“Muôn trùng vây” giữa thị trường chứng khoán
Thời gian qua, các vụ án liên quan đến thị trường chứng khoán có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh và tình hình an ninh, trật tự.
Nhà đầu tư bị “bao vây”
Nhà đầu tư chứng khoán cần nắm bắt nhiều loại thông tin để đưa ra quyết định giao dịch. Thông tin đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra quyết định đầu tư, đặc biệt là đầu tư chứng khoán. Người có thể tiếp cận thông tin sớm hơn, chính xác hơn sẽ giành được lợi thế lớn và hầu hết họ sẽ trở thành người thắng cuộc trong đầu tư.
Thực tế, giá của cổ phiếu phụ thuộc nhiều vào kỳ vọng lợi nhuận, triển vọng hoạt động của doanh nghiệp cũng như sự biến động của các yếu tố có liên quan.
Do vậy, những thông tin như khả năng doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao hay thấp, ký kết các hợp đồng lớn hay không, động thái mua bán – sáp nhập (M&A), hay những rủi ro mà doanh nghiệp phải đối mặt sẽ được các nhà đầu tư xem xét như một dấu hiệu quan trọng để đưa ra quyết định mua/bán chứng khoán.
Đương nhiên, các nhà đầu tư đều muốn tiếp cận được những thông tin này nhanh hơn người khác. Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, vai trò của thông tin được thể hiện rất rõ khi mà tại các thời điểm có nhiều thông tin quan trọng, giá chứng khoán thường tăng/giảm mạnh và dao động trong biên độ hẹp vào các thời điểm có ít thông tin.
Các thông tin, dữ liệu giao dịch cổ phiếu, giao dịch khối ngoại, giao dịch khối tự doanh, sự biến động của giá trị vốn hóa… có giá trị định hướng đầu tư không nhỏ.
Báo cáo của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư cũng là một trong những kênh thông tin quan trọng đối với nhà đầu tư. Trong đó, xu hướng biến động của thị trường chứng khoán trong thời gian tới, các yếu tố thuận lợi, rủi ro thường được đề cập.
Tiếp cận được thông tin tốt là rất quan trọng, tuy nhiên, việc sử dụng hiệu quả thông tin còn quan trọng hơn. Việc xem xét báo cáo tài chính của các doanh nghiệp sẽ giúp nhà đầu tư biết được tình hình tài chính, hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Dù có rất nhiều lời kêu gọi, cảnh báo với thông tin tư vấn từ phía công ty chứng khoán, đặc biệt là thông tin trên các diễn đàn mạng, các hội nhóm, nhà đầu tư chỉ nên coi đó là nguồn mang tính chất tham khảo. Nhưng thực tế, rất nhiều nhà đầu tư chứng khoán hiện nay lại xem đây chỉ là kênh thông tin chính cho các lệnh mua/bán. Tâm lý Fomo cộng với sự thiếu hiểu biết đã bị lợi dụng một cách triệt để.
Thủ đoạn của FLC
Theo hồ sơ vụ án, Trịnh Văn Quyết là người sáng lập Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, đã chỉ đạo em gái là Trịnh Thị Minh Huế liên hệ với 45 người thân, họ hàng để làm các thủ tục thành lập, đứng tên 20 doanh nghiệp và mở 500 tài khoản chứng khoán, nhằm thực hiện hành vi thao túng chứng khoán, “thổi giá” cổ phiếu.
Thủ đoạn của các bị cáo là “bơm hạn mức” vào các tài khoản thiếu tiền để đặt lệnh mua cổ phiếu, sau đó Huế theo chỉ đạo của Quyết, dùng các tài khoản này liên tục mua bán cùng loại chứng khoán; mua bán với khối lượng lớn chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa và đóng cửa giao dịch; đặt lệnh mua, bán cổ phiếu, sau đó hủy lệnh…
Kết quả điều tra xác định, từ tháng 5/2017 đến tháng 1/2022, Trịnh Thị Thúy Nga đã chỉ đạo nhân viên cấp hạn mức khống cho các tài khoản do Huế quản lý, sử dụng tại Công ty cổ phần Chứng khoán BOS, với tổng số tiền lên tới hơn 170.000 tỷ đồng.
Huế đã sử dụng 79/141 tài khoản đặt 15.128 lệnh mua với khối lượng gần 3 tỷ cổ phiếu của 5 mã trên, tương đương gần 47.000 tỷ đồng. Sau khi đặt mua, Huế liên tục thực hiện các hành vi hủy lệnh, khớp chéo giữa các tài khoản với nhau hoặc mua vào số lượng lớn cổ phiếu cùng một mã để thực hiện hành vi thao túng.
Sau khi tạo cung cầu giả, khi giá cổ phiếu tăng, Quyết đã chỉ đạo Huế bán ra thị trường, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng, trong đó cổ phiếu HAI từ tháng 6/2017 đến tháng 2/2018 thu lợi gần 239 tỷ đồng, còn cổ phiếu FLC từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2022 thu lợi 397 tỷ đồng.
Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục làm rõ hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của Trịnh Văn Quyết thông qua việc nâng khống vốn điều lệ của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros.
