+
Aa
-
like
comment

Mỹ đỏ lửa vì biểu tình, Trung Quốc đưa tin dồn dập kèm lời ‘đá xoáy’: Khung cảnh đẹp!

31/05/2020 09:15

Truyền thông và mạng xã hội Trung Quốc đang lan truyền mạnh thông tin về các cuộc biểu tình nổ ra ở Mỹ, đồng thời công kích các chính khách Mỹ ủng hộ biểu tình ở Hồng Kông.

Truyền thông Trung Quốc mỉa mai Mỹ về các cuộc biểu tình

Hãng tin nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã mô tả cảnh tượng hỗn loạn tại Mỹ là “cảnh quan đẹp của bà [Nancy] Pelosi”. Đây được cho là thông điệp trả đũa bình luận của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi và năm ngoái, khi bà gọi hình ảnh biểu tình quy mô lớn tại Hồng Kông là “cảnh sắc tươi đẹp”.

Một số người biểu tình quỳ trước cảnh sát tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ, tối ngày 29/5 (Ảnh: AP)

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV cũng nhắc đến các thành phố đang có biểu tình ở Mỹ như những “vùng chiến sự”, đồng thời thực hiện các bản tin cập nhật theo thời gian thực và phân tích, làm nổi rõ chia rẽ chủng tộc tại Mỹ.

Các vụ biểu tình và đụng độ đã xảy ra tại một số thành phố của Mỹ, bắt nguồn từ cái chết của George Floyd – người Mỹ gốc Phi 46 tuổi bị một sĩ quan cảnh sát đè đầu gối lên cổ trong gần 9 phút, dẫn đến tử vong hôm 25/5. Viên sĩ quan đã bị khởi tố với tội danh giết người.

Trong đoạn video gây phẫn nộ, người đàn ông da màu liên tục kêu lên rằng ông “không thể thở được”.

Cái chết của ông Floyd châm ngòi cho các cuộc biểu tình quy mô lớn, diễn biến thành bạo động và cướp bóc, ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota. Một khu vực của cảnh sát đã bị đốt cháy và các cửa hàng bị phá hoại.

Giữa bối cảnh tình trạng bất ổn lan rộng trên nhiều thành phố, Lầu Năm Góc ngày 29/5 đã có hành động hiếm hoi khi yêu cầu quân đội đặt một số đơn vị quân cảnh thường trực vào trạng thái sẵn sàng để triển khai tới Minneapolis.

Giám đốc truyền thông chiến lược Nhà Trắng Alyssa Farah nói việc triển khai quân cảnh thường trực là không đúng, song 3 quan chức có liên hệ trực tiếp với thông tin trên nói rằng các mệnh lệnh nằm trong hệ thống thông tin mật.

Trung Quốc so sánh biểu tình ở Mỹ với Hồng Kông

Dù thành phố Minneapolis đã được đặt dưới lệnh giới nghiêm, các cuộc biểu tình trong phong trào Black Lives Matte vẫn tiếp tục lan rộng đến nhiều thành phố khác như Atlanta, Detroit, Los Angeles, New York, và thủ đô Washington – nơi người biểu tình đã tập trung bên ngoài Nhà Trắng.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ ngày 30/5 ban hành một cảnh báo an toàn, khuyến cáo công dân nước này tránh các điểm nóng biểu tình. Các cửa hàng do người Hoa vận hành cũng được đề nghị thận trọng và tăng cường an ninh.

Những khung cảnh biểu tình bạo lực cùng bình luận của người biểu tình Mỹ đã xuất hiện nổi bật trên các báo cáo của báo chí và truyền hình Trung Quốc. Một phóng sự trong giờ vàng ngày 30/5 của CCTV lên tiếng chỉ trích vấn đề nhân quyền ở Mỹ, và cũng sử dụng cụm từ “khung cảnh đẹp” giống như Tân Hoa Xã để diễn tả các cuộc biểu tình.

CCTV nói các chính khách Mỹ cần xin lỗi người dân và gọi tình trạng hỗn loạn hiện nay là “vết thương tự gây ra”.

Trong khi đó, báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo xuất bản một video ngắn về vụ bắt giữ phóng viên Omar Jimenez của đài CNN khi ông này thực hiện phát sóng trực tiếp tại Minneapolis, đồng thời chỉ ra hình ảnh đối lập cho thấy cảnh sát Hồng Kông lùi bước trước một địa điểm biểu tình vào tháng 10/2019.

“Khung cảnh đẹp” mà các chính trị gia Mỹ định nghĩa cuối cùng đã mở rộng từ Hồng Kông tới Mỹ. Giờ thì họ có thể chứng kiến nó từ khung cửa của mình. Tôi muốn hỏi Chủ tịch Pelosi và Ngoại trưởng [Mike] Pompeo rằng: Liệu Bắc Kinh có nên ủng hộ các cuộc biểu tình ở Mỹ, giống như cách các vị tôn vinh những kẻ bạo động ở Hồng Kông?

Hu Xijin – Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc

Các thảo luận về tình trạng cảnh sát bạo hành và chia rẽ chủng tộc sâu sắc ở Mỹ cũng thu hút quan tâm lớn trên các mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người dùng mạng cho biết bị sốc khi chứng kiến cái chết của George Floyd.

“Trong khi họ biện minh cho hành vi của những kẻ bạo loạn ở Hồng Kông thì ‘số trời đã định’ cảnh tượng tương tự sẽ tái hiện ở chính đất nước của họ,” một người dùng Trung Quốc nói.

(Ảnh: AP)

Hải Võ/TQ

Bài mới
Đọc nhiều