+
Aa
-
like
comment

Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam: Con số hợp đồng nói lên tất cả

10/12/2020 12:29

Trên trang BBC gần đây “tiết lộ” giá trị hợp đồng của các công ty Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam. Theo BBC thì Chính phủ Mỹ đã duyệt các hợp đồng mà các công ty bán vũ khí cho nước ngoài là 175 tỉ USD trong năm tài chính 2020. Còn hợp đồng do chính phủ Mỹ dàn xếp trực tiếp thì có giảm, từ 55,39 tỉ năm 2019 xuống thành 50,78 tỉ năm 2020. Trong khi đó các hợp đồng quân sự Mỹ bán cho Việt Nam trong năm tài chính 2020 được tăng lên là 38,4 triệu USD. Con số này năm 2019 là hơn 14 triệu USD và năm 2018 là hơn 11,6 triệu USD; năm 2017 là 13,9 triệu USD và 2016 là 20 triệu USD.

Mỹ từng chào mời Việt Nam mua tiêm kích F-16 (Ảnh minh họa)

Như người ta thường nói: “các con số biết nói”, vậy các con số này nói lên điều gì?

Thứ nhất, độ chính xác của các con số trên có thể là chưa xác định được thế nhưng, có thể thấy quan hệ về An ninh, Quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam ngày càng tăng lên theo thời gian. Được biết, hiện nay sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã có Văn phòng tùy viên Quân sự hỗ trợ trong việc phối hợp thực hiện chính sách quân sự. Đồng thời cũng phối hợp với các hoạt động về an ninh giữa quân đội Mỹ và quân đội Việt Nam tại các diễn đàn cũng như trong các lĩnh vực hoạt động quân sự thực tế.

Thứ hai, các con số ở trên cho thấy Việt Nam ngày càng quan tâm đến lĩnh vực An ninh, Quốc phòng…Thiết nghĩ Việt Nam không phải vô cớ mà tăng chi tiêu cho lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Trên internet nhiều tài khoản cho rằng, Việt Nam chi không ít tiền cho lĩnh vực này, trong khi kinh tế vẫn khó khăn là vì tình hình ở Biển Đông trong thời gian gần đây có xu hướng “nóng” lên. Trong những tháng qua, Trung Quốc đã nhiều lần đưa tàu hải cảnh vào vùng thềm lục địa của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Gần đây, Trung quốc còn đưa dàn khoan vào Biển Đông, tiếp đó còn tiến hành tập trận ở gần khu vực mà họ đã đặt dàn khoan.

Còn về phía Mỹ, theo đề xuất của Chính phủ, hai viện đang xem xét việc bán vũ khí cho các đối tác, trong đó có Việt Nam. Theo quy định của pháp luật để được mua vũ khí Mỹ, Chính phủ nước ngoài có thể thông qua hai phương thức: 1- Trao đổi trực tiếp qua các hợp đồng thương mại giữa Chính phủ với công ty. 2- Chính phủ các quốc gia liên hệ với sứ quán Mỹ tại các nước. Cả hai phương thức này đều đòi hỏi phải có sự đồng ý của Nhà Trắng.

Bình luận về các quốc gia tăng cường mua vũ khí Mỹ, một số chuyên gia cho rằng “Các con số tài chính (của các hợp đồng) này tuy còn khiêm tốn nhưng cho thấy quan hệ về an ninh, quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam ngày càng tăng lên theo thời gian”. Về chủ đề này, trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt, nhiều nhà chính trị tầm vóc quốc tế, trong đó có GS Carl Thayer và David Hutt cho rằng: Chính quyền Biden, vẫn sẽ duy trì thái độ chính trị dựa trên tình trạng “căng thẳng Mỹ-Trung” như trong thời gian trước đây. Tuy nhiên ông Biden (tổng thống mới của Mỹ) sẽ tiếp cận thách thức của Trung Quốc bằng phương thức khác: Ông chủ trương “thu hút đồng minh để cùng hợp tác đối phó với Bắc Kinh, thay cho cách hành xử đơn phương, “một mình một ngựa”, của Tổng thống Trump”.

Về quan hệ chính trị – quân sự giữa Mỹ và Việt Nam – sau khi tuyên bố bình thường hóa, 1995 hai nước đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Còn nhớ vào tháng 7/2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có chuyến thăm Hoa Kỳ. Trong chuyến thăm này hai bên xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện.

Quan hệ này có nghĩa hai bên có thể hợp tác với nhau trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả an ninh, quốc phòng. Thiết lập quan hệ đối tác toàn diện là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai giữa hai quốc gia.

Tiếp đó, tháng 7/2015 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm Mỹ. Đây là dấu mốc chính trị đặc biệt, hiếm có. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội kiến, hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng. Trên cương vị người đứng đầu hai quốc gia, hai nguyên thủ đã ra “Tuyên bố chung về Tầm nhìn trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ”. Tuyên bố có đoạn viết: “Việc thực hiện tốt, đầy đủ và không ngừng làm sâu sắc, phong phú thêm quan hệ đối tác toàn diện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau là cơ sở để xây dựng lòng tin, tiến tới đưa quan hệ phát triển lên một tầm cao mới”.

Về mặt quân sự, đáng chú ý là tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã có chuyến thăm cảng Đà Nẵng vào ngày 09/03/2020. Sự kiện này nói lên quan hệ Việt Nam – Mỹ không chỉ là về dân sự, mà còn cả quan hệ quân sự.

Nhiều nhà nghiên cứu chính trị cho rằng, quan hệ Việt Nam – Mỹ đã “sang một trang mới”. Đây là sự “gặp gỡ” về chính trị giữa hai quốc gia trong việc ứng phó với với những thách thức mới dựa trên: 1) Lợi ích của mỗi nước; 2) Vì ứng phó với những thách thức về hòa bình, an ninh, an toàn ở Biển Đông. 3) Vì hòa bình, hợp tác quốc tế – là xu hướng chung của thời đại.

Có người cho rằng, thách thức chủ yếu hiện nay của Việt Nam và nhiều quốc gia trong khu vực là từ tham vọng bá quyền của Trung quốc trên Biển Đông. Khu vực Biển Đông không chỉ là thềm lục địa đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều quốc gia khác. Đó còn là con đường biển, đường hàng không quan trong bậc nhất khu vực này.

Việc các công ty Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam là một thông điệp mới của cả bên bán và bên mua trước thách thức về chủ quyền và quyền tự do hàng hải, hàng không qua Biển Đông của nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ. Có người còn cho rằng, với Mỹ – một nước lớn, hơn nữa còn là một quốc gia thành viên thường trực Hội đồng bảo an càng không thể chấp nhận việc Trung Quốc độc chiếm Biển Đông được.

Thành Nam

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều