Mỹ cảnh báo đáp trả toàn lực nếu Nga dám đụng đến lãnh thổ NATO
Mỹ cảnh báo dù vô tình hay cố ý, liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt sẽ đáp trả toàn lực nếu hỏa lực Nga trút xuống lãnh thổ NATO.
Trả lời phỏng vấn CBS hôm 13/3, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết: “Tổng thống (Joe Biden) đã nhiều lần tuyên bố rõ rằng Mỹ sẽ phối hợp với các đồng minh để bảo vệ từng tấc đất của NATO. Nếu có bất cứ hành động tấn công quân sự nào nhằm vào lãnh thổ NATO, Điều khoản 5 sẽ được kích hoạt và chúng tôi sẽ đáp trả toàn lực”.
Điều khoản 5 trong hiệp ước chung của NATO nói về “phòng thủ tập thể, tức là cuộc tấn công vào một thành viên của liên minh sẽ được coi như cuộc tấn công vào toàn liên minh. Ukraine không phải là thành viên của NATO, song giới quan sát nhận định, Điều khoản 5 có thể buộc Mỹ và các thành viên khác trong liên minh phải đưa ra phản ứng trực tiếp hơn nếu chiến dịch của Nga leo thang ra ngoài lãnh thổ Ukraine.
Trả lời câu hỏi liệu liên minh quân sự NATO có đáp trả toàn lực hay không nếu vụ tấn công chỉ là vô tình, ông Sullivan nói: “Tất cả những gì tôi muốn nói là nếu Nga tấn công, khai hỏa vào lãnh thổ NATO, liên minh sẽ đáp trả động thái đó”.
Bình luận trên được đưa ra không lâu sau khi Nga thực hiện một cuộc không kích bằng vũ khí chính xác cao nhằm vào căn cứ quân sự của Ukraine ở Yavorovsky, gần biên giới Ba Lan – một thành viên của NATO. Trong khi Ukraine nói rằng vụ không kích khiến 35 người thiệt mạng, khoảng 150 người bị thương, quân đội Nga cho biết cuộc không kích đã “hạ khoảng 180 lính đánh thuê ngoại quốc” và phá hủy một lượng lớn vũ khí của nước ngoài viện trợ cho Ukraine.
Trước đó, Nga cảnh báo, các xe chở vũ khí của nước ngoài viện trợ cho Ukraine sẽ trở thành “mục tiêu hợp pháp” của lực lượng Nga. “Chúng tôi đã cảnh báo Mỹ rằng việc các nước tuồn vũ khí cho Ukraine là một hành động nguy hiểm, và chỉ khiến các đoàn xe chở vũ khí trở thành mục tiêu hợp pháp của lực lượng Nga”, Sputnik dẫn lời Phó thủ tướng Nga Sergei Ryabkov phát biểu trên truyền hình ngày 12/3.
Bất chấp những cảnh báo này, ông Sullivan cho biết, Mỹ tin rằng vẫn có thể tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine. “Tất nhiên, những đoàn xe vận chuyển này sẽ đi qua vùng chiến sự. Mặc dù không thể khẳng định chính xác chúng sẽ an toàn nhưng chúng tôi tin là mình có những phương pháp và hệ thống phù hợp để tiếp tục ủng hộ cho Ukraine”, ông Sullivan nói.
Cuối tuần qua, Mỹ đã phê duyệt khoản viện trợ vũ khí bổ sung trị giá 200 triệu USD cho Ukraine nhằm đối phó với chiến dịch quân sự của Nga. Gói viện trợ vũ khí mới nhất bao gồm tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa phòng không Stinger, theo sau gói vũ khí trị giá 350 triệu USD mà Mỹ đã phê duyệt tháng trước. Tổng cộng, Mỹ đã viện trợ 1,2 tỷ USD vũ khí cho Ukraine trong năm qua. Số vũ khí này đến từ kho dự trữ quân sự hiện có của Mỹ ở châu Âu và được đưa tới các nước láng giềng của Ukraine như Ba Lan và Romania, để vận chuyển qua đường bộ tới miền Tây Ukraine.
