+
Aa
-
like
comment

Mỹ đứng đầu thế giới về số ca nhiễm COVID-19, vượt qua Trung Quốc và Ý

Thành Nhân - 27/03/2020 07:47

Số ca nhiễm ở Mỹ tăng vọt lên hơn 82.000, vượt qua Trung Quốc và Italia, trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới, kéo theo tình trạng quá tải cho hệ thống bệnh viện tại quốc gia này.

Mỹ trở thành “ổ dịch” Covid-19 lớn nhất thế giới

Ngày 26.3, Mỹ với dân số 330 triệu người có tổng số người nhiễm COVID-19 vượt qua 2 điểm nóng là Trung Quốc đại lục và Ý, theo AFP. Mỹ cũng đã ghi nhận hơn 1.200 người chết.

Ý có hơn 80.000 ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19, với số người tử vong cao nhất thế giới là hơn 8.200. Trong khi đó, số ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục là hơn 81.000 và hơn 3.200 người chết.

Nhiều bệnh viện ở Mỹ trở nên quá tải vì tiếp nhận hàng loạt bệnh nhân COVID-19 và 40 % dân số Mỹ đang sống dưới lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 lan rộng.

Các chuyên gia y tế Mỹ cảnh báo số người nhiễm COVID-19 thực sự được cho là cao hơn nhiều so với dữ liệu công bố chính thức do thiếu hụt bộ xét nghiệm COVID-19. New York là một trong những bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở Mỹ, với 280 người chết tại thành phố New York.

Các chuyên gia y tế hàng đầu ở Mỹ cảnh báo nguy cơ bác sĩ buộc phải chọn lựa bệnh nhân COVID-19 để điều trị do bệnh viện quá tải tương tự như ở Anh, Ý và Tây Ban Nha, theo CNN.

Đại lộ 7 ở Quảng trường Thời đại, thành phố New York trở nên vắng vẻ vì đại dịch COVID-19 lan rộng khắp nước Mỹ /// Reuters
Đại lộ 7 ở Quảng trường Thời đại, thành phố New York trở nên vắng vẻ vì đại dịch COVID-19 lan rộng khắp nước Mỹ

Số liệu CNN tổng hợp được từ báo cáo của các quan chức y tế cũng cho thấy, Mỹ đứng thứ nhất trên thế giới về tổng số ca nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, theo thống kê này, Mỹ hiện có 81.836 ca nhiễm, trong khi Trung Quốc có 81.782 ca nhiễm. Đứng thứ ba về tổng số ca nhiễm là Italia, với 80.589 trường hợp.

Trong một diễn biến khác, báo The Hill dẫn kết quả nghiên cứu của trường Đại học Washington công bố hôm 26/3 cho rằng, Mỹ có thể có từ 38.000 đến 162.000 người thiệt mạng do Covid-19 trong vòng 4 tháng tới và các bệnh viện có thể quá tải ngay từ tuần thứ hai của tháng 4.

Điểm nóng New York

Các bệnh viện ở Mỹ, đặc biệt tại các điểm nóng như New York, đang rơi vào tình trạng quá tải vì số bệnh nhân Covid-19 tăng chóng mặt trong khi bệnh viện không được trang bị đủ máy thở, đồ bảo hộ.

Thống đốc New York Andrew Cuomo cho biết tại một cuộc họp báo hôm qua: “Cho dù là kịch bản nào thì hệ thống y tế cũng quá tải. Chúng tôi cần một lượng lớn máy thở, lớn hơn nhiều so với số lượng có sẵn trong các nhà kho”. Ít nhất một bệnh viện tại New York đã bắt đầu thực hiện việc dùng chung một máy thở cho 2 bệnh nhân. Giới chức New York đặt mục tiêu tăng số giường bệnh lên 140.000 giường, từ 53.000 giường bệnh hiện nay.

Báo động Louisiana

New York hiện là tâm dịch ở Mỹ, song Louisiana có thể trở thành điểm nóng tiếp theo. Tại New Orleans, thành phố lớn nhất của bang này, số ca mắc Covid-19 tăng mạnh. Nhu cầu máy thở tại Louisiana đã tăng gấp đôi, với khoảng 80% bệnh nhân trong khu điều trị đặc biệt cần sử dụng máy thở.

Thống đốc Louisiana John Bel Edwards cho biết, bang này hiện ghi nhận khoảng 1.800 ca mắc Covid-19, trong đó ít nhất 83 trường hợp đã tử vong, trong khi các bệnh viện bắt đầu không còn giường bệnh và máy thở.

Bơm tiền chống nguy cơ suy thoái

Tại nền kinh tế lớn nhất thế giới, Bộ Lao động Mỹ thông báo có hơn 3,3 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp hồi tuần rồi. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay.

Tình trạng thất nghiệp lan rộng các lĩnh vực từ dịch vụ, bán lẻ cho đến đến vận tải vì gần phân nửa đất nước đã bị phong tỏa buộc các doanh nghiệp “không thiết yếu” phải đóng cửa.

“Đây chỉ là những con số thống kê ban đầu, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn”, Thị trưởng New York, ông Bill de Blasio nói và ước tính 500.000 người tại thành phố này sẽ mất việc.

Trước đó, thượng viện Mỹ đã thông qua gói ngân sách giải cứu kinh tế lên tới 2.000 tỉ USD, lớn nhất từ trước đến nay. Khoản tiền này sẽ được chi để ứng phó đại dịch, hỗ trợ người dân, bệnh viện cũng như các doanh nghiệp Mỹ chịu thiệt hại vì COVID-19.

Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu thông qua gói ngân sách này vào ngày 27.3 và cuối cùng là Tổng thống Donald Trump ký thành luật để giải ngân.

Kể từ khi bùng phát ở Trung Quốc đại lục cuối năm ngoái, đại dịch COVID-19 đến nay lây lan cho hơn 500.000 người khắp thế giới và làm chết gần 24.000 người, gây quá tải hệ thống y tế ngay cả ở các quốc gia giàu có và buộc chính phủ nhiều nước áp đặt lệnh phong tỏa, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng tỉ người.

Một nghiên cứu mới công bố của Đại học Hoàng gia Anh dự đoán 1,8 triệu người trên toàn thế giới có thể chết vì COVID-19 trong năm nay ngay cả khi các quốc gia áp dụng biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn SARS-CoV-2.

Trước nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, các lãnh đạo G20 (nhóm các nền kinh tế lớn), bao gồm Mỹ, trong cuộc họp khẩn cấp trực tuyến ngày 27.3 đã cam kết “một mặt trận thống nhất” trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 và sẽ bơm 5 nghìn tỉ USD vào nền kinh tế toàn cầu.

Thành Nhân

Bài mới
Đọc nhiều