+
Aa
-
like
comment

Mỹ bẻ xương sống, Trung Quốc lỳ đòn?

21/10/2019 07:56

Mỹ tung đòn nhắm vào những con chim đầu đàn của Trung Quốc trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bảo mật không gian mạng và dữ liệu tin học.

Bắn hạ chim đầu đàn công nghệ

Ngày 10/10, Bộ Thương mại Mỹ đưa 8 tập đoàn công nghệ cùng 20 cơ quan nhà nước của Trung Quốc vào “danh sách đen”. Giới phân tích cho rằng đòn trừng phạt mới này nhắm vào các quyền lợi của Bắc Kinh trước hết là vì mục tiêu kinh tế. Đây là một bước kế tiếp của Mỹ trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Trong số 28 doanh nghiệp trong tầm ngắm của Bộ Thương mại Mỹ, có 8 công ty trong lĩnh vực công nghệ cao, là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn của Mỹ: Dahua Technology, Hikvision, iFlytek, Megvii Technology, SenseTime Technology, YITU Technology, Wuhan Yixin Technology và Xiamen Meiya Pico.

Đây là những con chim đầu đàn của Trung Quốc trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bảo mật không gian mạng và dữ liệu tin học, hay là “những tên tuổi” trên thị trường giám sát video, nhận diện khuôn mặt.

My be xuong song, Trung Quoc ly don?
Các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei nằm trong tầm ngắm của Mỹ

Các doanh nghiệp như Megvii hay YITU đang là những ngôi sao sáng của Trung Quốc trong lĩnh vực nhận diện khuôn mặt. Nhờ có sự hỗ trợ của tập đoàn Alibaba, Megvii đã phát triển nhiều ứng dụng trong nhiều lĩnh vực tại Trung Quốc, từ dịch vụ thanh toán tiền qua điện thoại thông minh cho đến chức năng nhận diện các đối tượng bị công an theo dõi. YITU không chỉ nhận diện khuôn mặt mà tương tự như iFlytek còn nhận ra cả giọng nói của các đối tượng cần nhắm tới.

Riêng công ty Xiamen Meiya Pico thì chuyên về các dịch vụ thu thập dữ liệu điện tử, bảo mật không gian mạng và thông tin dữ liệu lớn.

Về phần Hikvision, công ty có trụ sở ở Hàng Châu này là một trong những nhà cung cấp trang thiết bị theo dõi qua video lớn trên thế giới. Gần 1/3 doanh thu của tập đoàn trong năm 2018 có được là nhờ các hợp đồng làm ăn với nước ngoài.

SenseTime là một công ty khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, phát triển phần mềm cho phép nhận diện khuôn mặt. Ba cổ đông chính của SenseTime là tập đoàn ngân hàng Nhật Bản Softbank, Alibaba của Trung Quốc và tập đoàn sản xuất rệp điện tử của Mỹ Qualcom.

My be xuong song, Trung Quoc ly don?
Mỹ quyết chặn tham vọng “Made in China 2025” của Trung Quốc

Trong kế hoạch “Made in China 2025”, Bắc Kinh đã đề ra mục tiêu dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo. Quyết định của Nhà Trắng đưa các công ty này vào danh sách đen, dẫn tới hậu quả trước mắt là các tập đoàn nói trên bị cấm mua trang thiết bị của Mỹ và điều đó gây trở ngại cho đà phát triển của các con chim đầu đàn Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao.

Theo giới phân tích, Mỹ lo ngại khi thấy Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ cao, vào trí tuệ nhân tạo và lo sợ bị qua mặt. Mỹ sử dụng nhiều chiến lược cùng một lúc. Một mặt, Tổng thống Trump đe dọa tăng thuế nhập khẩu, áp dụng các hàng rào quan thuế để “tấn công” vào đối phương. Mặt khác, Mỹ viện lý do an ninh để hạn chế các khoản giao dịch giữa các công ty Mỹ với các hãng của Trung Quốc, qua đó gia tăng áp lực với Bắc Kinh.

Trung Quốc sẽ lỳ đòn chịu trận?

Trong khi đó, giới phân tích Mỹ cho rằng mục tiêu của Tổng thống Trump không chỉ dừng lại ở lĩnh vực công nghệ cao mà còn hướng tới nhiều đích ngắm khác. Xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 3,2% trong tháng 9, tháng thứ 5 liên tiếp chứng kiến xuất khẩu sụt giảm. Lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm, cho thấy đà tiêu dùng trong nước cũng đi xuống. Đó là tin xấu với Bắc Kinh, nhất là khi sản lượng công nghiệp tháng 8 tăng ở mức thấp nhất trong vòng hơn 17 năm qua.

Sau vòng đàm phán thứ 13 vừa qua tại Washington, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thương mại “Gia đoạn 1”. Tờ The Hill của Mỹ nhận định đây là thắng lợi dành cho Mỹ bởi Trung Quốc đã nhất trí mua hàng nông sản Mỹ trị giá từ 40 đến 50 tỷ USD. Giới quan sát cho rằng con số này là không hề nhỏ nếu như so sánh với năm 2018 khi nông sản Mỹ xuất sang Trung Quốc chỉ đạt 16,3 tỷ USD.

My be xuong song, Trung Quoc ly don?
Thương chiến khiến xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm mạnh

Những “thắng lợi” khác được người Mỹ chú ý là việc Bắc Kinh cam kết sẽ bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu trí tuệ; nhất trí thiết lập các văn phòng ở cả Bắc Kinh và Washington để giải quyết các tranh chấp nảy sinh giữa hai nước.

Đặc biệt, The Hill cho rằng cuộc chiến thương mại đã giúp các tập đoàn của Mỹ giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đa dạng các cuỗi cung ứng của mình bằng cách tìm đến các thị trường ở châu Á và châu Âu. Nói cách khác, cuộc chiến thương mại đã giúp ngăn cản các công ty Mỹ phụ thuộc vào một quốc gia “bất tín”.

Hiện có ý kiến cho rằng căn cứ vào thỏa thuận bất ngờ mang tên “Giai đoạn 1”, cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Trump phát động với Mỹ khó có khả năng sớm kết thúc. Trên thực tế, thỏa thuận này chỉ là một cái bắt tay mà không có gì cụ thể được ký kết.

Mỹ đã hoãn đợt tăng thuế mới đã được lên kế hoạch từ 25% lên 30% áp lên 250 tỷ USD hàng xuất khẩu của Trung Quốc nhưng vẫn để ngỏ về mức áp thuế 15% với 160 tỷ USD hàng Trung Quốc dự kiến có hiệu lực vào tháng 12 này.

My be xuong song, Trung Quoc ly don?
Trung Quốc quyết đối đầu bất chấp hậu quả?

The New York Times dẫn ý kiến chuyên gia cho rằng, ông Trump đã nhiều lần tấn công Trung Quốc bằng việc tăng thuế, kích động sự trả đũa, kéo theo đó là các cuộc thảo luận và đàm phán rốt cuộc không đi đến đâu mà chỉ có thêm các lời đe dọa tăng thuế được đưa ra.

Bloomberg thì nhận định: “Niềm tin giữa hai bên đã hứng chịu một đòn mạnh hồi tháng 5/2018 khi ông Trump chấm dứt một thỏa thuận cho phép Trung Quốc mua thêm năng lượng và nông sản để giảm bớt thâm hụt thương mại, gây ra tình trạng như thời gian qua”.

Còn Reuters dẫn lời giới chuyên gia thương mại và phân tích thị trường Trung Quốc nhận định khả năng cao là hai bên sẽ không đạt được đồng thuận về bất kỳ nội dung cụ thể nào khi ông Trump và ông Tập Cận Bình gặp nhau vào giữa tháng 11 này.

Ngay cả khi Washington và Bắc Kinh đạt được đồng thuận nào đó thì Trung Quốc sẽ ít có xu hướng chịu thuận theo những nhượng bộ vốn cần thiết để hai bên đi tới “Giai đoạn 2” khó khăn hơn của các vòng đàm phán. Thay vào đó, Bắc Kinh sẽ chọn “sống chung” với các đòn trừng phạt của Washington.

Thành Minh/Đất Việt

Bài mới
Đọc nhiều