Ukraine nêu “nút thắt” trong đàm phán chấm dứt xung đột với Nga
Mykhailo Podolyak, một trong số các nhà đàm phán của phái đoàn Ukraine, hôm nay 14/3 cho biết lập trường của Ukraine vẫn không thay đổi trong đàm phán với Nga, trong đó Kiev vẫn mong muốn hai bên đạt được lệnh ngừng bắn trước khi tiến hành các cuộc đàm phán tiếp theo về mối quan hệ trong tương lai.
“Các cuộc đàm phán. Vòng thứ 4. Đàm phán về hòa bình, lệnh ngừng bắn, rút quân ngay lập tức và bảo đảm an ninh. Cuộc thảo luận khó khăn”, ông Podolyak viết trên mạng xã hội.
Theo nhà đàm phán Ukraine, Nga “vẫn còn ảo tưởng rằng 19 ngày bạo lực nhằm vào các thành phố yên bình ở Ukraine là chiến lược đúng đắn”.
Một cố vấn của Tổng thống Ukraine và một người phát ngôn của Điện Kremlin đều cho biết, các quan chức Ukraine và Nga sẽ đàm phán qua hình thức trực tuyến trong ngày 14/3.
Các cuộc đàm phán về tình hình xung đột diễn ra khi lực lượng quân sự Nga vẫn đang duy trì đà tiến công trên khắp Ukraine. Theo các quan chức địa phương, quân đội Nga đang tiến gần đến thủ đô Kiev và tiếp tục không kích thành phố cảng Mariupol, nơi gần 2.200 người đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh suốt 2 tuần qua.
Mặc dù các quan chức gần đây đã đưa ra những đánh giá tích cực về các cuộc đàm phán, song 2 bên vẫn chưa đạt được những kết quả như kỳ vọng.
Ukraine nhiều lần kêu gọi Nga tổ chức cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Kiev cho rằng nhà lãnh đạo Nga sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng.
“Phái đoàn của chúng tôi có nhiệm vụ rõ ràng, đó là làm mọi cách để đảm bảo một cuộc gặp giữa hai tổng thống – cuộc gặp mà tôi chắc chắn mọi người đều đang chờ đợi”, ông Zelensky nói trong bài phát biểu hôm 13/3.
“Rõ ràng, đây là một câu chuyện khó khăn, một con đường khó khăn, nhưng con đường này là cần thiết. Và mục tiêu của chúng tôi là để Ukraine có được kết quả cần thiết trong cuộc đấu tranh này, trong công việc đàm phán cần thiết vì hòa bình và vì an ninh”, tổng thống Ukraine nhấn mạnh.
Nga mở màn chiến dịch quân sự ở Ukraine từ hôm 24/2 với tuyên bố nhằm mục tiêu “phi quân sự hóa” và “phi phát xít hóa” Ukraine. Sau hơn 2 tuần chiến sự, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lực lượng của nước này đã phá hủy gần 4.000 mục tiêu quân sự ở Ukraine.
Nga nhiều lần tuyên bố, chiến dịch quân sự ở Ukraine sẽ chấm dứt ngay lập tức nếu Kiev đáp ứng những điều kiện then chốt của Moscow, gồm duy trì trạng thái trung lập, công nhận Crimea thuộc Nga và công nhận độc lập cho các khu vực ly khai ở miền đông Ukraine.
Ihor Zhovka, chánh văn phòng của Tổng thống Zelensky, cho biết Ukraine sẽ cởi mở thảo luận về yêu cầu trạng thái trung lập, nhưng sẽ không nhượng bộ lãnh thổ. Tổng thống Zelensky tin rằng, sự kháng cự của Ukraine sẽ buộc Tổng thống Putin tính toán lại, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt xung đột thông qua giải pháp ngoại giao.
(Theo Reuters)