Là những chiến lợi phẩm Việt Nam thu được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhiều loại đã được Quân đội nhân dân Việt Nam cải tiến và tiếp tục sử dụng trong một thời gian dài sau đó.
Chiến lợi phẩm quý giá hàng đầu là xe bọc thép M113. Tính đến đầu năm 1975, trong biên chế quân đội ngụy Sài Gòn có khoảng trên 1.500 chiếc M113. Sau chiến thắng năm 1975, hàng trăm xe được đưa vào biên chế lực lượng tăng, thiết giáp Việt Nam. Trong đó còn khoảng 500 xe thiết giáp M113 còn sử dụng được. Sau khi tham gia lực lượng tăng thiết giáp quân đội Việt Nam, xe bọc thép M113 đã được Quân đội nhân dân Việt Nam gắn thêm súng ĐKZ-106 mm M40 hoặc ĐKZ-75 mm K56. Tiếp sau đó Việt Nam đã thay thế đại liên Browning 50 của Mỹ bằng đại liên 12,7 mm của Nga. Số xe thiết giáp này đã xuất trận với quy mô lớn, rất hiệu quả trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam 1977-1979, có lúc lấn át cả vai trò của các loại xe bọc thép khác do Liên Xô và Trung Quốc chế tạo. Nhờ xe bọc thép M113, Quân đội nhân dân Việt Nam đã nhanh chóng giành ưu thế áp đảo trước Khmer đỏ. Năm 2001, Việt Nam đã tiến hành sửa chữa tổng thể và nâng cấp khoảng 80 xe bọc thép M113. Việc nâng cấp và sửa chữa được thực hiện bằng một số linh kiện mua từ các nguồn thương mại và tận dụng linh kiện thu được từ thời chiến tranh Việt Nam. Hiện nay, M113 vẫn còn là lực lượng cốt yếu trong binh chủng tăng, thiết giáp Việt Nam. Ngoài xe bọc thép M113, ta còn tiến hành thu giữ hàng loạt vũ khí và phương tiện chiến đấu hiện đại khác từ Mỹ gồm: Trực thăng vận tải bán vũ trang UH-1, trực thăng vận tải CH-47, máy bay chiến đấu F-5, A-37, máy bay vận tải C-130. Bên cạnh đó còn có lựu pháo M114-155mm, lựu pháo M2A1 105mm, tàu đổ bộ lưỡng dụng LST-1, LCU-1466. Lựu pháo M114 155mm, M2A1 105mm tiếp tục được hiện đại hóa, đến nay vẫn là loại pháo mặt đất cấp chiến dịch chủ lực của quân đội Việt Nam. Một số lượng rất lớn súng trường tiến công M16, AR-15, súng phóng lựu M79, các loại súng máy hạng nặng khác cũng bị quân ta thu giữ và hiện vẫn còn trong biên chế một số đơn vị của quân đội nhân dân Việt Nam. Súng trường M16 cũng được hiện đại hóa để tiếp tục sử dụng. Biến thể của M16 được “Việt Nam hóa” với tên gọi M18, đã xuất hiện trong biên chế lực lượng đặc công và cảnh sát biển Việt Nam, tại lễ diễu binh mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội ngày 10/10/2010. Việt Nam cũng sản xuất thành công nòng súng phóng lựu M79 cung cho cấp quân đội. Vũ khí của Mỹ tiếp theo được quân đội Việt Nam hoán cải thành công và sử dụng là máy bay vận tải C-130 do hãng Lockheed sản xuất với vai trò chở quân, hàng hóa. Năm 1975, ta thu giữ được 7 chiếc, để phục vụ cho công tác bảo vệ Trường Sa sau 1975, cán bộ kỹ thuật hàng không Việt Nam đã cải tiến C-130 làm nhiệm vụ ném bom. Tiếp theo là máy bay trinh sát U-17, do hãng Cessna sản xuất những năm 1960 từ biến thể dân sự Cessna 185E. Máy bay trang bị động cơ cánh quạt cho phép đạt tốc độ 287km/h, tầm bay 1.300km. Trên cánh máy bay lắp các ống phóng rocket khói để chỉ điểm mục tiêu. Sau 1975, quân đội ta sử dụng U-17 để trinh sát chiến trường biên giới Tây Nam, phát hiện quân địch và phóng rocket khói đánh dấu cho F-5, A-37 oanh tạc. Máy bay U-6A là biến thể của máy bay DHC-2 Beaver, do hãng Havilland Canada sản xuất dành riêng cho quân đội Mỹ. Trong không quân ngụy Sài Gòn, máy bay U-6A thường được dùng cho nhiệm vụ trinh sát chiến trường. Cuối cùng là máy bay cánh quạt T-41 cũng do hãng Cessna sản xuất dùng cho huấn luyện, đào tạo phi công. Sau 1975, hoạt động của máy bay này vẫn giữ nguyên, quân đội ta dùng để huấn luyện chiến đấu và tìm kiếm cứu nạn. Bên cạnh những phương tiện và vũ khí được quân đội Việt Nam cải tạo thành công và tiếp tục sử dụng, thì cuối những năm 1980, toàn bộ trực thăng CH-47 đều không thể duy trì hoạt động do thiếu phụ tùng, linh kiện thay thế. Nguồn: TL. Tiến Minh