Mỹ đưa ra hàng loạt hợp đồng mới béo bở cho Ấn Độ
Mỹ đã đưa ra những hợp đồng “ngon ăn” với hy vọng Ấn Độ sẽ từ chối vũ khí Nga.
Trang tin EurAsian Times cho hay, Mỹ đang nỗ lực hết sức để phá vỡ thiên hướng của Ấn Độ đối với vũ khí Nga.
Người phụ trách chuyên mục Safiya Khanam của trang này cho biết, những tin đồn và sự thật liên quan đến triển vọng hợp tác Mỹ-Ấn Độ, cũng như về vị trí của Moscow trong tam giác không hề đơn giản này.
Tác giả của bài viết chỉ ra rằng New Delhi đã từ lâu cần nâng cấp đội máy bay chiến đấu của mình: Nhu cầu này đang trở nên đặc biệt cấp thiết trong bối cảnh tình hình leo thang ở biên giới với Trung Quốc.
Vài năm trước, khi được biết Ấn Độ ký hợp đồng mua hệ thống S-400 của Nga, trên internet đã lan truyền thông tin rằng Washington muốn cung cấp cho New Delhi máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 của Mỹ.
Ông Khanam giải thích: “Đây được coi như là một nỗ lực của Nhà Trắng nhằm thuyết phục New Delhi phá bỏ thỏa thuận với Moscow về việc mua các hệ thống phòng không nguy hiểm cho NATO”.
Và mặc dù thông tin giật gân về sáng kiến của Washington hóa ra chỉ là những suy đoán suông, bị cả quan chức Ấn Độ và quan chức Mỹ bác bỏ, nhưng rõ ràng Nhà Trắng không hài lòng với sự hợp tác Nga-Ấn Độ và đang nghĩ cách ngăn chặn điều này.
Mỹ thực sự đang nỗ lực hết mình để thuyết phục New Delhi từ bỏ thỏa thuận với Moscow. Vì vậy, mới đây, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã đưa tin rằng New Delhi đang đối mặt với nguy cơ bị áp đặt các biện pháp trừng phạt của Mỹ do việc mua S-400 của Nga.
Tuy nhiên, ông Safiya Khanam lập luận, ngay cả khi những tin đồn về F-35 trở thành sự thật, thì chưa chắc New Delhi đã đồng ý “trao đổi” thỏa thuận với Nga để lấy máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Mỹ.
Tác giả bài báo nhận định F-35 là “máy bay tiêm kích hạng nhất hiện được nhiều nước trên thế giới sử dụng”. Việc mua máy bay này khó có thể là hợp đồng có lợi đối với New Delhi.
“Một trong những nhược điểm chính của F-35 đối với Ấn Độ là giá thành cao” – người phụ trách chuyên mục của EurAsian Times lưu ý – “Một thỏa thuận như vậy sẽ tạo nên khoảng trống lớn trong ngân sách quốc phòng của Ấn Độ, điều này rất nguy hiểm trong bối cảnh đối đầu với Trung Quốc ngày càng gia tăng”.
Ngoài ra, Ấn Độ đơn giản là không có cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc vận hành và bảo dưỡng mẫu máy bay vốn được coi là quá đắt đỏ ngay cả đối với chính nước Mỹ.
Như ông Safiya Khanam lưu ý, không giống như những tin đồn về F-35, một đề xuất khác (và có thật) từ Washington có vẻ hứa hẹn hơn nhiều. Đó là câu chuyện liên quan đến sáng kiến của Mỹ trong việc cải tiến trên cơ sở chiếc F-16 thành một loại máy bay được thiết kế đặc biệt cho Ấn Độ – đó là F-21.
Chuyên gia phân tích của EurAsian Times giải thích: “Công ty Lockheed Martin của Mỹ đã đề nghị sản xuất các máy bay chiến đấu này tại công ty Tata Advanced Systems của Ấn Độ”.
Tác giả của bài viết gọi sáng kiến như vậy là “một chiến công vĩ đại”, bởi vì các tập đoàn quân sự của Mỹ “trong nhiều thập kỷ đã cố gắng phá vỡ thiên hướng của Ấn Độ đối với các sản phẩm của Nga và Pháp”.
Tuy nhiên, bất chấp những lời đề nghị hấp dẫn từ Washington và đe dọa trừng phạt, Ấn Độ không có ý định từ bỏ việc mua các hệ thống S-400 của Nga: Việc bàn giao các tổ hợp này dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
“Trong bối cảnh này, sẽ rất thú vị khi nhìn vào bước tiếp theo của Hoa Kỳ” – ông Safiya Khanam kết luận.
Khai Tâm