+
Aa
-
like
comment

Mỹ chuẩn bị chiến tranh Thái Bình Dương lần 2: Chiến lược bẻ gãy sức mạnh của TQ?

13/08/2019 18:06

Mặc dù Hoa Kỳ không chỉ đích danh Trung Quốc là đối thủ tiềm năng của Chiến tranh Thái Bình Dương lần 2, tuy nhiên họ đã lên một kế hoạch chi tiết.

Mỹ chuẩn bị chiến tranh Thái Bình Dương lần 2: Chiến lược bẻ gãy sức mạnh của Trung Quốc?
Mỹ chuẩn bị chiến tranh Thái Bình Dương lần 2: Chiến lược bẻ gãy sức mạnh của Trung Quốc?

Ngày 11/8, tờ National Interest xuất bản bài viết The U.S. Army’s Experimental “Multi-Domain” Units Are Practicing How to Battle Chinese Warships (tạm dịch: Các đơn vị thử nghiệm tác chiến đa chiến trường của Quân đội Mỹ luyện tập cách tiêu diệt tàu chiến Trung Quốc) của tác giả Sébastien Roblin.

Nhằm giúp độc giả có cái nhìn đa chiều về sự chuẩn bị của Hoa Kỳ cho một cuộc xung đột tiềm tàng ở Thái Bình Dương, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Từ buổi trình diễn “đinh” của RIMPAC 2018

Cuộc tập trận hải quân Pacific Rim – Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) là một buổi trình diễn của chiến tranh trên biển tương lai. Cứ hai năm một lần, hàng chục tàu chiến và máy bay tiên tiến từ hơn 20 quốc gia có thiện chí với Washington sẽ tới Hawaii để tham gia cuộc tập trận.

Vào năm 2018, ngoài những “khách mời đặc biệt” là các quan sát viên của Hải quân Nhân dân Việt Nam và Lực lượng hàng hải Tongan, lực lượng kỳ lạ nhất trong cuộc tập trận là một đơn vị pháo binh của Lữ đoàn Pháo binh 17, Quân đội Hoa Kỳ.

Cuộc tập trận năm đó được đánh dấu bởi một tiết mục “đinh” đó là việc loại biên Tàu đổ bộ Hải quân USS Racine bằng ngư lôi, tên lửa và đạn pháo.

Dưới sự chỉ huy của một sĩ quan hải quân, một hệ thống tên lửa phóng loạt M142 HIMARS nặng 18 tấn ở Kauai, Hawaii đã phóng 6 tên lửa 227mm được dẫn đường bằng GPS tới USS Racine cách đó 60 dặm (gần 100 km).

Mỹ chuẩn bị chiến tranh Thái Bình Dương lần 2: Chiến lược bẻ gãy sức mạnh của Trung Quốc? - Ảnh 1.
Hệ thống tên lửa phóng loạt M142 HIMARS

Ngoài GPS, các tên lửa cũng được cung cấp dữ liệu mục tiêu thông qua Hệ thống thông tin liên lạc cấp chiến thuật Link-16 và một Máy bay không người lái MQ-1C “Grey Eagle”.

Truyền thông cho biết các tên lửa đã bắn trúng mục tiêu, tuy nhiên các cảnh quay từ máy bay không người lái cho thấy tên lửa bay thẳng xuống vùng biển xung quanh mà không gây nhiều thiệt hại.

Phân tích cho thấy các tên lửa vượt quá tầm bắn thông thường của HIMARS, Joseph Trevithick của tờ The Drive đã suy đoán rằng một loại tên lửa mới có thể đã được thử nghiệm.

Lực lượng Mỹ, Nhật Bản đánh chìm tàu chiến cũ USS Racine bằng rocket, tên lửa và ngư lôi trong RIMPAC 2018

Khái niệm “Chiến tranh Đa miền” của Mỹ

Các sĩ quan quân đội Hoa Kỳ đã đưa ra lý thuyết về “Chiến tranh Đa miền” (“Multi-Domain”, tức chiến tranh trên nhiều dạng mặt trận) về cơ bản khái niệm này là để vượt qua các rào cản truyền thống về phối thuộc trong các lực lượng vũ trang và tích hợp khả năng chiến tranh mạng và ngoài không gian.

Trong lịch sử, các đơn vị quân sự Hoa Kỳ có năng lực chiến đấu khác nhau đã bị phân tách về thể chế quản lý và cạnh tranh với nhau để nhận được tài trợ của Bộ quốc phòng Hoa Kỳ bằng cách thúc đẩy các năng lực chiến đấu độc lập làm trung tâm.

