Mỹ có thể xem xét trừng phạt thêm 11 công ty do quân đội Trung Quốc hậu thuẫn
Bộ Quốc phòng Mỹ vừa xác định thêm 11 công ty Trung Quốc thuộc sở hữu hoặc do quân đội Trung Quốc kiểm soát và có thể xem xét lệnh trừng phạt. Trong danh sách 11 công ty được Bộ Quốc phòng Mỹ xác định có Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc, Tập đoàn Sinochem và công ty Spacesat.
Lầu Năm Góc hiện chưa đề cập tới việc các công ty trên sẽ phải đối mặt với biện pháp trừng phạt nào. Nhưng theo đạo luật năm 1999, Tổng thống Mỹ có thể xem xét áp đặt trừng phạt với các công ty trên, trong đó có việc đóng băng và chặn tất cả tài sản.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chưa có bình luận về thông tin này.
Đầu năm 2020, Bộ Quốc phòng Mỹ xác định 20 công ty hàng đầu Trung Quốc là các công ty quân sự hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp ở Mỹ. Trong số này có các công ty do Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) “sở hữu hoặc kiểm soát”, chuyên cung cấp dịch vụ thương mại, chế tạo, sản xuất hoặc xuất khẩu.
Hôm 26/8, Mỹ thông báo sẽ trừng phạt 24 công ty Trung Quốc vì tham gia chương trình xây đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành phi pháp trên biển Đông, đồng thời cấm các công ty này mua các sản phẩm nhạy cảm nhất định của Mỹ nếu không có giấy phép từ Bộ Thương mại.
Theo đó trong tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ, nước này sẽ áp hạn chế lên các công ty Trung Quốc “giúp quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông bị quốc tế lên án”.
Bộ Ngoại giao Mỹ, trong một tuyên bố riêng cũng nêu rõ sẽ áp đặt các hạn chế về thị thực đối với các cá nhân Trung Quốc “chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa” với hành động tương tự ở Biển Đông. Đồng thời áp dụng đối với những người liên quan đến “việc Trung Quốc sử dụng hành động gây hấn các nước có tranh chấp ở Đông Nam Á, để hạn chế khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên ngoài khơi “.
Việc Mỹ công bố danh sách trên và có thể bổ sung thêm nhiều công ty khác của Trung Quốc sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa 2 cường quốc, vốn đã mâu thuẫn liên tục trong một loạt vấn đề như COVID-19, Hong Kong, Đài Loan và Biển Đông.
Nguồn Reuters