+
Aa
-
like
comment

Mỹ điều chiến hạm thách thức Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa

Thành Nhân - 28/05/2020 22:19

Hải quân Mỹ hôm nay 28.5 điều tàu khu trục USS Mustin di chuyển xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Hải quân Hoa Kỳ lại một lần nữa thách thức tuyên bố chủ quyền sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông

Khu trục hạm USS Mustin của hải quân Mỹ /// Hạm đội 7
Khu trục hạm USS Mustin của hải quân Mỹ

“Vào ngày 28.5, tàu USS Mustin củng cố các quyền tự do lưu thông ở quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Bằng cách thực hiện hoạt động này, Mỹ cho thấy những vùng biển này vượt ra ngoài khu vực mà Trung Quốc có thể tuyên bố hợp pháp là lãnh hải của họ”, phát ngôn viên Hạm đội 7 Anthony Junco nhấn mạnh trong thông cáo, theo CNN.

“Khi tiến hành hoạt động này, Hoa Kỳ đã chứng minh rằng các vùng biển này nằm ngoài những gì Trung Quốc có thể tuyên bố chủ quyền một cách hợp pháp”, tuyên bố của phía Mỹ nói thêm.

Thông cáo trên được đưa ra vài giờ sau khi Hoàn Cầu thời báo dẫn lời một phát ngôn viên quân đội Trung Quốc ngang nhiên nói rằng Chiến khu miền nam đã tổ chức lực lượng trên không và trên biển theo dõi, nhận dạng và xua đuổi tàu USS Mustin khi chiến hạm Mỹ đi vào khu vực Hoàng Sa mà không xin phép.

Tàu USS Mustin của Mỹ và một tàu của Nhật Bản đi qua Biển Đông hồi năm 2015

Đây là lần thứ 3 từ đầu năm tới nay, Mỹ cho chiến hạm áp sát quần đảo Hoàng Sa để thách thức tuyên bố chủ quyền quá đáng của Trung Quốc, theo sau hai đợt diễn ra hồi tháng 3 và 4.

Trước đó vào ngày 19.5, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Đông Nam Á Reed Werner cho Fox News hay một tàu hộ tống Trung Quốc trong nhóm tàu sân bay Trung Quốc đã có sự di chuyển “không an toàn và không chuyên nghiệp” gần tàu khu trục Mỹ USS Mustin ở Biển Đông hồi tháng 4.

Nguy cơ đối đầu quân sự có thể tăng đáng kể trong thời gian tới

Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), một tổ chức nghiên cứu độc lập ở Mỹ chuyên về chính sách đối ngoại và các vấn đề quốc tế, vừa xuất bản một phân tích sâu về khả năng đối đầu quân sự trên biển Đông.

Theo phân tích của CFR, nguy cơ đối đầu quân sự ở biển Đông liên quan đến Mỹ và Trung Quốc có thể tăng lên đáng kể trong thời gian tới, đặc biệt nếu mối quan hệ của họ tiếp tục xấu đi do những xung đột thương mại và chỉ trích liên tục về đại dịch coronavirus. Từ năm 2009, Trung Quốc đã nâng cao yêu sách lãnh thổ ở khu vực này thông qua nhiều chiến thuật khác nhau như cải tạo đảo, quân sự hóa các đảo mà họ chiếm đóng và sử dụng các lập luận pháp lý và ảnh hưởng ngoại giao mà không gây ra một cuộc đối đầu nghiêm trọng với Mỹ.

Gần đây nhất, Trung Quốc tuyên bố thành lập hai quận mới hòng cai quản quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, một nỗ lực tăng cường yêu sách ở biển Đông bằng cách thể hiện kiểm soát hành chính.

Sẽ là sai lầm khi cho rằng Trung Quốc hài lòng với những lợi ích mà họ đã đạt được hoặc họ sẽ hạn chế sử dụng các chiến thuật táo tợn hơn trong tương lai. Những thay đổi tình hình trong nước hay trong môi trường quốc tế có thể tạo động lực cho lãnh đạo Trung Quốc sử dụng chiến lược khiêu khích hơn ở biển Đông, điều này sẽ làm tăng nguy cơ đối đầu quân sự.

Mỹ có mối quan tâm lớn trong việc ngăn chặn Trung Quốc khẳng định quyền kiểm soát biển Đông. Duy trì tình trạng đi lại tự do cho tuyến đường thủy này không chỉ quan trọng vì lý do kinh tế, mà còn là duy trì chuẩn mực tự do hàng hải toàn cầu. Mỹ cũng có nguy cơ bị lôi kéo vào một cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc ở khu vực này do nghĩa vụ của hiệp ước quốc phòng của Mỹ đối với ít nhất một trong những bên yêu sách chủ quyền là Philippines.

Khả năng kiểm soát tuyến đường thủy biển Đông của Trung Quốc sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc ép Mỹ rời khỏi khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, mở rộng ảnh hưởng kinh tế và nói chung là sắp xếp lại khu vực theo hướng có lợi. Ngăn chặn Trung Quốc làm như vậy là mục tiêu trọng tâm của Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ và lý do Ấn Độ-Thái Bình Dương là không gian hoạt động chính của quân đội Mỹ.

Thành Nhân

Bài mới
Đọc nhiều