+
Aa
-
like
comment

Mỹ cố chặn giao kèo của Trung Quốc với nhà sản xuất động cơ máy bay Ukraina

27/08/2019 18:21

Đây là lần thứ hai Trung Quốc cố gắng giành quyền kiểm soát công ty Motor Sich của Ukraina chuyên sản xuất động cơ máy bay. Vào năm 2017, Trung Quốc đã cố gắng mua lại nhà máy này, nhưng, thương vụ đã gặp thất bại do sự can thiệp của Cơ quan An ninh Ukraina.

Lần này, Trợ lý Tổng thống Mỹ về các vấn đề an ninh quốc gia John Bolton đã đích thân tham gia vào việc phá vỡ giao dịch, theo tờ The Wall Street Journal. Sputnik yêu cầu chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin bình luận về tình hình xung quanh doanh nghiệp Ukraina.

jl10_mbhl_cao_captqsina_dnaa
Máy bay huấn luyện cao cấp JL-10 Trung Quốc lệ thuộc vào nguồn cung động cơ AI-222-25 của Ukraine.

Mới đây đã có tin rằng, hai công ty Trung Quốc đã mua hơn 50% cổ phần của nhà máy Motor Sich, nhà sản xuất động cơ máy bay duy nhất ở Ukraina. Ủy ban chống độc quyền của Ukraina, nơi các bên đã đệ trình các tài liệu để phê duyệt, sẽ đưa ra quyết định cuối cùng. Đồng thời, tờ The Wall Street Journal cho biết rằng, Trợ lý Tổng thống Hoa Kỳ về các vấn đề an ninh quốc gia John Bolton đã cố gắng ngăn chặn Trung Quốc mua lại doanh nghiệp Ukraina. Như một nguồn tin tại Nhà Trắng giải thích, sau khi mua nhà máy này Bắc Kinh sẽ tiếp cận những công nghệ quốc phòng quan trọng. Ngoài ra, theo đại diện của chính quyền Hoa Kỳ, việc trợ lý tổng thống đích thân tham gia giải quyết vấn đề cho thấy rằng, thỏa thuận đó ảnh hưởng đến lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.

Cho đến gần đây, Motor Sich là doanh nghiệp độc quyền sản xuất động cơ cho tất cả các loại máy bay trực thăng do Liên Xô và Nga sản xuất. Chỉ vào những năm 2014-2015, trên lãnh thổ Nga đã xuất hiện cơ sở sản xuất phiên bản đổi mới của động cơ TV3-117 được trang bị cho các máy bay trực thăng của lực lượng vũ trang Nga. Tuy nhiên, Motor Sich vẫn là nhà cung cấp động cơ chính cho nhiều loại máy bay trực thăng Mi và Ka hoạt động trên khắp thế giới.

Motor Sich là doanh nghiệp duy nhất sản xuất động cơ D-136 cho máy bay trực thăng hạng nặng Mi-26. Nga phát triển động cơ PD-12 để thay thế nó, nhưng, dự án này đang ở giai đoạn đầu. Theo kế hoạch, các công việc phát triển sẽ hoàn thành vào năm 2025. Do đó, trong những năm tới Motor Sich vẫn là một đối tác không thể thay thế được cho dự án máy bay trực thăng hạng nặng mà Nga và Trung Quốc phối hợp sản xuất.

ai22225dong_co_phan_lucsina_iurd
Động cơ phản lực AI-222-25 của Ukraine. Ảnh: Sina. Động cơ phản lực AI-222-25 của Ukraine. Ảnh: Sina.

Ngoài ra, quân đội và một số tổ chức dân sự của Trung Quốc sở hữu hơn 400 trực thăng Mi-8, Mi-17, Mi-171, Ka-28, Ka-31, Ka-32 đã được mua ở Nga vào những năm 1990 – 2010. Những chiếc trực thăng này đều có tuổi thọ dài – một số có thể được vận hành cho đến cuối những năm 2030.

Motor Sich đã chuyển giao cho Trung Quốc các công nghệ để đại tu động cơ của trực thăng TV3-117, nhờ đó Trung Quốc có thể tiếp tục vận hành các trực thăng này trong thời gian rất dài. Nhưng, nếu có khả năng kiểm soát công ty sản xuất động cơ ở Ukraina thì sẽ có thể đơn giản hóa và giảm chi phí duy trì đội máy bay trực thăng không lồ này, hơn nữa, sẽ mở ra cơ hội cho việc hiện đại hóa.

Trên thực tế, các phiên bản trực thăng do Trung Quốc sản xuất đều là mô hình “bản địa hóa” của các mẫu trực thăng Pháp hồi những năm 1970 và 1980 được sửa đổi sâu sắc. Vì thế khó có thể sử dụng các động cơ được thiết kế cho trực thăng Liên Xô trên các trực thăng như vậy, bởi vì điều đó sẽ đòi hỏi xử lý sâu cấu trúc. Đồng thời, các chuyên gia của Motor Sich đã và đang cung cấp dịch vụ tư vấn cho ngành công nghiệp Trung Quốc trong việc phát triển động cơ của riêng họ và sao chép các động cơ của Nga.

