+
Aa
-
like
comment

Mỹ bừng tỉnh trước tham vọng hải quân của Trung Quốc

19/09/2020 10:56

Báo cáo mới của Lầu Năm Góc lo ngại Trung Quốc có thể đã vượt Mỹ trong một số phương diện về quân sự.

tham vong hai quan cua Trung Quoc anh 1

Bộ trưởng Esper tuyên bố kế hoạch không lâu sau khi Lầu Năm Góc công khai báo cáo thường niên cho Quốc hội Mỹ về sức mạnh quân sự Trung Quốc.

Theo giới quan sát, báo cáo thể hiện sự quan ngại ở giới hoạch địch quốc phòng Mỹ trước bước tiến nhanh chóng của Trung Quốc về quân sự. Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) không chỉ thu hẹp khoảng cách với quân đội Mỹ về một số ưu thế ngách, mà còn bắt kịp và thậm chí vượt mặt ở mức độ nhất định trong vài phương diện.

Việc Trung Quốc đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là lực lượng hải quân quốc gia, được đánh giá là một phần cách tiếp cận mới của Bắc Kinh.

Chiến lược của Bắc Kinh “không đơn thuần tận dụng cơ hội để thách thức nguyên trạng” và mà thể hiện “khát vọng dài hạn thiết kế lại kiến trúc trật tự quốc tế”, báo cáo nhấn mạnh.

Đội tàu lớn nhất thế giới

Báo cáo tiêu đề “Diễn biến quân sự và an ninh liên quan đến Trung Quốc 2020” dài 173 trang nêu chi tiết các “diễn biến về quân sự – công nghệ hiện tại và tiềm năng tương lai của PLA, các diễn biến tiềm tàng trong chiến lược an ninh và chiến lược quân sự của Trung Quốc, cũng như tổ chức quân đội và ý tưởng hoạt động trong vòng 20 năm tới”.

Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, Trung Quốc đang nắm trong tay số tàu hải quân lớn nhất thế giới với lực lượng tác chiến gần 350 tàu và tàu ngầm, trong đó có 130 tàu mặt nước cỡ lớn. Mỹ chỉ có khoảng 293 tàu chiến tính đến đầu năm 2020.

Trong vài thập kỷ qua, hiện đại hóa binh chủng tàu ngầm là một trong những ưu tiên hàng đầu của hải quân PLA (PLAN). Họ đang có trong biên chế 4 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có khả năng mang tên lửa đạn đạo, với hai tàu đang được đóng mới.

PLAN còn có 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và khoảng 50 tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel. Trong thập kỷ 2020, Trung Quốc dự kiến duy trì binh chủng tàu ngầm khoảng 65-70 chiếc, thay thế các dòng lạc hậu với tàu thế hệ mới.

Báo cáo của Lầu Năm Góc lưu ý PLAN có chương trình đóng tàu tác chiến mặt nước rất quyết liệt, tập trung đóng mới tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường và tàu hộ tống.

Những khí tài này cho phép Trung Quốc nâng cao năng lực phòng không, chống hạm và săn tàu ngầm một khi mở rộng hoạt động vượt khỏi lưới phòng không trên đất liền. Họ cũng đang dẫn đầu thế giới trong mảng đóng tàu quân sự về lượng giãn nước, liên tục cải thiện năng lực và năng suất đóng tàu thuộc mọi dòng.

tham vong hai quan cua Trung Quoc anh 2
Tàu sân bay Liêu Ninh và đội tàu hộ tống tập trận trên Biển Đông vào năm 2017. Ảnh: AFP.

Đến cuối năm 2019, Trung Quốc đã khởi công 23 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Type 052D (NATO định danh là Lữ Dương III), trong đó 13 chiếc đã được đưa vào hoạt động.

Năm 2019, PLAN đưa vào biên chế chiếc thứ 30 thuộc dòng tàu hộ vệ tên lửa dẫn đường Type 054A (NATO định danh là Giang Khải II). Tính đến cuối năm, hơn 42 tàu hộ tống Type 056 (Giang Đảo) và 60 tàu tuần tra mang tên lửa Type 022 (Hồng Bại) được bổ sung nhằm gia tăng sức mạnh ở “các vùng biển gần”.

Lấy tàu sân bay làm “tiêu chuẩn vàng”

Theo National Interest, Trung Quốc đang hướng đến xây dựng PLAN thành lực lượng hải quân hùng mạnh với nhiều tàu sân bay. Họ cũng theo đuổi “tiêu chuẩn vàng” lấy tàu sân bay làm trung tâm và xây dựng lực lượng xoay quanh hạt nhân này.

Hiện PLAN có hai tàu sân bay là Type 001 Liêu Ninh (cải tiến từ tàu sân bay cũ Kuznetsov của Liên Xô) và Type 002 Sơn Đông (tàu sân bay nội địa đầu tiên, chính thức đưa vào biên chế tháng 12/2019). Báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc tiếp tục tự đóng tàu sân bay trong năm 2019, dự kiến đưa vào hoạt động trước năm 2024 và họ sẽ không dừng lại ở con số 3 tàu sân bay.

Tàu sân bay nội địa thứ hai của PLAN sẽ có kích thước lớn hơn và trang bị hệ thống bệ phóng máy bay. Thiết kế này cho phép tàu sân bay thế hệ mới tăng số lượng máy bay chiến đấu, máy bay cảnh báo sớm cánh cố định, tăng tốc triển khai máy bay, đồng thời mở rộng phạm vi và độ hiệu quả của máy bay chiến đấu trên tàu.

