Mỹ, Anh, Úc hợp tác đóng tàu ngầm hạt nhân, Trung Quốc “căng thẳng”
Với thỏa thuận AUKUS rạng sáng 16-9, Úc sẽ có một hạm đội tàu ngầm công nghệ Mỹ và sự hỗ trợ khác từ Anh. Ngay sau đó, Trung Quốc lập tức phản ứng “gắt” dù 3 nước không nhắc gì đến quốc gia này trong lễ công bố.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Úc Scott Morrison và người đồng cấp Anh Boris Johnson đã có cuộc họp trực tuyến ba bên ngày 16-9. Thỏa thuận ba bên về hợp tác quốc phòng, gọi tắt là AUKUS, cũng được công bố trong sự kiện.
Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ cung cấp cho Úc công nghệ và khả năng triển khai các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh Úc sẽ không có vũ khí hạt nhân, nhưng quân đội Úc sẽ sử dụng hệ thống đẩy năng lượng hạt nhân cho các tàu ngầm, để đề phòng các “mối đe dọa trong tương lai”.
Theo Thủ tướng Úc Morrison, các tàu ngầm sẽ được đóng ở Adelaide (Úc) dưới sự hợp tác chặt chẽ với Mỹ và Anh. Ông nhấn mạnh Úc sẽ tiếp tục tuân thủ các hiệp ước quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Thủ tướng Anh Johnson gọi thỏa thuận nâng cấp hạm đội tàu ngầm Úc là “một trong những dự án phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật cao nhất trên thế giới”. Các bên sẽ tiếp tục phối hợp, làm việc về vấn đề này trong 18 tháng tới.
Các quan chức Mỹ cho biết động cơ đẩy hạt nhân sẽ cho phép tàu ngầm hải quân Úc hoạt động yên tĩnh hơn, lâu hơn và tạo ra khả năng răn đe đáng kể tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ngoài tàu ngầm hạt nhân, hợp tác Mỹ – Úc – Anh trong khuôn khổ AUKUS còn bao gồm các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và không gian mạng.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ nhận định việc Washington giúp Úc phát triển tàu ngầm hạt nhân là một động thái rất đặc biệt. Theo quan chức này, từ trước đến nay Vương quốc Anh là nước duy nhất được Mỹ hỗ trợ xây dựng hạm đội tàu ngầm hạt nhân.
“Công nghệ này cực kỳ nhạy cảm. Việc hỗ trợ Úc có thể là một ngoại lệ đối với Mỹ”, quan chức trên khẳng định và cho rằng sẽ không có ngoại lệ nào khác sau lần này.
Hãng thông tấn AFP bình luận mặc dù 3 nhà lãnh đạo không đề cập đến Trung Quốc khi công bố AUKUS, ý định và mục tiêu mà họ nhắm đến là rất rõ.
“Tất cả chúng ta đều nhận thấy sự cấp thiết của việc đảm bảo hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong dài hạn”, Tổng thống Biden lập luận trong cuộc họp.
Đồng quan điểm, Thủ tướng Úc Morrison nhấn mạnh: “Thế giới của chúng ta đang trở nên phức tạp hơn, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Điều này ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Tương lai của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ ảnh hưởng đến tương lai của tất cả”.
Thủ tướng Anh Johnson thì nhấn mạnh London sẽ làm việc cùng với các nước để “chung tay duy trì sự ổn định và an ninh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Thỏa thuận 3 bên đã khiến Trung Quốc tức giận. Bắc Kinh luôn cảnh giác với các chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của phương Tây, cho rằng đây là cách để những nước này tăng cường hiện diện quân sự tại các khu vực xung quanh Trung Quốc.
Trong thông cáo ngày 16-9, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ phản đối sự hợp tác và cho rằng Mỹ, Anh, Úc đang nhắm vào nước này. “Các quốc gia nên rũ bỏ tâm lý chiến tranh Lạnh và định kiến về ý thức hệ”.
Naval Group, tập đoàn đang đàm phán đóng các tàu ngầm thông thường cho Úc, cũng thể hiện sự thất vọng. Thỏa thuận đóng 12 tàu ngầm trị giá 31 tỉ euro, vốn được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thúc đẩy, đang đứng trước bờ vực bị hủy bỏ.
Tổng thống Mỹ Biden dường như đã cố gắng xoa dịu Naval Group và chính quyền Paris. Ông mô tả Pháp là “đối tác và đồng minh quan trọng” ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong lễ công bố AUKUS.
Bảo Duy