Muôn kiểu “ăn theo” COVID-19
Trong khi Chính phủ, Bộ Y tế và cả cộng đồng đang nỗ lực để đẩy lùi dịch bệnh, lại có những kẻ tung tin giả, “ký sinh” theo virus Corona để trục lợi; để chống phá thành quả chống dịch, phá hoại thành tựu phát triển kinh tế – xã hội, sự ổn định về chính trị của đất nước.
Thế giới chào đón năm 2020 với một tin không vui, đó là sự xuất hiện của virus Corona tại Vũ Hán, Trung Quốc. Và rồi con virus này đã phát tán ra ngoài Trung Quốc khiến hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ có người dương tính với nó. Những con số tử vong vẫn tăng lên hằng ngày tại Trung Quốc đại lục và số lượng người ra đi vì virus này bên ngoài lãnh thổ quốc gia trên 1 tỷ dân càng cho thấy mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Việt Nam là nước láng giềng với Trung Quốc nên việc phòng chống bệnh càng trở nên cấp thiết.
Trong khi Chính phủ, Bộ Y tế và cả cộng đồng đang nỗ lực để đẩy lùi dịch bệnh, lại có những kẻ tung tin giả, “ký sinh” theo virus Corona để trục lợi; để chống phá thành quả chống dịch, phá hoại thành tựu phát triển kinh tế – xã hội, sự ổn định về chính trị của đất nước.
Câu view, câu like
Trong số hơn 300 đối tượng đưa tin giả trên Internet bị cơ quan Công an xử lý, theo Thượng tá Nguyễn Thành Lợi, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an), tin giả nhằm mục đích câu view, câu like chiếm phần lớn, trong đó có các đối tượng bán hàng quảng cáo online. Bán hàng online là một hình thức kinh doanh phổ biến hiện nay.
Để trở thành một tài khoản bán hàng có doanh số cao, những người bán hàng chân chính phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, đầu tư cho quảng cáo (ví dụ quảng cáo trên facebook)… Nhưng cũng có những tài khoản, vì muốn thu hút sự chú ý nên không ngại tạo scandal, trong đó có tạo tin giả.
Thực tế, trước đây cơ quan Công an đã xử lý không ít trường hợp này với phạt hành chính lên đến cả chục triệu đồng. Hiện tại, khi thông tin về dịch COVID -19 luôn chiếm một thời lượng lớn trên các kênh truyền thông chính thống, một số tài khoản bán hàng online đã “tranh thủ” tin hot để câu view, câu like.
Trường hợp tài khoản “Thuỳ Trang” là một ví dụ. “Thuỳ Trang” đã đăng status “Corona về đến Viện Nhi Nghệ An rồi. Đi mô thấy ai ho tránh xa không tiếp xúc. Bịt khẩu trang vào. Sợ thật sự. Đừng có không hiểu biết rồi khổ ra”. Thông tin trên lập tức nhận được nhiều lượt like, chia sẻ và đã gây hoang mang trong dư luận tại địa phương.
Ngày 15/2, Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định xử phạt Nguyễn Thị Thuỳ Trang, trú tại phường Bến Thuỷ, TP Vinh – chủ tài khoản trên về hành vi tung tin thất thiệt. Tại cơ quan Công an, chủ tài khoản này khai, vì là người bán hàng online nên muốn thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng nên đăng tin thất thiệt.
Lại có trường hợp tung tin giả bi hài đến mức viết status trên facebook rằng: “Có một bà chị vừa đẻ con ra, đứa bé đã biết nói. Bé nói, nếu thế giới này nhà nào không luộc trứng ăn sẽ chết hết, mỗi người ăn một quả trứng sẽ thoát kiếp nạn này”. Công an huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên sau đó đã “mời” chủ tài khoản là Lường Thị Lả đến làm việc và người này thừa nhận đó là tin thất thiệt.
