Mỹ đánh mất ưu thế trước TQ ở vùng biển chiến lược: Nhiều quốc gia đang trực tiếp bị đe dọa?
“Mỹ và các đồng minh đang thất thế ở Nam Thái Bình Dương trong khi đây là khu vực mà Trung Quốc ngày càng đóng một vai trò nổi bật hơn”, chuyên gia Australia nhận xét.
Trung Quốc đang thắng thế
Ưu thế của Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ ở Thái Bình Dương đang gia tăng nhanh chóng.
Chỉ trong một tuần, đã có đảo quốc thứ hai ở Thái Bình Dương quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, cắt đứt quan hệ với Đài Loan. Mặc dù các quan chức Mỹ đã nhiều lần tiến hành các cuộc vận động hành lang, bao gồm chuyến thăm Nam Thái Bình Dương hồi tháng trước của Ngoại trưởng Mike Pompeo nhưng Kiribati vẫn đưa ra quyết định cuối cùng này vào thứ Sáu tuần trước.
Một quốc gia khác đã “chia tay” với Đài Loan chính là Quần đảo Solomon. Mặc dù cả Kiribati và Quần đảo Solomon đều là những quốc gia nhỏ, dân số ít nhưng lại đều nằm trong vùng biển chiến lược được Mỹ và các đồng minh định vị kể từ sau Thế chiến thứ hai.
Ngày nay, các đảo quốc này đã trở thành mục tiêu hấp dẫn cho tham vọng địa chính trị ngày càng tăng cả về phương diện kinh tế lẫn quân sự của Trung Quốc, theo The New York Times (Mỹ-NYT).
“Mỹ và các đồng minh đang thất thế ở khu vực này”, ông Adam Ni, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Macquarie ở Sydney, Australia, cho biết. “Đây là khu vực mà Trung Quốc ngày càng đóng một vai trò nổi bật hơn. Các quốc gia khu vực này đang cố gắng tìm sự cân bằng giữa Bắc Kinh – với những chủ trương tự tin, quyết đoán hơn và Washington – vẫn đang loay hoay tìm kiếm một chiến lược khu vực hiệu quả.”
Theo NYT, Bắc Kinh đã hoan nghênh thành công ngoại giao vào tuần trước nhưng họ cũng có thể sẽ đối mặt với nguy cơ trong mối quan hệ giữa hai bờ eo biển và trong mối quan hệ với Washington. Quan hệ Trung-Mỹ vốn đang rất căng thẳng do chiến tranh thương mại và sự nghi ngờ gia tăng của Mỹ đối với tham vọng toàn cầu của Trung Quốc.
Những bước tiến này cũng làm tăng thêm mối lo ngại về sự hiện diện của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dường. Ví dụ, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào ngành khai thác gỗ ở Quần đảo Solomon có thể khiến rừng mưa nhiệt đới nguyên thủy của đất nước này trở nên cạn kiệt.
Tuy nhiên, cách tiếp cận hiện nay của Trung Quốc có thể sẽ chứng minh hiệu quả trong ngắn hạn.
Kiribati, một đảo quốc nằm ở Xích đạo và Quần đảo Solomon với diện tích rộng lớn hơn dường như đã bị cám dỗ bởi lời hứa đầu tư kinh tế lớn của Trung Quốc trong khi rõ ràng Mỹ và Đài Loan không thể đưa ra những cam kết tương tự.
Tuvalu, một quốc gia nhỏ khác ở Thái Bình Dương, vừa bầu một thủ tướng mới, động thái làm tăng khả năng nước này có thể nghiêng về phía Bắc Kinh.
Tính đến thứ Sáu tuần trước (20/9), chỉ có 14 quốc gia và Vatican còn giữ mối quan hệ với Đài Loan.
Kể từ khi bà Thái Anh Văn trở thành lãnh đạo Đài Loan vào năm 2016, vùng lãnh thổ này đã phải đối mặt với áp lực kinh tế và ngoại giao ngày càng tăng từ Trung Quốc đại lục. Chiến dịch tái tranh cử của bà vào tháng 1 năm sau được dự đoán có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn lớn.
