+
Aa
-
like
comment

Mỹ bị mời ra khỏi Iraq: Đau chứ không chỉ thất bại

08/01/2020 17:18

Khi Quốc hội Iraq thông qua nghị quyết kêu gọi Mỹ rút quân, thì Washington không còn là thực khách. Nếu quyết ở lại, Mỹ chỉ là kẻ ăn chực mà thôi.

Mỹ đã trở thành khách không mời ở Iraq

Theo Reuters, ngày 6/1, trong cuộc gặp Đại sứ Mỹ tại Iraq Matthew H. Tueller, Thủ tướng Abdel Mahdi đã kêu gọi Mỹ phối hợp thực hiện nghị quyết mà Quốc hội Iraq thông qua hôm 5/1, trong đó yêu cầu các lực lượng nước ngoài rút khỏi Iraq.

Cùng ngày, Thủ tướng Mahdi cũng có cuộc trao đổi tương tự với người đồng cấp Ðức Angela Merkel về tinh thần nghị quyết mà cơ quan lập pháp Iraq đã thông qua sau khi Mỹ tấn công sân bay Baghdad giết hại tướng Qassem Soleimani của Iran.

Đây những sự kiện đối ngoại đặc biệt của chính quyền Iraq thể hiện lập trường của Baghdad trong quan hệ với Washington, sau khi quân đội Mỹ bị lên án đã xâm phạm chủ quyền quốc gia của Iraq qua vụ không kích giết hại tướng Soleimani.

Sát hại tướng Soleimani, Mỹ tự biến mình thành khách không mời ở Iraq

Đáng lưu ý là những sự kiện đối ngoại đặc biệt này diễn ra trong bối cảnh tại Iraq đã liên tục có những chuyển động chính trị, mà ở đó thể hiện sự lệch pha giữa Baghdad với Washington sau vụ ám sát Tư lệnh lực lượng Quds của Iran.

Ngày 3/1, ngay sau khi diễn ra vụ không kích của Mỹ vào sân bay Baghdad và giết chết tướng Soleimani, Tổng thống Iraq Barham Saleh chỉ trích “hành động hiếu chiến” của Washington và cho rằng Iraq sẽ bất ổn nếu lý lẽ không được ưu tiên

Chủ tịch Quốc hội Muhammad Al-Halbousi thì lên án vụ tấn công của Mỹ sát hại Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, và Phó Chỉ huy Lực lượng bán quân sự Hashed al-Shaabi ở Iraq.

Chủ tịch Quốc hội Halbousi kêu gọi chính phủ Iraq có hành động bảo đảm an ninh, hợp pháp mang tính chính trị để ngăn chặn các vụ tấn công tương tự và tránh để Iraq trở thành chiến trường cho ngoại bang tỉ thí.

Phó Chủ tịch Quốc hội Iraq Hassan al-Kaabi thậm chí đã kêu gọi tổ chức phiên họp khẩn cấp cỉa Quốc hội nhằm “đưa ra các quyết định chấm dứt sự hiện diện của Mỹ tại Iraq, để Washington kết thúc sự ngạo mạn và liều lĩnh”.

Thủ tướng Abdul-Mahdi thì mô tả cuộc tấn công của Mỹ tại Baghdad là hành động “vi phạm” các điều kiện cho binh lính Mỹ đồn trú tại Iraq. Ông cho rằng sự hiện diện của Mỹ nên giới hạn ở việc huấn luyện các lực lượng Iraq chống khủng bố.

Ngày 5/1, Quốc hội Iraq đã chính thức thông qua nghị quyết yêu cầu chấm dứt sự hiện diện của quân đội nước ngoài ở Iraq, đề nghị chính phủ Iraq ngừng yêu cầu hỗ trợ từ liên quân do Mỹ dẫn đầu chống IS.

“Chính phủ Iraq cần làm việc để chấm dứt mọi sự hiện diện của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ Iraq và ngăn họ dùng vùng đất, vùng trời và vùng biển của chúng ta vì bất kỳ lý do gì”.

Điều đó cho thấy, giới chính trị cầm quyền ở Iraq đã quyết tâm mời Mỹ và các đồng minh của Mỹ rời khỏi Iraq, sau khi Washington tự tung tự tác hành động, xem đất nước Iraq như chốn không người.

Song đáp lại yêu cầu của Baghdad, Washington đã thể hiện lập trường cứng rắn, khi từ Nhà Trắng đến Lầu Năm Góc đều khẳng định Mỹ chưa có kế hoạch rút quân đội khỏi Iraq, Mỹ chưa muốn rời khỏi Iraq.

My bi moi ra khoi Iraq: Dau chu khong chi that bai
Chính sách đối ngoại kiểu Búa-Đinh của Trump khiến cho nước Mỹ bất an hơn

Thậm chí Tổng thống Trump còn đe doạ trừng phạt nặng nề với Iraq nếu Baghdad cứ khăng khăng đòi Mỹ rút quân trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran nóng lên từng giờ sau khi Mỹ sát hại tướng Soleimani.

