+
Aa
-
like
comment

Mỹ cấm nhập khẩu dầu của Nga sẽ kéo theo những hệ quả khôn lường

09/03/2022 22:07

 Mỹ cấm nhập khẩu dầu của Nga không chỉ khiến giá dầu thế giới tăng vọt, mà còn có thể góp phần đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần hơn.

Ngay sau khi Tổng thống Joe Biden công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu và các loại năng lượng khác từ Nga để phản ứng trước chiến dịch quân sự tại Ukraine, đại sứ quán Nga tại Washington cho rằng đây là “nỗ lực viển vông” của Mỹ.

“Nga có nơi để chuyển hướng những sản phẩm năng lượng chất lượng cao và có sức cạnh tranh của mình”, đại sứ quán Nga nhấn mạnh trong tuyên bố hôm 8/3, nhưng không nêu rõ Moskva sẽ chuyển hướng xuất khẩu năng lượng tới những nước nào sau lệnh cấm dầu của Mỹ.

Giới phân tích cho rằng Trung Quốc chính là đích đến cho dòng năng lượng mà Nga muốn chuyển hướng đó, trong nỗ lực thay thế thị trường bị mất ở Mỹ và có thể là châu Âu trong thời gian tới.

“Nếu Nga không thể bán dầu và khí đốt tự nhiên cho Mỹ, họ sẽ quay về phía đông và bán cho Trung Quốc. Quá trình chuyển đổi thị trường này đang được tiến hành”, Eric Reguly, nhà phân tích của The Globe and Mail, nhận định.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 4/2. Ảnh: AP.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 4/2. Ảnh: AP.

Giữa làn sóng chỉ trích và trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga, Bắc Kinh đang có những động thái thể hiện sự ủng hộ với Moskva. Trong cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuần trước, Bắc Kinh đã từ chối lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine với một phiếu trắng.

Phát biểu trong cuộc họp báo thường niên với truyền thông quốc tế diễn ra tại Bắc Kinh hôm 7/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga “vững như bàn thạch”, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ bên thứ ba nào.

“Trung Quốc và Nga đã mở rộng quan hệ kinh tế trong những năm gần đây và các biện pháp trừng phạt chống lại Nga chỉ đưa họ xích lại gần nhau hơn”, Reguly cho biết.

Thương mại giữa hai nước đã tăng 36% trong năm ngoái, lên gần 147 tỷ USD, theo dữ liệu chính thức của Trung Quốc. Thương mại hai nước đã tăng đều đặn kể từ năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và hứng chịu các biện pháp trừng phạt từ phương Tây. Trung Quốc hiện là điểm đến xuất khẩu hàng đầu của Nga, với các mặt hàng chủ yếu là năng lượng và nông sản.

Reguly cho rằng bất kỳ lô dầu nào mà Nga không thể bán cho phương Tây sẽ được Trung Quốc sẵn lòng mua lại, khi dầu thô Nga đang được giao dịch với mức chiết khấu cao trong những ngày gần đây. Quá trình vận chuyển cũng rất linh hoạt, khi các tàu chở dầu của Nga tới phương Tây có thể lập tức quay đầu về phía đông.

Tuy nhiên, xử lý dòng khí đốt, vốn được vận chuyển qua các đường ống cố định, không dễ dàng như dầu. Nga không thể lập tức chuyển hướng dòng khí đốt tới châu Âu sang Trung Quốc, vì các đường ống từ Viễn Đông tới châu Âu không kết nối với đường ống tới Trung Quốc.

“Nga sẽ mở rộng mạng lưới đường ống dẫn khí đốt sang Trung Quốc, nhưng quá trình đó sẽ mất nhiều năm”, Reguly nhận định.

Dòng khí đốt của Nga tới châu Âu có thể vẫn được duy trì, vì lục địa này hiện chưa thể tìm được nguồn cung thay thế trước mắt. Dù đã tung ra loạt biện pháp trừng phạt, châu Âu tới nay chưa áp lệnh cấm vận khí đốt với Nga.

Nga cảnh báo trừng phạt đáp trả các lĩnh vực nhạy cảm nhất của phương Tây - 1
Nga là nhà cung cấp dầu mỏ và khí tự nhiên lớn hàng đầu thế giới. Trong ảnh: Một giếng dầu ở vùng Irkutsk, Nga (Ảnh: Reuters).

Reguly cho rằng Nga cũng có thể nhập khẩu nhiều công nghệ của Trung Quốc, cũng như tận dụng nguồn tài chính của nước này để đầu tư cho các dự án năng lượng của mình.

“Đã có những đồn đoán rằng các công ty Trung Quốc có thể mua cổ phần trong các công ty năng lượng Nga mà phương Tây muốn từ bỏ. Một trong số đó là 20% cổ phần trong tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga mà công ty BP của Anh muốn bán”, Reguly cho hay.

Giới quan sát còn dự báo về các lĩnh vực khác mà Trung Quốc và Nga có thể tăng cường hợp tác. Hai nước có thể sẽ thiết lập một hệ thống thanh toán liên ngân hàng của riêng họ, sau khi Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Họ cũng sẽ cố gắng để đồng tiền quốc gia được chấp nhận rộng rãi, dù quá trình này có thể mất nhiều thời gian do đồng đôla Mỹ vẫn thống trị các khu vực thương mại quốc tế.

“Nga và Trung Quốc sẽ thúc đẩy mạnh mẽ để loại đôla khỏi các giao dịch nước ngoài của họ”, Reguly chia sẻ.

Mỹ và châu Âu đang cố gắng tung ra nhiều biện pháp trừng phạt và “cô lập” Nga vì phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt này cũng có thể tác động nặng nề tới chính phương Tây cũng như nền kinh tế toàn cầu.

Những biện pháp “siết thòng lọng kinh tế” với Nga đang khiến giá dầu tăng vọt. Giá dầu thô ở London đã lên mức 131 USD/thùng, tăng 93% trong vòng một năm qua.

Giới quan sát cho rằng giá dầu có thể tăng cao hơn nhiều nếu Mỹ và Anh là những bên nhập nhiều dầu hơn từ Nga. Nguồn dầu từ Nga hiện phục vụ khoảng 8% nhu cầu tại Anh. Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết nước này chỉ nhập khoảng 3% dầu thô và 8% các sản phẩm dầu mỏ từ Nga trong năm 2021.

Không chỉ đẩy giá cả thế giới tăng cao, lệnh cấm dầu Nga của Mỹ đang vô tình tạo lợi thế cho Trung Quốc, khi có được các mặt hàng giá rẻ và dồi dào của Nga, quốc gia đang ngày càng gắn bó với họ, theo giới quan sát. “Đối phó với một Trung Quốc mạnh hơn và có khả năng quyết liệt hơn sẽ là vấn đề tiếp theo của Tổng thống Mỹ”, Reguly nhận định.

(Theo The Globe and Mail)

Bài mới
Đọc nhiều