Tuy nhiên, NYT cho rằng, hiện có một số dấu hiệu cho thấy, những nỗ lực cô lập Đài Loan của Bắc Kinh đang giúp chính quyền bà Thái nhận được sự ủng hộ thay vì phản đối, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc biểu tình tại Hồng Kông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Cuộc biểu tình này sẽ dẫn đến những hoài nghi của người dân trên đảo về giải pháp “một quốc gia, hai chế độ” mà Chủ tịch Tập Cận Bình từng tuyên bố sẽ áp dụng với Đài Loan sau khi thống nhất.
Mỹ lo ngại nhưng chưa ngăn chặn được
Về việc Kiribati cắt đứt quan hệ, cơ quan ngoại giao Đài Loan đã cáo buộc chính phủ Tổng thống Taneti Maamau từng yêu cầu Đài Loan cung cấp các khoản tài trợ để mua máy bay thương mại và từ chối đề xuất cung cấp các khoản vay từ Đài Loan.
Từng là thuộc địa của Anh, Kiribati sở hữu 33 đảo đá và rạn san hô vòng nằm rải rác trên vùng biển Thái Bình Dương, có diện tích lớn gấp đôi Alaska. Kiribati đã tuyên bố chấm dứt quan hệ với Đài Loan nhưng chưa công bố ý định thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh. Dự kiến Kiribati sẽ sớm đưa ra thông báo này.
Tổng sản phẩm nội địa của Kiribati, chưa đến 200 triệu USD và phần lớn thu nhập đến từ các khoản phí của các tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển của nước này.
Theo một nghiên cứu do chính phủ Australia tài trợ, giá trị đánh bắt cá ở vùng biển do Kiribati kiểm soát là hơn 1 tỷ USD mỗi năm trong năm 2014, gần bằng toàn bộ tổng sản lượng đánh bắt của tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ khác ở Thái Bình Dương.
Điều này sẽ thu hút Trung Quốc, quốc gia đang gặp khó khăn để đáp ứng nhu cầu hải sản lớn trong nước.
“Đối với những quốc gia bắt tay với Bắc Kinh, “phần thưởng” sẽ đến rất nhanh. Cùng ngày, Quần đảo Solomon tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, một công ty con của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc CREC đã ký hợp đồng dự án khai thác vàng trị giá 825 triệu USD với đảo quốc này. CREC là một tập đoàn xây dựng có cổ đông chính là một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc”, NYT cho biết.
“Nguyên tắc không phải là thứ bạn có thể mua được”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết hôm thứ Sáu, đáp lại những chỉ trích của Đài Loan.
Ông này nó rằng, sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với tư cách là quốc gia duy nhất đại diện cho toàn Trung Quốc là “không thể ngăn cản” và việc cắt đứt quan hệ với Đài Loan chắc chắn “sẽ mang lại cơ hội phát triển chưa từng có của Kiribati”.
Bà Bonnie S. Glaser, Cố vấn cao cấp về các vấn đề châu Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế Washington, đã đến Đài Loan vào tuần trước. Bà này cho rằng, việc Bắc Kinh thu hút hai đồng minh của Đài Loan nhằm để trả đũa hợp đồng mua bán vũ khí gần đây giữa Mỹ và Đài Loan. “Giành một (hoặc hai) đồng minh của Đài Loan được coi là phản ứng tương xứng”, bà Glaser viết trong một email gửi NYT.
Báo Mỹ cũng cho biết, Washington đã lo lắng về các động thái của Trung Quốc nhưng dường như lại không thể ngăn chặn được. Tại phiên điều trần của Ủy ban Thượng viện hôm thứ Tư, ông David R. Stilwell, Trợ lý Ngoại trưởng, phụ trách các sự vụ Đông Á và Thái Bình Dương, đã chỉ trích hành động của Trung Quốc đối với Đài Loan.
Ông cũng nói rằng sự hiện đại hóa quân đội và tăng cường hoạt động quân sự của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương “không chỉ nhằm ngăn chặn Mỹ duy trì sự hiện diện trong tương lai ở khu vực, mà còn để cảnh báo các nước khác và chính quyền Đài Loan rằng họ đang trực tiếp bị đe dọa”.
Ngọc Hoàng