Mỹ điều tàu khu trục tên lửa gần Hoàng Sa, Trung Quốc “lớn tiếng” phản ứng
Quân đội Mỹ mới đây đã điều động tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) vào tuần qua nhằm bày tỏ sự phản đối đối với tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Đây là lần thứ hai tàu USS Wayne E. Meyer thách thức các yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian chưa đầy 2 tuần.
Sĩ quan Reann Mommsen, người phát ngôn của Hạm đội 7 Mỹ xác nhận USS Wayne E. Meyer đã áp sát “các hòn đảo” thuộc quần đảo Hoàng Sa ngày 13/9.
Reuters dẫn lời ông Mommsen nhấn mạnh: “Sự xuất hiện của tàu USS Wayne E. Meyer là lời thách thức của Mỹ với hành động hạn chế quyền qua lại vô hại của Trung Quốc cũng như không thừa nhận tuyên bố của Bắc Kinh đối với cái gọi là đường cơ sở bao quanh quần đảo Hoàng Sa”.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc sau đó nói rằng tàu chiến này đã “xâm phạm vào vùng biển của Trung Quốc mà không có sự cho phép của chính phủ Trung Quốc”. Phía Trung Quốc cho rằng: “Những hành động như vậy đã làm suy yếu nghiêm trọng lợi ích chủ quyền của Trung Quốc, và chứng minh rằng Mỹ hoàn toàn thiếu chân thành trong việc duy trì hòa bình toàn cầu cũng như an ninh và ổn định khu vực”.
Trên thực tế, thế giới chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển lân cận. Đồng thời, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tháng trước, tàu USS Wayne E. Meyer cũng đã đi qua các bãi đá Vành Khăn và Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa để khẳng định quyền tự do đi lại trên biển, khiến Bắc Kinh phản ứng dữ dội. Tuần này, Trung Quốc yêu cầu Anh không được thực hiện hoạt động tương tự bởi Bắc Kinh coi đây là “hành động thù địch”.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Nhật Bản và Mỹ nhiều lần lên tiếng khẳng định duy trì “khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở cửa và tự do”. Mỹ còn thường xuyên điều động tàu thuyền tới Biển Đông để tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên tuyến đường biển chiến lược.
Về phía Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Việc nhiều quốc gia, tổ chức, báo giới và cá nhân vừa qua đã bày tỏ lập trường về những diễn biến nghiêm trọng đã diễn ra trên Biển Đông phản ánh sự quan tâm, quan ngại thực sự của cộng đồng quốc tế trước những hành động đơn phương, làm gia tăng căng thẳng, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh và sự phát triển của khu vực”.
“Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các quốc gia và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu này vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới”, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định.
(Theo Infonet)