+
Aa
-
like
comment

Mỹ cũng “cảm lạnh” vì lệnh cấm vận dầu khí Nga

Huy Hoàng - 10/03/2022 15:42

Cuối tuần qua, giá xăng tại Mỹ lại tiếp tục tăng, lên tới 5 USD/gallon (tương đương 30.000 đồng/lít xăng), mức chưa từng có trong lịch sử Mỹ̀ kể từ năm 2008, thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất lịch sử.

Giá xăng tại Mỹ đã lên tới 5 USD/gallon.

Giá xăng bất ổn, dư luận bất bình. Suốt vài tháng qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bị chỉ trích dữ dội vì để lạm phát đạt mức đỉnh chưa từng có trong hàng chục năm. Giá năng lượng leo thang đã tác động đến giá tiêu dùng; giá dầu, khí đốt phi mã khiến các loại hàng hóa trên kệ hàng liên tục lập đỉnh.

Nguyên nhân không chỉ vì cuộc xung đột Nga – Ukraine

Trước đây, trong 4 năm cầm quyền, cựu Tổng thống Donald Trump đã đưa nước Mỹ từ nước nhập khẩu ròng năng lượng thành nước độc lập, rồi xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới. Chính quyền của ông Trump tin rằng nước Mỹ không thể có một chính sách an ninh và đối ngoại độc lập nếu còn phụ thuộc vào năng lượng đến từ Nga và các nước khác. Tuy nhiên, sau khi đắc cử, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đảng Dân chủ đã đảo ngược chính sách độc lập năng lượng của người tiền nhiệm. Đảng Dân chủ cho rằng năng lượng hóa thạch sẽ khiến nước Mỹ rời xa các cam kết về chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Chính quyền của ông Trump tin rằng nước Mỹ không thể có một chính sách an ninh và đối ngoại độc lập nếu còn phụ thuộc vào năng lượng đến từ Nga và các nước khác.

Với cách điều hành khác biệt, chỉ trong vòng một năm dưới thời ông Biden, Mỹ quay lại vạch xuất phát 5 năm trước đó, trở thành nước nhập khẩu dầu lửa và khí đốt ròng. Trong đó, chỉ riêng nhập khẩu năng lượng các loại từ Nga đã chiếm xấp xỉ 8%. Chính việc “quay xe” quá nhanh đã khiến Mỹ rơi vào thế kẹt khi muốn áp đặt lệnh cấm vận lên Nga. Vốn dĩ ban đầu, việc nhập khẩu dầu từ Nga chính là nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo ở Mỹ, hạn chế đi phần nào ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ gây ô nhiễm môi trường của nước này. Song giờ đây, chính sách này của đảng Dân Chủ lại trở thành điểm yếu của toàn nước Mỹ.

Nếu cấm vận dầu khí Nga, lạm phát tại Mỹ sẽ tiếp tục leo thang. Và nguy cơ chính là những lá phiếu vào năm 2024 không còn đủ áp đảo để đảng Dân Chủ nắm quyền điều hành. Nhưng nếu không cấm vận, và tiếp tục mua dầu của Nga thì không khác gì đang tiếp tục bơm tiền để Moskva tiếp tục trang trải chi phí cho chiến dịch quân sự của mình.

Chỉ trong vòng một năm dưới thời ông Biden, Mỹ quay lại vạch xuất phát 5 năm trước đó, trở thành nước nhập khẩu dầu lửa và khí đốt ròng.

Mỹ vẫn có thể chọn cách đối đầu với Nga, nhưng loại bỏ lĩnh vực năng lượng sang một bên. Tuy nhiên, cái khó với Mỹ ở chỗ năng lượng lại chính là “yết hầu” của Nga, không đánh vào đó thì biết đánh vào đâu… Sự quyết liệt của Nga càng khiến các nhà lập pháp Mỹ lo sợ hơn, buộc họ thúc ép chính quyền Tổng thống Biden phải nhanh chóng ban hành cấm nhập khẩu dầu của Nga. Lưỡng đảng Dân Chủ – Cộng Hòa cũng đều nhất trí Nhà Trắng phải cấm nhập khẩu dầu Nga, để “đánh vào điểm yếu nhất của ông Putin”, dập tắt cuộc phiêu lưu quân sự đang diễn ra khốc liệt tại Ukraine.

Và cuối cùng, Nhà Trắng đã buộc phải chọn chính trị thay vì kinh tế. Trong bài phát biểu ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh lệnh cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga sẽ không chỉ bao gồm dầu mỏ mà còn có cả khí đốt. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực ngay lập tức trên toàn nước Mỹ.

“Dầu của Nga sẽ không còn được chấp nhận ở các cảng của Mỹ và người Mỹ sẽ giáng thêm một đòn mạnh mẽ nữa vào cỗ máy chiến tranh của Nga”, ông Biden tuyên bố.

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng thừa nhận động thái này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người dân Mỹ, vốn đã phải hứng chịu giá nhiên liệu tăng vọt suốt những tháng qua. Cấm vận Nga sẽ tiếp tục đẩy lạm phát leo thang, khiến giá nhiều mặt hàng khác, kể cả nhu yếu phẩm tăng lên theo. Song, ông Biden nói rằng đó cái giá mà “chúng ta phải đánh đổi vì người dân Ukraine”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 8/3.