Mỹ chuẩn bị chiến tranh Thái Bình Dương lần 2: Chiến lược bẻ gãy sức mạnh của Trung Quốc? - Ảnh 3.
Link-16 là hệ thống thông tin hình ảnh, âm thanh và tín hiệu số theo thời gian thực dùng trong quân sự cho khối NATO.

Điều này đã trở thành vấn đề lớn khi nhiều hệ thống vũ khí khác nhau thường xuyên phải phối hợp chặt chẽ trong các chiến trường hiện đại. Do đó, xu hướng trong suốt thế kỷ 20 là giải pháp tích hợp các vũ khí chiến đấu độc lập vào một đơn vị.

Khái niệm Đa-miền mang xu hướng này đi xa hơn bằng cách biến các “yếu tố hỗ trợ” truyền thống như hậu cần, thông tin liên lạc, chiến tranh điện tử và hoạt động thông tin trên thế giới lên ngang hàng với các vũ khí sát thương như đạn pháo, bom và tên lửa.

Hơn nữa, người Mỹ thấy rằng nhiều khả năng các đơn vị này sẽ là “quân tiên phong” trong việc đối đầu với kẻ thù trước khi chiến sự toàn diện nổ ra thông qua các hoạt động thu thập thông tin tình báo và các hoạt động tâm lý.

Về lý thuyết, đây là một hành động chủ động có thể ngăn cản một cuộc chiến tranh xảy ra từ đầu.

Mỹ chuẩn bị chiến tranh Thái Bình Dương lần 2: Chiến lược bẻ gãy sức mạnh của Trung Quốc? - Ảnh 4.
Minh họa về Chiến tranh Đa-miền

Chương trình Chiến tranh Đa miền được triển khai ra sao?

Nhưng nếu gạt lý thuyết sang một bên, kết quả dễ thấy nhất của dự án Đa-miền dường như là các đơn vị quân sự có thể triển khai tới đồn trú ở các hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương hay thậm chí là trên các tàu Hải quân và đem theo năng lực tấn công đối phương bằng tên lửa.

Dù thành công hay không, cuộc thử nghiệm hủy diệt USS Racine đã làm nổi bật Lực lượng đặc biệt Đa-miền của Hoa Kỳ.

Đây là đơn vị đi đầu trong một thử nghiệm đầy tham vọng nhằm tái cấu trúc lại Quân đội Mỹ, với cùng một đơn vị phòng thủ trên các đảo xa ở Thái Bình Dương vừa có thể đánh chìm tàu ​​và vừa chống lại tuyên truyền của đối phương trên internet .

Hiện tại, Quân đội Hoa Kỳ có hai đơn vị Lực lượng đặc biệt Đa-miền thử nghiệm ngang cấp Lữ đoàn.

Đơn vị đầu tiên được thành lập vào năm 2017 có 2.200 nhân sự, bao gồm lực lượng thường trực từ 500 đến 800 dựa trên thành phần của Lữ đoàn pháo binh dã chiến 17 bao gồm hai tiểu đoàn hệ thống M142 HIMARS và đang thực hiện các cuộc thử nghiệm ở Thái Bình Dương.

Năm 2019, Mỹ bắt đầu xây dựng một đơn vị thứ hai ở châu Âu, dựa trên Lữ đoàn pháo binh 41, được trang bị hệ thống M270A1 cỡ nòng lớn hơn.

Mỹ chuẩn bị chiến tranh Thái Bình Dương lần 2: Chiến lược bẻ gãy sức mạnh của Trung Quốc? - Ảnh 5.
Hệ thống tên lửa phóng loạt M270A1 tại Châu Âu

Kẻ địch của các Lực lượng đặc biệt Đa miền Hoa Kỳ là ai?

Trung Quốc và Nga đã mô hình hóa một cách hiệu quả các tên lửa đất đối không tầm xa như hệ thống tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và hệ thống phòng không S-400 có thể tạo ra một “vòng tròn cấm xâm nhập” với bán kính hàng trăm dặm.

Thực tế, khả năng của các hệ thống phóng quân đội Hoa Kỳ để đe dọa tàu chiến đối phương sẽ vẫn hạn chế cho đến khi nước này trang bị tên lửa Strike với tầm bắn 300 dặm và khả năng diệt hạm trong những năm đầu thập kỷ 2020,

Rõ ràng rằng tên lửa chống hạm, máy bay trực thăng quân sự và hệ thống phòng không cũng như các yếu tố bảo đảm an ninh trên mặt đất, là những bổ sung hợp lý cho một đơn vị Đa-miền hoạt động ở Thái Bình Dương.

