+
Aa
-
like
comment

Mỹ bơm vũ khí cho NATO châu Á chống Trung Quốc, Nga khẳng định “âm mưu rợn người”?

13/07/2021 10:59

Bơm vũ khí vào châu Á, tứ giác quân sự Mỹ muốn kiềm toả Trung Quốc, nhưng Nga cũng cảm thấy hơi nóng phả sau gáy.

Mỹ bơm vũ khí cho NATO châu Á chống Trung Quốc, Nga khẳng định "âm mưu rợn người"?

Với sự hiện diện của hàng trăm nghìn quân nhân, các nhóm tấn công tàu sân bay và lực lượng hàng không chiến lược – Lầu Năm Góc đang tăng cường bơm vũ khí vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Washington tiến gần đến sự thành lập một khối quân sự tại châu Á tương tự như liên minh NATO. Dù mục tiêu là để kiềm chế Trung Quốc, nhưng khối này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh của Nga, các chuyên gia nhận định trên RIA Novosti.

Bộ Tứ quân sự

Các cuộc thảo luận về thành lập một khối quân sự tương tự như NATO ở châu Á được khởi xướng vào cuối những năm 2000.

Năm 2007, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề xuất tổ chức mô hình Đối thoại An ninh Tứ giác (Bộ Tứ) với sự tham gia của Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.

Thực chất, Mỹ chính là quốc gia đứng sau kế hoạch này, khi coi Trung Quốc là đối thủ địa chính trị chính.

Ngoài Nhật Bản – quốc gia phụ thuộc quân sự vào Mỹ, khi có sự hiện diện của căn cứ quân sự, vũ khí và binh lính Mỹ – cùng đồng minh mạnh mẽ ngoài NATO là Australia, người Mỹ đang đẩy nhanh quá trình hình thành liên minh chống Trung Quốc dựa trên các thành viên trong tứ giác.

Vấn đề còn lại của Washington chỉ là làm cách nào lấy lòng được Ấn Độ.

“Ngoài Australia và Nhật Bản, tầm quan trọng đặc biệt là sự tham gia của Ấn Độ, quốc gia có truyền thống xây dựng chính sách đối ngoại độc lập”, Đô đốc Igor Kostyukov từ Bộ Tổng tham mưu Nga cho biết.

Theo Tiến sĩ Khoa học Quân sự Konstantin Sivkov, Washington đồng thời sẽ cố gắng lôi kéo các quốc gia khác như Philippines và Indonesia vào liên minh.

“Họ cần một khối quy mô lớn để có thể bao phủ toàn bộ phần phía Tây của Thái Bình Dương. Tất nhiên, điều này đe dọa cả Nga”, ông nói.

“Tình hình đang diễn ra ở biên giới phía Đông. Các hành động của Mỹ có thể dẫn đến việc thành lập một liên minh quân sự Nga-Trung. Câu hỏi đặt ra cho Ấn Độ là đứng về phía người Mỹ để nhận về những hậu quả nghiêm trọng hay ủng hộ Nga”.

Mỹ bơm vũ khí cho NATO châu Á chống Trung Quốc, Nga khẳng định âm mưu rợn người? - Ảnh 2.
Tứ giác quân sự của Mỹ sẽ là mối đe doạ đến Nga ở châu Á – Thái Bình Dương.

Mối hoạ cho Nga

Washington kỳ vọng sẽ thiết lập toàn quyền kiểm soát châu Á-Thái Bình Dương, nơi mà Nga cho rằng tương lai sẽ trở thành đầu tàu của nền kinh tế thế giới và là đấu trường cạnh tranh giữa các cường quốc hàng đầu.

Theo Bộ Tổng tham mưu Nga, Mỹ đã thiết lập nhóm lực lượng 400.000 người ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Về tổng thể, có hơn 200 cơ sở của lực lượng vũ trang Mỹ trong khu vực, với hơn 50 căn cứ quân sự. Ngoài ra, Washington có kế hoạch triển khai Hạm đội 1 tới châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2024. Nhóm quân sự này sẽ hoạt động ở phía Đông Ấn Độ Dương.

Sự tái xuất của Hạm đội 1 sẽ giúp chia sẻ sứ mệnh cho Hạm đội 7, đồng thời tăng cường các hoạt động quân sự để kiềm chế Trung Quốc ở Nam và Đông Nam Á.

Trước đó, Lầu Năm Góc đã tạo ra một loại đơn vị mới – Lực lượng Đặc nhiệm Đa miền (Multi-Domain Task Forces), mang nhiệm vụ đột nhập vào hệ thống phòng thủ và tiêu diệt các mục tiêu quan trọng của đối phương.

Chuyên gia Konstantin Sokolov từ Hiệp hội Khoa học Tự nhiên Nga giải thích rằng, để lôi kéo New Delhi vào khối quân sự, các chính trị gia Mỹ sẽ dựa vào mâu thuẫn lâu đời Ấn Độ-Trung Quốc.

“Ấn Độ và Trung Quốc là hai quốc gia chủ chốt trong khu vực, những nước còn lại chỉ đóng vai trò hỗ trợ xung quanh. Và mục tiêu của Mỹ vẫn như mọi khi là mượn tay người khác để chiến đấu, không để lãng phí nguồn lực của chính mình”, chuyên gia Sokolov đánh giá.

Sự thành lập một khối quân sự như vậy là hành động gây hậu quả tiêu cực nhất cho Nga. Tuy nhiên, giới chuyên gia tin rằng việc hình thành một liên minh quân sự mới ở châu Á – Thái Bình Dương sẽ mất nhiều thời gian. Vì lý do đơn giản là kế hoạch này càng được các nhiều bên ủng hộ thì cũng có nhiều quan điểm phản đối.

Mạnh Kiên

Bài mới
Đọc nhiều