Đăng tin “thoát kiếp nạn diệt vong” vào đúng mùa dịch COVID-19 nên thông tin của Lả được rất nhiều người tương tác. Còn với Trần Văn Tùng, 22 tuổi, trú tại TP Vũng Tàu thì chỉ trong 30 phút đăng status: “tại bệnh viện Lê Lợi, TP Vũng Tàu có 2 người Trung Quốc dương tính với virus Corona”, đã có 500 lượt chia sẻ và bình luận. Chỉ trong một thời gian cực ngắn, tài khoản “Trần Tùng” nổi bật trên facebook.
Kết quả của việc câu view là anh này phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật và nộp phạt 15 triệu đồng. Mới đây, ngay tại Hà Nội, nam thanh niên 18 tuổi tên T.A. đã đăng tải: “Dịch về Cầu Giấy, Hà Nội rồi mọi người ơi. Chia sẻ giúp mình đi, Hà Nội có 40 người tử vong rồi, sợ quá… Kiểu gì Việt Nam lại là trại tị nạn…”. Nam thanh niên này sau đó đã bị phạt 12,5 triệu đồng…
Tung tin giả về virus Corona để chống phá
Ngoài những người trong nước lợi dụng dịch COVID-19 để tung tin giả nhằm mục đích câu view, câu like, còn có những tổ chức, đối tượng phản động, chống đối ở nước ngoài cũng “ký sinh” vào virus Corona để tiếp tục thực hiện những chiêu trò chống phá Đảng, Nhà nước, chính quyền nhân dân. Họ trí trá, trắng trợn khi tung ra những thông tin xuyên tạc sự thật.
Đó là hệ thống tuyên truyền của các tổ chức phản động lưu vong như: “Việt Tân”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, “Voice”, “PBSOS”, “Phong trào chống Trung Cộng bành trướng”, “Phong trào con đường Việt Nam… và một số đối tượng như: Nguyễn Văn Đài, Lê Trung Khoa, Bùi Thanh Hiếu, Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần…
Những tổ chức, cá nhân này đã tích cực phát tán thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh, công kích Chính phủ, Bộ Y tế, chính quyền địa phương trong công tác phòng chống dịch.
Nhóm đối tượng này tập trung: Tổ chức thăm dò ý kiến về việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc, thu hút nhiều nghìn ý lượt ý kiến “yêu cầu” Chính phủ Việt Nam đóng cửa biên giới với Trung Quốc; xuyên tạc nguyên nhân không đóng cửa biên giới với Trung Quốc do “đã ký kết hiệp ước” với Trung Quốc, chỉ khi Trung Quốc cho phép mới được đóng cửa biên giới; kêu gọi tạm dừng hoạt động các phương tiện công cộng, trường học trong vòng 2 tháng, tiến hành dự trữ lương thực, thực phẩm…
Các đối tượng chống phá đã không từ bất cứ thủ đoạn nào để tung tin thất thiệt, bất chấp việc ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đến uy tín cũng như lợi ích quốc gia, dân tộc. Chúng tôi xin dẫn ra đây ví dụ, đó là từ ngày 31/12/2019 đến 22/1/2020 (trước 2 ngày có lệnh phong tỏa thành phố Vũ Hán, Trung Quốc), 13 tài khoản facebook phát tán thông tin trong thời gian này có 500 chuyến bay, với 4.130 khách du lịch từ Vũ Hán đến Việt Nam, mang thêm mầm bệnh virus Corona, có thể lây lan diện rộng cho người dân Việt Nam.
Các tài khoản này ra yêu sách đòi chính quyền nhanh chóng trục xuất người Trung Quốc ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Tiếp đến, ngày 2/2, nhiều đối tượng phát tán thông tin tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) xuất hiện hàng nghìn người xếp hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam, gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân về công tác phòng dịch. Đặc biệt, các đối tượng này còn xuyên tạc, 6 tỉnh biên giới với Trung Quốc gồm: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh hiện có 20.000 người đang làm việc tại Trung Quốc. Những người lao động này vừa trở về quê ăn Tết, hiện trên 6.000/20.000 người đã nhiễm virus Corona. Các đối tượng nêu ra con số chi tiết hơn khi cho rằng, huyện Mường Nhé có 300 người nhiễm, các huyện Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai có 2.000 người nhiễm…
Chúng trắng trợn bịa đặt rằng, các cấp chính quyền đang giấu giếm thông tin về dịch bệnh… Mặc dù đây là thông tin dối trá nhưng có hàng chục nghìn lượt tương tác trên không gian mạng, tạo nên sự nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận.
