Mưu đồ ẩn giấu sau thủ đoạn mượn vụ Hồ Duy Hải để công kích ngành Tư pháp
Những tranh luận về phán quyết của Hội đồng thẩm phán tối cao đưa ra tại phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải vẫn còn khá nóng bất kể trên mạng hay trong các cuộc trò chuyện trà đá vỉa hè. Đáng bàn là có một số người chỉ lướt web, đọc vài dòng chia sẻ trên mạng, có khi còn chưa đọc lấy một chữ trong bản cáo trạng vụ án đã liền thẳng tay chửi rủa, mạt sát cả hệ thống từ công an đến tòa án, mà không đưa ra bất cứ cơ sở khoa học nào chứng minh phán quyết chưa thỏa đáng. Thậm chí, không chỉ “đánh tráo” bản chất vụ án, họ còn chĩa mũi nhọn vào các thẩm phán, đời tư của họ để hạ uy tín cá nhân. Đáng nghi ngại hơn khi những ngày qua xuất hiện khá nhiều thông tin thêu dệt, đơm đặt bí mật đời tư, bình phẩm, xuyên tạc nhân phẩm, đạo đức lối sống của chánh án Nguyễn Hòa Bình. Khiến không ít người phải đặt dấu hỏi? Vụ án Hồ Duy Hải – công lý hay con cờ cho người khác quấy phá?
Hải có tội hay không người viết chưa bao giờ dám phán xét, nhưng nói thẳng phải thành thật chia buồn cùng Hải và gia đình vì gặp phải cánh “dân chủ phán” một hai cho rằng, phán quyết chưa thỏa đáng vậy nhưng lại chẳng dùng lý lẽ, cơ sở khoa học để nói chuyện mà quanh đi quẩn lại chỉ mấy bài viết thấm đẫm xót thương cho Hải như điều chúng đã làm trước đó với Lê Đình Kình.
Nếu cho rằng phán quyết chưa thỏa đáng thì chí ít cũng phải chỉ ra không thỏa đáng chỗ nào, vì sao? Đằng này lại không hề, thậm chí còn dùng cả thủ đoạn “đánh dưới thắt lưng” hết dựng chuyện là tranh giành ghế quyền lực, lại cố tình đăng tải những hình ảnh về nhân thân ông ấy, kể cả hình ảnh cá nhân ông Bình và gia đình để vẽ vời, thêu dệt, đơm đặt đủ chuyện. Sợ nhất mấy ông kiểu “dân chủ phán” như Nguyễn Quang A, khi mạnh miệng tuyên bố: “Hải có oan không? không biết! Nhưng phải thả hải”. Tạ ơn thần linh là các vị ấy không làm quan tòa chứ kiểu này có khi hơn nửa dân số Việt Nam đi tù chứ chẳng chơi!
Đúng hay sai trọng vụ án tử tù Hồ Duy Hải đã và sẽ dần được làm sáng tỏ. Không thể phủ nhận tính chất đặc biệt nghiêm trọng và mức độ phức tạp của vụ án, trong đó có sai sót của cơ quan tố tụng địa phương đã được chỉ ra trong kháng nghị và tại phiên tòa. Và nếu như quyết định giám đốc thẩm vẫn chưa tỏ tường, còn “điểm mờ” nào đó, thì vẫn còn những cánh cửa khác để bảo vệ sinh mệnh con người, nếu như thực sự có oan sai. Quốc hội sẽ là cơ quan cao nhất có quyền yêu cầu giám sát tối cao đối với bản án Hồ Duy Hải, có quyền yêu cầu Hội đồng thẩm phán một lần nữa xem lại bản án theo đúng trình tự pháp luật và hiến pháp.
Nói thẳng, các “dân chủ mạng” thôi trò tiếm danh hai chữ “công lý”. Bởi nếu thực tâm đấu tranh vì công lý (công lý cho cả 2 nạn nhân chứ không riêng cá nhân Hải) thì hành xử cho phải lẽ trượng phu chứ sao lại sử dụng mưu hèn kế bẩn. Tung một số bài viết, hình ảnh rồi trích dẫn bình luận, mục đích nhằm quy chụp, hướng lái người đọc hiểu sai vụ việc, bôi nhọ, công kích, hạ uy tín người này người kia, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Mục đích của những chiêu trò ấy mới nghe tưởng chỉ nhằm vào từng cá nhân đơn lẻ, nhưng xét cho cùng vẫn là nhằm đánh vào vai trò lãnh đạo của Đảng, để chống phá Đảng, chống phá chế độ. Dù thể hiện dưới hình thức nào thì những hành động ấy cũng không che giấu nổi tâm địa xấu xa của những phần tử cơ hội chính trị. Những hành vi đê hèn khi sử dụng các phương tiện truyền thông để đăng phát những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ nhằm xâm hại lợi ích của tổ chức, cá nhân xét về góc độ pháp lý là hành vi vi phạm pháp luật. Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành mới đây quy định rất rõ về mức xử phạt vi phạm này. Cụ thể:
Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Pháp luật Việt Nam bảo đảm quyền tự do ngôn luận của công dân, nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức xã hội. Việc lợi dụng tự do ngôn luận, tự do trên mạng để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, nói xấu, hạ thấp uy tín tổ chức và cá nhân, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Văn Dân