Dù Tổng thống Mỹ đang cố trấn an người dân mình nhưng giờ đây, lệnh cấm đã ban hành. Và nếu không có biện pháp tháo gỡ khẩn cấp, giá dầu có thể không chỉ dừng lại ở 130 USD/một thùng mà sẽ cán mốc 200 USD, thậm chí cao hơn.

Và khi đó, giá vật tư, hàng hóa sẽ đốt sạch túi người tiêu dùng, khiến “dư chấn” của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine lan khắp nước Mỹ.

Dù khác với Liên Minh Châu Âu (EU), Mỹ vẫn đảm bảo được đủ nguồn cung dầu do nhập khẩu từ Nga chỉ chiếm một phần nhỏ và hơn nữa Mỹ vẫn là nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Nhưng trong ngắn hạn, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải gánh còng lưng chi phí sinh hoạt do lạm phát, cú sốc chẳng mấy dễ chịu sau khi mới vừa bước ra từ đại dịch Covid-19. Chính điều đó sẽ vô tình tác động nghiêm trọng đến sự tín nhiệm mà người dân dành cho chính quyền Tổng thống Biden.

Quyết tâm mạnh mẽ với Nga, nhưng giá năng lượng có thể sẽ là điểm yếu chí mạng với Đảng Dân chủ trong kỳ bầu cử Quốc hộ Mỹ tháng 11 năm nay. Không chỉ có Mỹ, lãnh đạo của các nước đồng minh với Mỹ cũng đối mặt với rủi ro chính trị tương tự.

Giải pháp nào cho nước Mỹ hiện nay?

Chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện đang phải đối mặt với lời kêu gọi mạnh mẽ từ ngành công nghiệp dầu khí trong nước. Ông Mike Wirth, CEO của Tập đoàn năng lượng Chevron, nói rằng bất kỳ biện pháp ngắn hạn nào của chính phủ cũng nên đi kèm với cam kết lâu dài về hỗ trợ đầu tư trong ngành dầu khí nội địa.

Song, tăng cường sản xuất nhiên liệu hóa thạch là một điều đi ngược lại với quan điểm của nhiều đảng viên Dân chủ, bởi họ coi đó là nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu nói chung và là mối đe dọa và ủng hộ thúc đẩy năng lượng tái tạo ở nước Mỹ nói riêng. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đang tất bật tìm cách thúc đẩy năng lượng tái tạo, một phần trong chiến lược xử lý tác động lên lạm phát của nhiên liệu hóa thạch. Nhưng đây là giải pháp dài hạn chứ không thể phát huy hiệu quả ngay lập tức.

Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski, người ủng hộ dự luật cấm nhập khẩu dầu từ Nga.

Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski, người ủng hộ dự luật cấm nhập khẩu dầu từ Nga, cũng cho rằng ông Biden có thể xoa dịu thị trường bằng cách cam kết thúc đẩy sản lượng năng lượng nội địa. Nhưng ông cũng chia sẻ: “Và bây giờ, tín hiệu từ chính quyền Biden vẫn cho thấy chúng ta sẽ để mặc dầu trong lòng đất và dựa vào nguồn cung từ nơi khác. Và giờ chúng ta nhận ra rằng mình đang dựa vào sự giúp đỡ của Nga để có dầu mà tiêu dùng””

Vẫn còn một giải pháp khác?

Đó là tiếp tục nhập khẩu, nhưng không phải từ Nga mà là từ những quốc gia từng bị Mỹ áp đặt lệnh cấm vận.

Venezuela là một trong số đó. Cuối tuần qua, một phái đoàn đàm phán cấp cao của Mỹ đã tới Caracas để bàn về tình hình an ninh năng lượng của nước Mỹ hiện nay. Cuộc đàm phán xoay quanh vấn đề của những công dân Mỹ bị bắt giữ tại Venezuela, và khả năng nới lỏng các biện pháp trừng phạt liên quan đến dầu mỏ đối với quốc gia Nam Mỹ. Giới quan sát tin rằng Venezuela có thể tăng cường xuất khẩu dầu thô nếu Washington nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Venezuela cũng đã trả tự do cho ít nhất 2 công dân Mỹ bị họ bỏ tù như một “cử chỉ thiện chí” sau chuyến thăm. Tuy nhiên, Venezuela lại là một trong những đồng minh thân cận nhất của Nga ở Mỹ Latin, liệu họ có sẵn sàng giúp Mỹ và đứng ngoài hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine hay không vẫn là một câu hỏi còn để ngỏ.

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro cho biết các cuộc đàm phán với Mỹ đang diễn ra.

Gỡ bỏ các lệnh cấm vận và tăng lượng nhập khẩu có lẽ là giải pháp khả thi nhất vào lúc này. Tuy nhiên, khó khăn và thách thức vẫn đầy rẫy, nếu các cuộc đàm phán không sớm giải tỏa được cơn khát năng lượng trong nước, người tiêu dùng tại Mỹ sẽ càng thêm phẫn nộ.

Trừng phạt Nga, đúng là sẽ khiến Mỹ triệt tiêu phần nào sinh lực đối thủ địa chính trị của mình. Song đổi lại, khó khăn cũng bủa vây không kém, nhất là với chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều