MV Sơn Tùng đi quá xa như thế nào?
Ra mắt đêm 28/4, rạng sáng 29/4, MV mới sau một thời gian im lặng của Sơn Tùng M-TP có tên “There’s no one at all” lập tức đạt hơn 5 triệu lượt xem. Nhưng chính số lượt xem đó cùng nội dung MV đang cho thấy Tùng đang “đi xa quá”.
Không phủ nhận, Sơn Tùng M-TP đang là nam ca sỹ ăn khách nhất Việt Nam hiện nay khi anh có thể dễ dàng kiếm chục triệu lượt xem trong vòng 1 ngày trong khi nhiều nghệ sỹ khác vật vã mới có thể đạt được con số vài chục ngàn. Nhưng có vẻ chính tầm ảnh hưởng ấy, cùng với sự ngông cuồng tuổi trẻ của một ca sỹ được người hâm mộ gọi là “sếp” đã khiến Tùng không có được suy nghĩ sâu sắc và thấu đáo khi tung ra sản phẩm mới mang tên “There’s no one at all” mới đây.
Lần đầu tiên thử sức hát bằng tiếng Anh, Tùng đã tạo ra sự tò mò lớn khi MV vẫn còn trong thời kỳ quảng bá bằng những đoạn teaser ngắn. Và khi MV chính thức ra mắt, lượng người xem đông đảo đã bị ngợp bởi khung hình đẹp, tạo hình nhân vật thời thượng, ánh sáng tốt, ca khúc nghe có vẻ bắt tai. Tuy vậy, sau những khen ngợi chưa được vài tiếng đồng hồ, chỉ trích đã dấy lên bởi MV của Sơn Tùng lần này kết bằng cảnh một học sinh trung học nhảy lầu tự vẫn.
Giữa bao nhiêu ồn ào của các vụ học sinh tự tử gần đây, khi nỗi đau riêng và chung chưa kịp nguôi, việc một MV ca nhạc có khả năng thu hút hàng chục triệu lượt xem được đăng tải trên một kênh youtube gần 10 triệu lượt đăng ký mà lại có cảnh nhảy lầu tự vẫn rõ ràng là vô cùng phản cảm. Sơn Tùng, trong vai một nam sinh trung học kiểu Hàn Quốc nổi loạn, sẵn sàng phá phách, chọc giận bất kỳ ai xung quanh vô cớ và ngang tàng, đã chọn con đường tiêu cực nhất.
Thử hỏi, liệu có ai dám chắc rằng 100% trong số 10 triệu thành viên đăng ký kênh của Sơn Tùng M-TP và vô vàn fans hâm mộ cuồng nhiệt của ca sỹ gốc Thái Bình này (mà đa số đều ở tuổi thiếu niên) sẽ không ai bị ảnh hưởng tiêu cực từ chính hình ảnh phản cảm ấy? Đặc biệt là khi đối tượng bị ảnh hưởng lại đang trong trạng thái trầm cảm hoặc tâm lý bất ổn.
Trong MV, có cảnh khi bị bắt, nhân vật nam nhìn một đứa trẻ đứng đó và đôi mắt có chùng lại. Câu hỏi đặt ra là tại sao MV không đi đến một cái kết khác tích cực hơn sau ánh nhìn thức tỉnh này?
Rõ ràng, sự cố ý đi đến tiêu cực là có chứ không hẳn chỉ là một ngẫu hứng sáng tạo vô tình. Nếu đã viết được kịch bản đến chỗ đôi mắt nhìn có sự chững lại tĩnh tâm, chắc chắn có thể dẫn dắt đến một kết cục hoàn toàn được dư luận chấp nhận.
Trên facebook cá nhân của mình, thầy Đàm Quang Minh đang công tác tại đại học FPT đã công khai kêu gọi “Sơn Tùng M-TP vừa ra một clip hoàn toàn không phù hợp cho giới trẻ và hiện đã được rất nhiều người xem. Mình kêu gọi mọi người hãy report để loại bỏ clip này ra khỏi các kênh như YouTube hoặc kênh được nhiều bạn trẻ tiếp cận.
Clip THERE’S NO ONE AT ALL của Sơn Tùng M-TP là một clip kể về bạn trẻ nổi loạn cuối cùng đã chọn cách tự kết liễu cuộc sống của chính mình. Rất mong ai quen biết khuyên Tùng tự gỡ bỏ và có lời xin lỗi công khai. Tùng là một nghệ sĩ có tài và có rất nhiều bạn trẻ thần tượng. Rất mong Tùng có thể hành động kịp thời trước khi mọi việc đi quá xa.”. Đây là một kêu gọi dũng cảm, có lương tri của một người làm thầy và không dám e ngại lực lượng fans hùng hậu của Sơn Tùng M-TP sẽ phản ứng tiêu cực như báo cáo vô hiệu hoá tài khoản facebook cá nhân.
Việc MV gây tranh cãi của Sơn Tùng còn cho chúng ta một suy ngẫm đáng giá hơn ở thời đại này. Đó là nếu như ở thời chưa có youtube, facebook hay các nền tảng chia sẻ video như hiện nay, nếu MV này muốn ra mắt phải qua kiểm duyệt của cơ quan văn hoá và chắc chắn đoạn kết tiêu cực sẽ bị yêu cầu gỡ bỏ. Nhưng ở thời đại ai cũng đăng video được như hiện nay, việc kiểm duyệt của các nền tảng gần như là cho có. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của quản lý nhà nước ở nhiều mặt, đặc biệt là ở khía cạnh văn hoá.
Sẽ có người bao biện rằng ở Mỹ và phương Tây đầy rẫy các MV có cảnh tự vẫn nhưng nên nhớ, văn hoá Mỹ và văn hoá Việt Nam là khác nhau, luật lệ mỗi nơi cũng khác và hơn nữa, hiện nay đang nhức nhối chuyện các em học sinh vì quá căng thẳng, trầm cảm đã có lựa chọn dại dột. Không thể áp nguyên mô hình một quốc gia khác, xã hội khác, văn hoá khác vào Việt Nam khi ta vẫn còn là công dân Việt Nam.
Và trên hết, câu hỏi đặt ra là “Có phải Sơn Tùng M-TP chủ động lấy câu chuyện xã hội (các em học sinh tự vẫn) để làm chất liệu câu lượt xem hay không?”. Nếu có sự chủ động này, e rằng Sơn Tùng đã đi quá xa và không còn xứng đáng là thần tượng của giới trẻ hiện nay nữa.
Văn Đoàn