Sự hoài nghi về khái niệm Đa miền là chỉ đơn giản là Quân đội cố gắng tìm cách biện minh cho sự liên quan của mình trong cuộc đối đầu ngày càng tăng của Hoa Kỳ với Trung Quốc chủ yếu trên không và trên biển.

Có một châm ngôn: “Một tàu chiến sẽ trở nên ngốc nghếch khi chống lại một pháo đài” có thể không còn ý nghĩa khi ngày hôm nay, cả “tàu chiến” và “pháo đài” có thể bắn nhau qua hàng trăm km nếu chúng có thể phát hiện lẫn nhau.

Mặc dù các loại vũ khí trên đất liền có thể không thể di chuyển tự do như máy bay hoặc tàu chiến, nhưng chúng rẻ hơn và dễ dàng che giấu hơn so với khu vực rộng mở chỉ có mây và biển.

Mỹ chuẩn bị chiến tranh Thái Bình Dương lần 2: Chiến lược bẻ gãy sức mạnh của Trung Quốc? - Ảnh 8.
Mô hình vành đai chiến tranh Đa miền ở Thái Bình Dương của Mỹ

Triệt hạ khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập của Nga – Trung?

Mặc dù một số nhà phân tích cho rằng khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Nga-Trung đã được tăng cường, tuy nhiên vẫn có cơ hội cho đối thủ thâm nhập vào trong “hành lang an toàn”.

Các lực lượng này sau đó sẽ hỗ trợ các lực lượng tấn công không quân và hải quân tham gia vào các trận đánh tiêu hao bằng cách giúp phát hiện sớm và hạ gục tên lửa, máy bay và tàu chiến của đối phương.

Trưởng chương trình Đa-miền đã trả lời phỏng vấn của Breaking Defense:

“Trước đây, chúng tôi không thể thâm nhập vào A2/AD. Với nó (chương trình chiến tranh Đa-miền) chúng tôi đã có thể”.

Đa miền dường như phản ánh chiến lược chống (Hải quân) Trung Quốc. Người Mỹ có thể đang sử dụng khả năng cơ động để cho phép các đơn vị tấn công và lẩn tránh các cuộc phản công không thể tránh khỏi.

Nói cách khác là họ đang tích hợp năng lực thu thập thông tin tình báo trực tiếp vào các lữ đoàn tấn công bằng các tiểu đoàn Tình báo, Thông tin, Điện tử, Chiến tranh Điện tử & Không gian (I2CEWS) được mệnh danh là “đôi mắt”.

Vào tháng 1/2019, đơn vị I2CEWS đầu tiên được thành lập ở Thái Bình Dương và một đơn vị khác sẽ được thành lập ở châu Âu.

Giống như một phiên bản thu nhỏ của Lực lượng hỗ trợ chiến lược của Trung Quốc, I2CEWS nhằm tích hợp các chức năng đa dạng:

Sử dụng khả năng liên lạc và giám sát từ không gian, khai thác thông tin từ các nền tảng tình báo phi hữu cơ, hack hệ thống của kẻ thù, phá vỡ các cảm biến và liên lạc của kẻ thù bằng các cuộc tấn công điện từ, và tiến hành các hoạt động chiến tranh thông tin hoặc phản tuyên truyền trên internet.

Giai đoạn đầu tiên của chương trình Đa-miền được lên kế hoạch hoàn thành vào năm 2028. Sau đó BQP Hoa Kỳ sẽ tích hợp khái niệm Chiến tranh Đa-miền vào các đơn vị chiến đấu của các lực lượng đồng phục Hoa Kỳ.

Sébastien Roblin là Thạc sĩ về Giải quyết xung đột tại Đại học Georgetown và từng là giảng viên đại học cho Quân đoàn Hòa bình ở Trung Quốc.

Ông cũng đã làm việc trong lĩnh vực giáo dục, biên tập và tái định cư người tị nạn ở Pháp và Hoa Kỳ và hiện đang viết về lịch sử an ninh và quân sự cho trang War Is Boring .

Các lực lượng quân sự Hoa Kỳ đưa các hoạt động Đa-miền vào thử nghiệm ở Thái Bình Dương trong cuộc tập trận Lá chắn Valiant 2018

(Theo Soha News)

Bài mới
Đọc nhiều