Mỹ có dám ‘nghỉ chơi’ với Trung Quốc?
The National Interest khẳng định Trung Quốc đang gặp khó khăn và rất cần được Mỹ “giải cứu”.
Can dự thất bại
Tờ The National Interest mới đây có bài viết cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bác bỏ khái niệm lợi thế so sánh, vốn là nền tảng cho hệ thống thương mại quốc tế. Theo bài báo, Mỹ đã lặp lại nhiều sai lầm khi trong hơn 4 thập kỷ qua tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc.
Trong bài viết trên tạp chí Foreign Affairs năm 1967, Tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon đã đưa ra lý do cơ bản cho việc can dự: “Hãy nhìn xa trông rộng. Chúng ta đơn giản là không thể mãi mãi bỏ mặc Trung Quốc bên ngoài đại gia đình các quốc gia, để rồi ở đó họ sẽ nuôi dưỡng những ảo tưởng của mình, ấp ủ lòng căm ghét và đe dọa các nước láng giềng”.
Kể từ đầu những năm 1970, các nhà hoạch định chính sách Mỹ tin rằng có thể ngăn chặn những điều đó bằng cách giúp đỡ Trung Quốc vào những thời điểm trọng yếu. Mốc thời gian đầu tiên là năm 1972 khi chuyến thăm của Nixon đã giúp củng cố một Bắc Kinh đang lung lay.
Mỹ cũng “cứu nguy” Trung Quốc sau các sự kiện năm 1989 khi Tổng thống George H. W. Bush cử phái viên Brent Scowcroft tới Bắc Kinh trong một chuyến thăm không báo trước vào tháng 7 để thể hiện sự “sát cánh” với ban lãnh đạo Trung Quốc. Ông Bush đã cam đoan rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ, mà ông buộc phải đồng ý, là không hiệu quả và sẽ nhanh chóng được gỡ bỏ.
The National Interest đánh giá nỗ lực có ảnh hưởng sâu rộng nhất diễn ra sau đó một thập kỷ khi nền kinh tế Trung Quốc dường như đang thu hẹp và các doanh nghiệp nước ngoài xem xét lại cam kết của họ với Trung Quốc. Năm 1999, Chính quyền của Tổng thống Bill Clinton đã ký kết một thỏa thuận với Bắc Kinh trong đó gồm những điều mà sau này trở thành điều kiện để Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Tổng thống Bill Clinton nói trong một bài phát biểu vào tháng 3/2000: “Về mặt kinh tế, thỏa thuận này không khác gì đường một chiều”. The National Interest giải thích rằng điều đó có nghĩa là Trung Quốc là bên phải đưa ra mọi nhượng bộ và phản ánh tinh thần lạc quan của phương Tây khi đó.
Tuy nhiên, chính cựu Tổng thống Mỹ Nixon trước khi qua đời đã nhận ra kẻ thua cuộc trong “ván cược” của mình, vốn hy vọng Trung Quốc cuối cùng sẽ đáp lại thiện chí và ủng hộ các giá trị tự do hậu chiến tranh từng được củng cố nhờ một cấu trúc do Mỹ thiết kế gồm các hiệp ước, công ước, quy tắc và chuẩn mực. Ông nói: “Có lẽ chúng ta đã tạo ra một Frankenstein”.
Theo bài viết, Mỹ hiện vẫn đang làm chính những gì đã thực hiện trước đây khi để Trung Quốc sử dụng số tiền thu được từ giao dịch thương mại với Mỹ để mở rộng quân đội trong khi các sĩ quan Trung Quốc công khai nói về việc tấn công người Mỹ. Ngày 20/12/2018, Chuẩn đô đốc Luo Yuan đã đề xuất sử dụng 2 loại tên lửa đạn đạo để đánh chìm 2 tàu sân bay Mỹ và tiêu diệt 10.000 lính Mỹ.
Theo báo chí Mỹ, tháng 5/2018, từ căn cứ ở Djibouti, quân đội Trung Quốc đã chiếu tia laser vào một chiếc máy bay vận tải C-130 của Mỹ, khiến mắt của hai phi công bị tổn thương. The National Interest coi nỗ lực này tương đương với việc cố gắng làm rơi máy bay và khiến các phi công thiệt mạng. Các máy bay Mỹ tiếp tục bị các lực lượng Trung Quốc tấn công bằng tia laser trên biển Hoa Đông.
Mỹ đủ tự tin để “nghỉ chơi”
Tờ The National Interest còn tố cáo Trung Quốc có nhiều bước đi khác nhằm vào Mỹ như chia rẽ các nước đồng minh của Mỹ, “quấy rối” các tàu và máy bay Mỹ trong khu vực mà điển hình là hồi tháng 9/2018, tàu khu trục Lan Châu của Trung Quốc đã cố gắng cắt ngang mũi tàu USS Decatur trên Biển Đông…Kết luận được đưa ra là những “hành vi xấu” của Trung Quốc chính là bằng chứng cho thấy sự thất bại của các chính sách can dự mà Mỹ theo đuổi.
Hiện ở Mỹ có nhiều đề xuất về chính sách với Trung Quốc, ví dụ như ông Kurt Campbell và Ely Ratner, hai quan chức Bộ Ngoại giao dưới thời Tổng thống Obama, cho rằng “không tìm cách cô lập, làm suy yếu Trung Quốc hay cố gắng biến đổi nước này theo hướng tốt đẹp hơn nên là mục đích chủ đạo trong chiến lược của Mỹ ở châu Á”.
Vấn đề được The National Interest đặt ra là Mỹ cần hiểu được các động lực bên trong của Trung Quốc bởi các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã đánh giá lạc quan quá mức.
The National Interest cho rằng Trung Quốc đã tìm cách trở thành bên coi thường luật lệ và Bắc Kinh có những tầm nhìn với ý đồ khác như “tham vọng” hơn so với trước đây. Bằng chứng được chỉ ra là việc ông Tập Cận Bình dùng từ “thiên hạ” trong các tuyên bố chính thức của mình, trong khi giới học giả và quan chức Trung Quốc bóng gió nói đến những thay đổi trong hệ thống quốc tế hiện nay.
Theo The National Interest, dù người Mỹ đang bối rối không biết nên tẩy chay hoàn toàn hay chỉ ngừng can dự theo thời gian, thì con đường an toàn duy nhất cho Mỹ là ngăn Bắc Kinh tiếp cận các nguồn lực bằng cách không hỗ trợ nền kinh tế nước này nữa, cùng nhiều biện pháp khác. Đây được cho là bài học từng có đối với Liên Xô trước đây.
Việc ngừng can dự sẽ gây ra những “phí tổn” đối với nước Mỹ, ví dụ việc chuyển các chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc sẽ gây tổn thất vô cùng to lớn. Một số công ty như Apple, vốn phụ thuộc vào nhà sản xuất theo hợp đồng của họ là Foxconn, sẽ gặp rủi ro trong nhiều năm. Có thể có những gián đoạn trong việc lưu thông dược phẩm, vì ngành công nghiệp đặc thù này chủ yếu tập trung sản xuất tại Trung Quốc.
Việc ngừng can dự sẽ gây rủi ro cho cổ phần đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc, trị giá lên tới 256 tỷ USD. Bắc Kinh đã dùng các công ty Mỹ làm con tin trong các hoàn cảnh thông thường, vì vậy chắc chắn nước này sẽ làm vậy khi Washington tỏ rõ là đang tìm cách “chia tay” hoàn toàn.
Tuy vậy, bài viết tin rằng Mỹ có thể thích ứng với thay đổi. Ví dụ như phần lớn các công ty có thể nhanh chóng điều chỉnh, trong một số trường hợp có thể thay đổi dây chuyền sản xuất trong vài tháng.
Ngay cả Apple vốn phụ thuộc vào Trung Quốc cũng có thể thích ứng với tình hình. Foxconn, vốn có cơ sở tại các nước khác, đang để mắt đến một nhà máy ở Wisconsin, và công ty có trụ sở tại Cupertino này cũng đang xây dựng các cơ sở quan trọng tại Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu ở đó.
Bên cạnh đó, nhiều công ty đang có những kế hoạch khác, chủ yếu do nền kinh tế Trung Quốc đang đi xuống, các hành động gây tổn hại của Trung Quốc đối với họ, chi phí sản xuất giảm ở các nơi khác và nhận thức ngày càng tăng về rủi ro địa chính trị của Trung Quốc. GoPro đã tuyên bố vào tháng 12/2018 rằng công ty này đang chuyển một số nguồn cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Ngành sản xuất ở Mỹ đang phát triển mạnh mẽ do sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có việc sản xuất ngang mức tiêu thụ đang trở nên ngày càng phổ biến. Tháng 5/2019, Stanley Black & Decker tuyên bố họ sẽ xây dựng một nhà máy trị giá 90 triệu USD ở Texas để sản xuất các công cụ thủ công – hiện được sản xuất tại nhiều nơi như Trung Quốc và Mexico. Đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ có thể cạnh tranh sản xuất ngay cả những mặt hàng lợi nhuận thấp.
Yếu tố thứ ba khiến người Mỹ tự tin là nhận định ngừng can dự sẽ giúp Mỹ giảm bớt những tổn thất “nghiêm trọng” do bị Trung Quốc chiếm đoạt quyền sở hữu trí tuệ với giá trị lên tới 600 tỷ USD mỗi năm.
Theo The National Interest, Trung Quốc không thể đáp ứng lịch trình đầy tham vọng trong sáng kiến “Made in China 2025” với tham vọng thống trị 11 lĩnh vực công nghệ vào giữa thập kỷ tới, trừ phi Bắc Kinh tiếp tục chiếm đoạt quyền sở hữu công nghệ nước ngoài.
Bài viết khẳng định, ngừng can dự đồng nghĩa với việc Mỹ ít tiếp xúc với Trung Quốc hơn, cũng có nghĩa là rốt cuộc Trung Quốc sẽ có ít cơ hội hơn để tiếp tục hành vi đánh cắp và gần như không có cơ hội nào cho việc chiếm đoạt bằng cách cưỡng ép.
Một yếu tố khác giúp Mỹ tự tin là việc ngừng can dự sẽ làm giảm tác hại từ chính sách công nghiệp của Trung Quốc đối với các công ty Mỹ bằng cách đưa các công ty này tránh xa khỏi tầm với của Bắc Kinh.
The National Interest khẳng định Trung Quốc đang gặp khó khăn và rất cần được Mỹ “giải cứu” nhưng việc hai nước đạt được một thỏa thuận thương mại không mang lại lợi ích cho Mỹ.
Do đó, bài viết cho rằng việc ngừng can dự hứa hẹn mang lại những kết quả chấp nhận được đối với Mỹ trước một Trung Quốc thực thi chính sách tiêu thổ và tâm lý “được ăn cả ngã về không”.
(Theo Đất Việt)