+
Aa
-
like
comment

Muốn phát triển đột phá, cần có tư duy và hành động đột phá

12/11/2020 06:09

Bảo vệ những cán bộ tuy có mắc sai phạm (không quá nghiêm trọng), không vì động cơ cá nhân không chỉ là bảo vệ sự đổi mới, sáng tạo mà còn bảo vệ danh dự cho những giá trị chân chính.

Muốn phát triển đột phá, cần có tư duy và hành động đột phá - 1

“Khi cán bộ đổi mới sáng tạo, làm được thì khen, không làm được thì quy trách nhiệm rất nặng nề. Trong khi đó, sự không thành công có thể do khách quan đem lại”. Đó là phát biểu của ĐB Đào Thanh Hải (Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội) tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 10.11 vừa qua.

Có thể nói việc chưa có qui chế bảo vệ tư duy đổi mới, sáng tạo là một trong những nguyên nhân tạo nên “virus trì trệ – Lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc”. Nó là một “căn bệnh” đang xuất hiện ở đội ngũ cán bộ, công chức và rất đáng lo ngại bởi mức độ nguy hiểm cũng như sự lây lan của nó. Nó cũng chính là môi trường nảy sinh tư tưởng không dám nghĩ, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm…

Vì sao lại có hiện tượng này và làm gì để khắc phục? Theo tôi, thứ nhất, về chủ quan, đó là năng lực cán bộ. Tư duy dám nghĩ, dám làm, dám đột phá chỉ đến với những ai có tinh thần và khả năng sáng tạo. Có tinh thần nhưng yếu kém về năng lực cũng không dám nghĩ (vì có năng lực đâu mà nghĩ?). Có năng lực nhưng không có tinh thần cũng sẽ không dám làm. Nếu thiếu một trong hai yếu tố trên đã là trì trệ còn nếu lại thiếu cả hai thì khôn lường.

Thứ hai, chúng ta chưa có cơ chế để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Với cơ chế “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” đặc thù của Việt Nam, chúng ta không có tiền lệ để xem xét, chưa có khuôn mẫu để đánh giá theo qui chuẩn. Đã không ít trường hợp hôm nay đúng, ngày mai lại sai và ngược lại. Do đó, khi nhìn nhận, đánh giá một sự việc phải gắn với hoàn cảnh lịch sử của thời điểm đó để thể tất cho những sai lầm ít nghiêm trọng.

Do vậy, việc xây dựng dự thảo “cơ cế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” của Ban Tổ chức Trung ương vừa qua là việc làm cần thiết và cấp bách.

Cần thiết để khuyến khích và bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Cấp thiết bởi “trì trệ” là loại “virus” có sức lây lan rất cao và rất nguy hiểm.

Một nhiệm kỳ 5 năm dài thì dài nhưng cũng ngắn, rất ngắn. Chỉ một sai sót thôi, mọi cống hiến một đời đổ sông đổ bể, thậm chí sa vòng lao lý. Đây là cái giá quá đắt phải trả khiến tư tưởng “ngậm miệng ăn tiền”, “an toàn là trên hết”, giả vờ “ngu si hương thái bình”… hoàn toàn có thể nảy sinh, nhất là với những năm cuối nhiệm kỳ.

Cần xây dựng và ban hành sớm nhất “cơ chế khuyến khích, bảo vệ tư duy đổi mới”, làm “chiếc khiên” bảo vệ, là “cây gậy chống lưng” cho tư tưởng dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp chung.

Ngược lại, cần nghiêm trị những ai nhân danh dám làm, dám đột phá để làm liều, làm ẩu, thực hiện ý đồ trục lợi cá nhân, biến “tấm khiên bảo vệ” thành “tấm bùa hộ mệnh” che chắn cho hành vi tham ô, tham nhũng.

Muốn phát triển đột phá, cần có tư duy và hành động đột phá. Thành công chỉ dành cho những người dũng cảm! Mà muốn vậy, “đổi mới sáng tạo năng lực quản trị quốc gia bằng thể chế, bằng hệ thống pháp luật cởi mở, là “bà đỡ”, là “bệ phóng” cho các ý tưởng sản xuất, kinh doanh có tính vượt trước” như lời của ĐBQH Trần Thị Hiền nói tại cuộc thảo luận trên.

Bảo vệ những cán bộ tuy có mắc sai phạm (không quá nghiêm trọng), không vì động cơ cá nhân không chỉ là bảo vệ sự đổi mới, sáng tạo mà còn bảo vệ danh dự cho những giá trị chân chính.

Bùi Hoàng Tám/DT

Bài mới
Đọc nhiều