Như vậy, quân đội Mỹ vẫn sẽ ở lại Iraq, Mỹ vẫn sẽ hiện diện tại Iraq. Tuy nhiên, với những chuyển động lệch pha giữa Baghdad và Washington, rõ ràng vị thế và tư cách của Mỹ ở Iraq đã thay đổi. Đó chính là vị thế và tư cách của khách không mời.

Có thể thấy, sau khi lật đổ chế độ Saddam Hussein, Mỹ hiện diện tại Iraq đều trong vị thế và tư cách của khách được mời. Bởi sự hiện của Mỹ tại Iraq đều dựa trên thoả thuận giữa Baghdad và Washington, dù là đảm bảo an ninh hay phối hợp chống IS.

Mỹ trở thành khách không mời ở Iraq, nỗi đau chứ không chỉ là thất bại

Việc Mỹ ngày càng thất thế trước Iran trong thể hiện tầm ảnh hưởng với cả đời sống chính trị lẫn đời sống xã hội Iraq là thất bại không thể phủ nhận của công cuộc “xoá độc tài-geio dân chủ” mà Washington đã tiến hành tại Iraq.

Tuy nhiên, việc Mỹ bị Iraq biến thành khách không mời thì không chỉ là thất bại của Washington, mà đó là nỗi đau của nước Mỹ. Đáng nói là Washington càng quyết ở lại Iraq thì lại nước Mỹ lại càng đau, đơn giản là Mỹ từ chủ tiệc trở thành kẻ ăn chực.

Theo giới phân tích, Washington chuẩn bị cho ván cờ Iraq rất kỹ lưỡng, chứ không chỉ là bắt đầu bằng “xoá độc tài” Saddam Hussein và “gieo dân chủ” cho Iraq thời hậu Saddam. Điều đó thể hiện qua quá trình nâng cao vị thế cho người Kurd ở Iraq.

Có thể thấy, việc dựa vào Nghị quyết 688 của LHQ, tước bỏ quyền kiểm soát của Saddam Hussein đối với người Kurd qua việc lập vùng cấm bay ở bắc Iraq, là nước đi khởi phát hoàn hảo của Washington.

Cùng với đó là buộc Iraq bồi thường chiến tranh cho Kuwait nhưng phải thực hiện trong bối cảnh bị cấm vận. Thực tế đó đã làm cho Iraq kiệt quệ và chính điều này đã khiến cho nền tảng quyền lực của Tổng thống Sasddam Hussein không thể bền vững.

Có thể nhận diện, đây chính là tiền đề cực kỳ quan trọng giúp cho việc “xoá độc tài” Saddam Hussein trở dễ dàng hơn với Washington và cũng tạo cơ sở tốt nhất cho việc “gieo dân chủ” Mỹ.

Rõ ràng, Mỹ là chủ bàn tiệc Iraq thời hậu Saddam Hussein và các món đãi, dù là đặc sản hay hổ lốn, cũng là theo ý của Washington. Sự quyết liệt của Washington trong thời gian đầu đã khiến nhiều thực khách bỏ đi, để cho Mỹ độc chiếm bàn tiệc.

My bi moi ra khoi Iraq: Dau chu khong chi that bai
Mỹ từ chủ tiệc dần biến thành kẻ ăn chực trong bàn tiệc Iraq

Nhưng vì Mỹ có nhiều sai lầm nên thực đơn đã phải làm lại và bàn tiệc Iraq không còn thuộc quyền độc chiếm của Mỹ nữa, dần dà rồi Mỹ trở thành thực khách từ lúc nào không biết. Song dù sao đi nữa thì Mỹ vẫn còn là thượng khách của Baghdad.

Tuy nhiên, khi Quốc hội Iraq thông qua nghị quyết kêu gọi Mỹ rút quân, không được sử dụng lãnh thổ Iraq cho bất cứ mục đích gì thì rõ ràng Washington đã không còn là thực khách nữa. Trong trường hợp này, nếu ở lại thì Mỹ chỉ là kẻ ăn chực mà thôi.

Mà với vị thế của kẻ ăn chực thì càng ngồi lâu trong bàn tiệc càng nhục. Có thể chính quyền Mỹ vì muốn thực hiện mưu đồ của mình nên không xem nặng điều này, nhưng với người dân Mỹ thì đây thực sự là nỗi hổ thẹn.

Có lẽ giới hoạch định chiến lược của nước Mỹ không thể hình dung tới lúc Mỹ phải rơi hoàn cảnh trớ trêu như thế này ở Iraq. Cả sức mạnh Mỹ, lợi ích Mỹ, giá trị Mỹ đều không thể giúp làm thay đổi vị thế cho nước Mỹ trong hoàn cảnh trớ trêu này.

Ngọc Việt/DVO

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều