Mỹ áp thuế “trừng phạt” 50% với Brazil, 7 nước khác 20–30%
Chưa đầy một tháng sau khi tuyên bố sẽ mở rộng chính sách “thuế đối ứng toàn cầu”, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến cả thị trường quốc tế chao đảo khi chính thức thông báo áp mức thuế nhập khẩu lên tới 50% đối với hàng hóa từ Brazil, cùng mức thuế 20–30% với bảy quốc gia khác bao gồm Philippines, Brunei, Moldova, Algeria, Iraq, Libya và Sri Lanka. Động thái này không chỉ là đòn đánh vào kinh tế mà còn là một tuyên ngôn ngoại giao mang nhiều tầng ý nghĩa, đánh dấu sự leo thang chưa từng có trong chính sách thương mại của Mỹ.

Việc Brazil là quốc gia duy nhất phải chịu mức thuế “cao chót vót” 50% không đơn thuần chỉ vì lý do kinh tế. Tổng thống Trump trong tuyên bố đăng tải trên Truth Social đã liên kết mức thuế này với việc Brazil đang tiến hành xét xử cựu Tổng thống Jair Bolsonaro – đồng minh thân cận của ông Trump. Ông gọi đây là “cuộc săn phù thủy chính trị” và khẳng định “sự can thiệp bất hợp pháp vào tự do ngôn luận là điều không thể chấp nhận”. Điều này cho thấy yếu tố chính trị nội bộ và cá nhân đang ngày càng chi phối chính sách thuế của chính quyền Trump, mở rộng khái niệm “thuế đối ứng” từ cán cân thương mại sang cả… quan điểm tư pháp.
Phản ứng từ phía Brazil không để chậm trễ. Chính phủ của Tổng thống Lula da Silva lên tiếng chỉ trích quyết định của Mỹ là “vô lý, không thể chấp nhận được” và tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả phù hợp nhằm bảo vệ nền kinh tế và chủ quyền tư pháp của mình. Trên thị trường tài chính, đồng real lập tức mất giá hơn 2% so với USD – dấu hiệu đầu tiên cho thấy hệ lụy có thể lan rộng.
Philippines, Brunei, Moldova, Algeria, Iraq, Libya và Sri Lanka cũng bị đưa vào danh sách “thuế đối ứng”, với các mức từ 20% đến 30% tùy loại hàng hóa. Không quốc gia nào trong số này có mâu thuẫn công khai với Mỹ, cho thấy các tiêu chí áp thuế ngày càng thiếu nhất quán, khó lường và dễ đẩy quan hệ song phương vào trạng thái căng thẳng bất ngờ. Đặc biệt, nhiều nước trong nhóm này có nền kinh tế nhỏ và phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, nên các mức thuế mới có thể đẩy họ vào tình thế bất ổn vĩ mô nghiêm trọng.
Tác động tới thị trường và xu hướng toàn cầu
Không chỉ là hành động mang tính trừng phạt, các mức thuế mới còn là một phần trong chiến lược tái định hình hệ thống thương mại toàn cầu theo hướng “nước Mỹ trên hết”. Các nhà phân tích cảnh báo, làn sóng thuế này có thể dẫn đến phản ứng dây chuyền: lạm phát tăng, hàng hóa nhập khẩu đắt đỏ hơn, các chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đặc biệt trong các ngành nông sản, khoáng sản và linh kiện điện tử. Đây là những lĩnh vực mà Brazil và các nước bị ảnh hưởng giữ vai trò quan trọng.
Tuy vậy, các doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ cũng không khỏi lo lắng. Việc áp thuế cao có thể làm tăng chi phí sản xuất trong nước, dẫn đến giá thành sản phẩm cao hơn, khiến sức cạnh tranh toàn cầu của hàng Mỹ suy giảm. Một số hiệp hội thương mại Mỹ đã lên tiếng kêu gọi chính quyền cân nhắc lại “tính hiệu quả thực tế” của chính sách thuế nếu xét về dài hạn.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang, Việt Nam nổi bật lên như một ví dụ điển hình về chiến lược đối thoại khôn ngoan. Chỉ vài ngày trước thời hạn Mỹ dự kiến tăng thuế vào ngày 9/7, Việt Nam đã kịp đạt thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ, qua đó giảm mức thuế áp dụng với hàng hóa Việt Nam từ 46% xuống còn 20%. Đồng thời, Việt Nam cam kết miễn thuế hoàn toàn cho hàng hóa Mỹ, bao gồm cả ô tô động cơ lớn – một bước đi thể hiện tinh thần “hợp tác có đi có lại”.
Chính sách thuế của ông Trump đang đặt nhiều quốc gia vào thế bị động, nhưng cũng mở ra cơ hội cho những nước biết đón đầu và thương lượng kịp thời. Việt Nam đã làm được điều đó bằng cách chủ động đàm phán, chuẩn bị kỹ lưỡng và thể hiện sự nhất quán từ cấp cao nhất. Trong một thế giới nhiều bất ổn, đây không chỉ là bài học kinh tế mà còn là chỉ dấu về bản lĩnh chính trị và năng lực thích ứng chiến lược.
Các mức thuế mới của Mỹ đang tạo ra một cơn địa chấn thương mại toàn cầu. Điều đáng lo ngại là ranh giới giữa biện pháp kinh tế và đòn trừng phạt chính trị ngày càng mờ nhạt, khiến hệ thống thương mại quốc tế đối mặt với nhiều rủi ro không thể kiểm soát bằng các quy tắc thông thường. Trong bức tranh đó, sự nhạy bén và chủ động của Việt Nam không chỉ giúp bảo vệ nền xuất khẩu mà còn khẳng định vị thế của một quốc gia biết ứng xử thông minh trong thời đại bất định.
Như Phương