Ngoài các động cơ cho máy bay trực thăng, Motor Sich cũng cung cấp choTrung Quốc động cơ AI-222-25F cho máy bay huấn luyện chiến đấu L-15 (JL-10- phiên bản Trung Quốc của máy bay Nga Yak-130). Trong năm 2014, Nga bắt đầu sản xuất động cơ tương tự như AI-222-25 và không còn phụ thuộc vào động cơ Ukraina cho Yak-130. Nhưng, động cơ AI-222-25F mà Trung Quốc nhận từ Ukraina, được trang bị bộ đốt sau, nhờ đó máy bay L-15 có thể tăng tốc lên tốc độ siêu thanh, mà Yak-130 không thể làm như vậy. Có chú ý đến vai trò quan trọng của L-15 trong Không quân và Không quân Hải quân Trung Quốc, dễ hiểu tại sao Bắc Kinh rất quan tâm đến doanh nghiệp này.

Motor Sich cũng sản xuất động cơ phản lực tuổi thọ ngắn P95-300 được thiết kế để trang bị cho nhiều loại tên lửa hành trình cận âm, bao gồm cả tên lửa hành trình tầm trung X-55 của Liên Xô. Công ty có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất các loại động cơ cho máy bay vận tải, bao gồm cả động cơ D-18T cho máy bay vận tải siêu nặng An-124. Tất cả các dự án này đều phù hợp cho ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc để truy cập vào tiềm năng công nghệ có sẵn tại doanh nghiệp này, cũng như vào các tài liệu kỹ thuật được lưu trữ từ thời Xô viết.

Nếu Motor Sich là rất quan trọng đối với Trung Quốc, tại sao Mỹ, nước đã bước vào một cuộc xung đột với Trung Quốc, lại cần nhiều nỗ lực như vậy để ngăn chặn thỏa thuận? Tại sao các đối tác ở Ukraina không hiểu ngay người anh cả Mỹ? Trong bối cảnh suy giảm kinh tế của Ukraina, Motor Sich là doanh nghiệp chế tạo máy công nghệ cao lớn nhất còn lại trong nước. Khoảng 30 nghìn người đang làm việc tại nhà máy, và sự hợp tác sản xuất liên quan đến nhà máy này tạo số việc làm nhiều gấp bội. Có lẽ ở đây nói về khoảng 100 nghìn công việc với mức lương tương đối (theo tiêu chuẩn của Ukraina). Cuộc xung đột với Nga sau năm 2014 đã khiến doanh số của công ty giảm 40% (tính đến năm 2018).

jl10_mbhl_cao_captqsohu2_mwpc
Máy bay huấn luyện cao cấp JL-10 hay còn gọi là L-15 của Trung Quốc. Ảnh: Sohu.

Hiện tại, công ty tiếp tục cung cấp động cơ cho trực thăng dân sự do Nga sản xuất và cho các phiên bản xuất khẩu của trực thăng Nga. Điều này là do việc sản xuất động cơ VK-2500 thay thế các sản phẩm của Motor Sich ở Nga không phát triển đủ nhanh, cho đến nay chỉ có thể đáp ứng nhu cầu của quân đội. Nhưng, Nga đã đặt ra nhiệm vụ thay thế hoàn toàn các sản phẩm của Ukraina, và thành tựu trong lĩnh vực này chỉ là vấn đề thời gian.

Xét theo mọi việc, phía Ukraina coi quan hệ đối tác với Trung Quốc là một phương pháp để cứu doanh nghiệp này và ngăn chặn thảm họa kinh tế ở Zaporozhye, một khu vực nhạy cảm về chính trị, nơi tình cảm thân Nga luôn mạnh mẽ.

Motor Sich chuyên sản xuất động cơ cho các máy bay được sản xuất tại Nga, vì thế các thiết bị này không thể được sử dụng rộng rãi trên máy bay phương Tây. Nếu Ukraina từ bỏ thỏa thuận thương mại với Trung Quốc dưới áp lực của Mỹ, thì Kiev lại một lần nữa sẽ trả giá đắt cho quy chế “đồng minh phụ” của Washington. Những tổn thất của Ukraina sẽ không được bù đắp bằng bất cứ điều gì ngoại trừ những đảm bảo tiếp theo “hỗ trợ cho nền dân chủ Ukraina”. Trường hợp này sẽ nhắc nhở rằng, nếu một quốc gia từ bỏ chính sách đối ngoại độc lập thì sẽ phải trả giá đắt về mặt kinh tế ngay cả nếu lúc đầu không thấy được điều đó.

sputniknews

Bài mới
Đọc nhiều