Theo đó, từ mức vốn điều lệ ban đầu là 1,5 tỷ đồng và nhiều năm gần như không hoạt động, tháng 4/2014, Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế cùng cấp dưới lập các hợp đồng góp vốn khống, nhằm tăng vốn điều lệ “ảo” cho doanh nghiệp này.
Thủ đoạn của các bị cáo là sử dụng các hợp đồng, chứng từ như ủy nhiệm chi, giấy nộp tiền mặt, giấy rút tiền mặt được ký khống bởi một số cổ đông của Công ty FLC Faros để Huế làm thủ tục nộp tiền vào, sau đó rút tiền ra bằng các hình thức như tạm ứng, trả trước, đầu tư, ủy thác đầu tư cho các cá nhân và tổ chức liên quan, sau đó lại nộp lại… quay vòng nhiều lần.
Kết quả là, Công ty FLC Faros đã 5 lần tăng vốn điều lệ khống, từ 1,5 tỷ đồng, lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần. Tuy nhiên, trên thực tế, các cổ đông chỉ góp vào 1.197 tỷ đồng để sử dụng cho các hoạt động tổng thầu, thi công dự án.
Thêm vào đó, sau khi nâng khống vốn điều lệ, biết Công ty FLC Faros không đủ điều kiện được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, nhưng Quyết vẫn chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ gửi các cơ quan quản lý nhà nước và được chấp thuận.
Sau khi lên sàn, với 430 triệu cổ phiếu mã ROS, có tổng giá trị cổ phiếu là 4.300 tỷ đồng. Quyết tiếp tục chỉ đạo Huế sử dụng 40 tài khoản chứng khoán để mua, bán hơn 391 triệu cổ phiếu, thu về 4.800 tỷ đồng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, Trịnh Văn Quyết và Trịnh Thị Minh Huế đã chiếm đoạt số tiền của các nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS hơn 3.600 tỷ đồng.
Xử lý sai phạm tại Tập đoàn FLC và nỗ lực tái lập thị trường chứng khoán lành mạnh
Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bị bắt tạm giam ngày 29/3/2022 để điều tra hành vi thao túng thị trường chứng khoán, từ ngày 28 đến ngày 31/3/2022, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 13. Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, những sai phạm tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, giảm niềm tin của các nhà đầu tư. Theo đó, hàng loạt lãnh đạo, cựu lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh bị xem xét, xử lý kỷ luật.
Theo đó, từ vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS, Công ty cổ phần Xây dựng Faros và các công ty có liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã chỉ ra được các sơ hở thiếu sót trong quy định của pháp luật về hoạt động chứng khoán và thủ đoạn các đối tượng phạm tội lợi dụng chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.
Các đối tượng lợi dụng việc mở tài khoản chứng khoán một cách dễ dàng, không kiểm soát, rồi thuê, nhờ người khác đứng tên mở hộ tài khoản để sử dụng mua bán, tạo cung cầu giả, đẩy giá lên cao, bán ra thu lợi bất chính.
Nhiều đối tượng còn đứng sau các công ty, doanh nghiệp thao túng các hoạt động đấu thầu, đấu giá; thao túng thị trường chứng khoán… gây thiệt hại cho tài sản nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư…
Các đối tượng cũng triệt để lợi dụng việc thiếu kiểm soát hoạt động mạng xã hội, thành lập nhiều nhóm, hội kín để hô hào, kích động, lôi kéo nhà đầu tư, từ đó điều khiển tâm lý và thao túng thị trường, thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho nhà đầu tư…
Qua công tác điều tra, căn cứ vào nguyên nhân và điều kiện phạm tội, Bộ Công an kiến nghị các cơ quan, tổ chức liên quan cần áp dụng một số biện pháp khắc phục và phòng ngừa như sau:
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin chính thống, chính xác về chủ trương, định hướng điều hành và tình hình kinh tế vĩ mô để ổn định tâm lý nhà đầu tư, nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tài chính của nhà đầu tư.
Tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; đặc biệt là các hành vi đưa tin thất thiệt, không chính xác gây mất an ninh, an toàn thị trường.
Để ngăn chặn tình trạng tăng “vốn ảo”, các đơn vị chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến vốn điều lệ của doanh nghiệp, nhất là sửa đổi bổ sung quy định pháp luật, cấm doanh nghiệp ủy thác đầu tư bằng vốn doanh nghiệp đối với cá nhân là cổ đông của chính doanh nghiệp hoặc cá nhân tổ chức có liên quan đến cổ đông của doanh nghiệp.
Các yêu cầu đặt ra là: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy định cụ thể, rõ về thời hạn hoàn góp vốn của cổ đông đối với trường hợp doanh nghiệp tăng vốn; quy định về trách nhiệm, cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân (ngoài cơ quan quản lý nhà nước) đối với các hoạt động liên đến vốn điều lệ của doanh nghiệp; quy định chức năng, nhiệm vụ giám sát của cá nhân, tổ chức có trách nhiệm quản lý, nhằm loại trừ trường hợp có sự cấu kết, thông đồng, cố tình làm ngơ, bao che của một bộ phận cá nhân, tổ chức có trách nhiệm trong các cơ quan quản lý nhà nước…
Thành An