Trong khi Chính phủ, Bộ Y tế, các cấp chính quyền và người đồng lòng thực hiện đồng loạt các biện pháp như: Cho học sinh, sinh viên nghỉ học hết tháng 2; cách ly xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc; thực hiện tẩy trùng, tiêu độc tại các địa điểm công cộng… góp phần quan trọng kiểm soát dịch bệnh; nhiều ngày liên tục không phát hiện ca dương tính mới với virus Corona, 16 bệnh nhân dương tính lần lượt được ra viện; Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao công tác phòng chống COVID-19 của Việt Nam… thì các đối tượng chống phá lại đăng tải nhiều bài viết công kích cả hệ thống chính trị trong việc phòng chống dịch như: “Khái quát tình hình Corona giai đoạn mới”; “Bình thản đau lòng”; “Nhân chuyện Corona, nói chuyện tư duy”; “Mạng sống của bạn, không phải của bọn dư luận viên”… với luận điệu cho rằng, nếu đóng cửa biên giới khi biết có dịch thì tình hình đã khác, nhưng do bưng bít thông tin để dịch tràn lan…
Đây là thông tin bịa đặt, xuyên tạc nhưng những bài viết này đã thu hút sự quan tâm của cư dân mạng, có độ tương tác cao, gây ra những bất ổn trong dư luận. Bên cạnh đó, một số hội nhóm có đông thành viên đăng tải nhiều tin, bình luận thất thiệt về việc “đóng cửa biên giới”; công kích hoạt động điều hành của Chính phủ…
Bất bình trước việc tin giả hoành hành trên không gian mạng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc chống dịch, chính những người sử dụng mạng chân chính đã tạo ra các diễn đàn để tiêu diệt “virus tin giả”, trong đó fanpage “Chung tay phòng chống fake news mùa dịch COVID-19” do chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh sáng lập là một ví dụ. Tại diễn đàn này, các thành viên đã lật tẩy nhiều thông tin sai lệch, chỉ ra những đối tượng chống phá chuyên tung tin giả…
Chỉ sau một thời gian ngắn, diễn đàn này đã đem lại hiệu quả tích cực. Trao đổi với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, chúng tôi được biết, trước thông tin nhiễu loạn, tin giả, cơ quan Công an đã triệu tập, đấu tranh với hàng trăm đối tượng, xử phạt, gỡ bỏ thông tin sai lệch… Đồng thời, yêu cầu các nhà mạng lớn như Facebook, Google thực hiện phần trách nhiệm trong ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu, giả mạo…
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, không chỉ trong dịch COVID-19, “virus tin giả” được phát tán, lây lan làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống dịch bệnh mà thứ virus độc hại này còn thâm nhập vào mọi ngóc ngách của đời sống kinh tế – chính trị.
Trong bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ thông tin cụ thể về việc phát tán “virus tin giả” liên quan đến vụ Đồng Tâm – một vụ việc đặc biệt được dư luận quan tâm xảy ra ngay trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 để bạn đọc có cái nhìn thấu đáo hơn về tác hại của loại virus này.
Facebook, Google đã phối hợp gỡ bỏ khoảng 300 liên kết chứa thông tin sai sự thật về COVID-19; phối hợp đăng các thông tin chính thức từ Bộ Y tế Việt Nam; ưu tiên hiển thị các nguồn tin chính thống khi người dân tìm kiếm thông tin về virus Corona.
Cao Hồng/CAND