Với lực lượng tàu sân bay, PLAN đang hướng đến bức tranh lớn hơn là “mở rộng bao phủ phòng không vượt khỏi hệ thống tên lửa duyên hải và trên tàu chiến, cho phép những hoạt động của nhóm tác chiến gia tăng phạm vi”.

Bên cạnh đó, sách trắng quốc phòng Trung Quốc năm 2019 cũng tuyên bố PLAN đang đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi nhiệm vụ từ “phòng vệ các vùng biển gần” sang “bảo vệ những sứ mệnh trên vùng biển xa”.

Để phục vụ cho mục tiêu đầy tham vọng này, PLAN đã phát triển một đội tàu hậu cần hùng hậu. Báo cáo của Lầu Năm Góc nhận định tàu hậu cần Trung Quốc đủ năng lực “hỗ trợ các đợt triển khai xa và trong thời gian dài”.

PLAN đã có 2 tàu tiếp tế tổng hợp cỡ lớn Type 901, được thiết kế riêng cho các hoạt động của tàu sân bay. Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Type 055 của Trung Quốc (được NATO định danh là Nhân Hải và xếp vào cấp tàu tuần dương) sẽ là tàu hộ tống cao cấp cho tàu sân bay trong ở những vùng biển xa.

PLAN mở rộng lực lượng tàu sân bay cùng tàu chiến đổ bộ hiện đại sẽ cho phép Trung Quốc thực hiện nhiều hoạt động viễn dương đa dạng hơn.

Các tàu sân bay thế hệ mới của Trung Quốc tiếp tục được nâng cấp để gia tăng sức mạnh tấn công, đặc biệt trong kịch bản cần điều động nhóm tác chiến tàu sân bay ra khỏi vùng ngoại vi tiếp giáp đại lục.

tham vong hai quan cua Trung Quoc anh 3
Trung Quốc đưa vào biên chế tàu sân bay Type 002, được đặt tên là Sơn Đông, vào năm 2019. Ảnh: Tân Hoa xã.

“Đẳng cấp thế giới” là thách thức Mỹ

Tổ chức của PLAN cũng được điều chỉnh trong đợt cải cách toàn diện cấu trúc quân đội Trung Quốc vào cuối năm 2015 và đầu năm 2016. Điều phối hành quân được tách khỏi các bộ chỉ huy PLAN, nhập vào phạm vi quyền hạn của những Bộ tư lệnh Chiến khu liên quân. PLAN tập trung vào việc tổ chức, công tác nhân sự, đảm bảo huấn luyện và trang thiết bị cho các lực lượng hải quân.

Cơ cấu lực lượng PLAN được chia thành 3 hạm đội, bao gồm các hải đoàn tàu ngầm, tàu mặt nước, quân cảng và lữ đoàn hàng không trực thuộc. Các hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải lần lượt trực thuộc các Chiến khu Bắc, Đông và Nam của quân đội Trung Quốc.

Giới lãnh đạo Trung Quốc thường xuyên nhấn mạnh các mục tiêu cải tổ quân đội then chốt vào năm 2020 và năm 2035, hướng đến tương lai quân đội “đẳng cấp thế giới” vào năm 2049. Bắc Kinh đến nay chưa định nghĩa cụ thể tham vọng quân đội “đẳng cấp thế giới” của họ cụ thể là gì.

Đặt trong lăng kính chiến lược quốc gia, khái niệm này có thể đồng nghĩa xây dựng một lực lượng quân sự ngang hàng, hoặc thậm chí vượt trội, quân đội Mỹ hoặc bất kỳ cường quốc nào Bắc Kinh “xem là mối đe dọa với chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển” của Trung Quốc.

Theo Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chad Sbragia, chuyên trách các vấn đề Trung Quốc, việc chấp nhận “tình trạng yếu thế quân sự dài hạn là điều cấm kỵ” trong tư duy của giới lãnh đạo Trung Quốc. Phát biểu tại diễn đàn Viện Doanh nghiệp Mỹ ngày 1/9, ông Sbragia nhận định chiến lược phát triển hải quân của PLA chính là nơi thể hiện rõ nhất tâm lý này của Bắc Kinh.

Trong báo cáo mới, Lầu Năm Góc nhấn mạnh năng lực hoạt động bên ngoài Chuỗi Đảo Thứ nhất của PLAN còn khiêm tốn “nhưng đang phát triển”. Lực lượng này đang thu thập thêm kinh nghiệm hoạt động ở những vùng biển xa, đồng thời liên tục được bổ sung các khí tài lớn hơn và hiện đại hơn.

Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Sbragia nhận định sự phát triển của hải quân Trung Quốc đang trở thành thách thức dài hạn đối với Mỹ.

“Mạng lưới hậu cần quân sự toàn cầu của PLA có thể can thiệp vào những hoạt động quân sự của Mỹ và của các đồng minh, tăng sự linh động hỗ trợ các chiến dịch công kích chống lại Mỹ”, ông Sbragia cảnh báo Trung Quốc đang thử nghiệm mở rộng tầm hoạt động với căn cứ quân sự tiềm năng ở Myanmar, châu Phi và Nam Mỹ.

(Theo PLA)

Bài mới
Đọc nhiều