân hàng Trung Quốc.

Trong khi đó, theo cập nhật mới nhất, hệ thống CIPS của Trung Quốc – với nỗ lực thúc đẩy thanh toán bằng đồng nhân dân tệ – đang được sử dụng bởi 1.189 tổ chức tài chính ở hơn 100 nước. Bloomberg từng đánh giá CIPS là một lựa chọn thay thế khả dĩ cho SWIFT.

CIPS được Bloomberg đánh giá là một lựa chọn thay thế khả dĩ cho SWIFT. Ảnh: Caixin

Trên thực tế, ngay cả các đồng minh của Mỹ cũng có phần không thoải mái với SWIFT.

Cựu Ngoại trưởng Đức Heiko Mass từng khẳng định, châu Âu cần tạo ra một phiên bản SWIFT riêng để tăng cường độc lập và tự chủ về vấn đề tài chính trong bài phát biểu hồi 2018 – thời điểm châu Âu tìm kiếm các phương tiện nhằm giao dịch với Iran sau khi nước này đổ vỡ thỏa thuận hạt nhân và bị Mỹ ngắt khỏi SWIFT.

Với kích thước chỉ tương đương 0,3% của SWIFT, CIPS còn cả chặng đường dài phải đi nếu muốn thách thức “xương sống của lĩnh vực dịch vụ tài chính” nhưng quyết định loại Nga khỏi SWIFT có thể khiến một liên minh các quốc gia quay sang dùng phương án thay thế.

Và như viễn cảnh mà cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob J. Lew đã vẽ ra trước Hội đồng Đại Tây Dương năm 2019, qua thời gian, khi các công cụ này được hoàn thiện thì sẽ có những phương thức thay thế “lấy đi vị trí trung tâm của nước Mỹ”.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều