+
Aa
-
like
comment

Muốn huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào giáo dục, cần dẹp bỏ các mô hình phổ thông hóa hệ bổ túc

07/07/2019 12:04

Nhà đầu tư phải bỏ nguồn vốn rất lớn xây trường, trả lương và phải tính tất cả vào học phí, nên rất khó cạnh tranh với các trường “công lập tự chủ tài chính”.

Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 4/6/2019 của Chính phủ tiếp tục kêu gọi tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025.

Đây là một động thái rất cần thiết, nhấn mạnh yêu cầu cấp bách của việc thúc đẩy chính sách xã hội hóa giáo dục của Đảng vào cuộc sống, đồng thời góp phần quan trọng thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TƯ ngày 24/1/2018 của Trung ương, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị công lập.

Chủ trương, chính sách và hành lang pháp lý cho xã hội hóa giáo dục đã có 23 năm nay và liên tục được hoàn thiện, nhưng hiệu quả chưa xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn.

Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều. Trong các bài viết trước, chúng tôi đã phân tích những lăn tăn, cấn cá, thậm chí cả sự kỳ thị đối với giáo dục tư thục còn rơi rớt lại từ thời quản lý nhà nước theo mô hình kế hoạch hóa tập trung, hay còn được gọi là “thời kỳ quan liêu, bao cấp”.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin tiếp tục phân tích các rào cản đến từ một số mô hình cơ sở giáo dục ngoài luật vẫn đang tồn tại và có xu hướng phát triển trong thực tiễn, cạnh tranh trực tiếp với giáo dục tư thục, nhập nhằng công – tư và hạn chế rất nhiều việc thực hiện chủ trương xã hội hóa.

Cần loại bỏ ngay mô hình phổ thông hóa hệ bổ túc

Trước tình trạng rất nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên trong tổng số 621 trung tâm trên cả nước đang “chết lâm sàng”, gây lãng phí khủng khiếp nguồn lực quốc gia (ngân sách, đất đai, biên chế…), ngày 8/9/2015 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 19/2015/TT-BGDĐT.

Thông tư này đã xóa bỏ sự khác biệt cuối cùng giữa hệ bổ túc và hệ chính quy trong bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Nó cho phép các trung tâm giáo dục thường xuyên tuyển sinh và thi tốt nghiệp như các trường phổ thông, văn bằng có giá trị như nhau, nhưng học giáo dục thường xuyên chỉ học 7 môn, còn các trường phổ thông học sinh phải học 12 môn.

Học phí giáo dục thường xuyên rất thấp, do Nhà nước đã bảo trợ.

Việc các địa phương để cho các trung tâm giáo dục thường xuyên tuyển sinh và đào tạo trái Luật Giáo dục với nhiều lợi thế về chính sách như thế này vô hình chung đã phá hỏng chính sách phân luồng của Đảng và Nhà nước, đồng thời gây sức ép rất lớn, cạnh tranh bất bình đẳng với hệ thống cơ sở giáo dục tư thục.

Nguồn tuyển sinh của các địa phương là hữu hạn, bằng Thông tư số 19/2015/TT-BGDĐT lẫn cách quản lý hiện hành – sở giáo dục giao chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm cho các trung tâm giáo dục thường xuyên (ít trung tâm tuyển được đủ) đang hạn chế nguồn tuyển sinh của các trường tư thục, nhất là với các trường mới thành lập và còn gặp nhiều khó khăn.

Do đó, nếu muốn thực sự huy động nguồn lực đầu tư vào giáo dục với bậc phổ thông ở các địa phương có điều kiện xã hội hóa cao như các đô thị lớn, các khu công nghiệp, cần xóa bỏ ngay mô hình phổ thông hóa bổ túc, trả giáo dục thường xuyên về đúng vị trí của nó theo luật định.

Các trung tâm giáo dục thường xuyên (mỗi quận/huyện 1 trung tâm) hoạt động không hiệu quả thì nên giải thể để lấy mặt bằng cho giáo dục và tổ chức mời các nhà đầu tư đấu thầu công khai, đất này chỉ sử dụng cho giáo dục và cấm chuyển đổi mục đích.

Hơn nữa, Luật Giáo dục hiện hành cũng như Luật Giáo dục sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua quy định rất rõ giáo dục thường xuyên là giáo dục không chính quy, phi tập trung theo các hình thức: vừa làm vừa học; học từ xa; tự học, tự học có hướng dẫn; hình thức học khác theo nhu cầu của người học.

Khoản 1 Điều 44 Luật Giáo dục sửa đổi quy định:

Giáo dục thường xuyên được thực hiện tại các cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở văn hóa, tại nơi làm việc, cộng đồng dân cư, qua các phương tiện thông tin đại chúng và phương tiện khác.

Ảnh chụp màn hình thông báo tuyển sinh lớp 10 công lập chất lượng cao của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận 1 thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: giaoducnghenghiepquan1.edu.vn.
Ảnh chụp màn hình thông báo tuyển sinh lớp 10 công lập chất lượng cao của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên quận 1 thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: giaoducnghenghiepquan1.edu.vn.

Với quy định này, nhà nước không còn giữ “độc quyền” cung cấp dịch vụ giáo dục thường xuyên, mà các cơ sở giáo dục khác hoàn toàn có thể tham gia, cả công lập lẫn tư thục.

Thiết nghĩ thay vì đổ hàng chục tỷ đồng xây dựng các trung tâm giáo dục thường xuyên mà không có hoặc rất ít người học như hiện nay, Nhà nước nên chuyển ngân sách chi cho giáo dục thường xuyên qua dạng học bổng để khuyến khích người dân học tập suốt đời, nâng cao trình độ và đầu tư trực tiếp vào người học.

Còn họ chọn học ở cơ sở nào, hình thức nào cũng được, miễn là thuận tiện và phù hợp.

Chỉ có như vậy, tình trạng lãng phí khủng khiếp tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên hiện nay mới có thể được khắc phục một cách căn cơ, bài bản.

Như thế, giáo dục thường xuyên mới thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình, thúc đẩy học tập suốt đời mà không phải rào cản của xã hội hóa, biến tướng hệ bổ túc thành phổ thông và bỏ rơi đối tượng chính cần phải phục vụ như hiện nay.

Loại bỏ ngay mô hình trường công lập tự chủ tài chính

Thập niên 1990, khi đất nước vừa mới bắt đầu công cuộc Đổi mới, rất nhiều khó khăn và thách thức đặt ra đối với ngân sách để duy trì hoạt động của bộ máy, nhất là ngành giáo dục.

Ngày 20/8/1991 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế trường phổ thông bán công kèm theo Quyết định số 1932/QĐ.

Các trường bán công do nhà nước đầu tư được thu học phí cao hơn các trường công lập, nhưng vẫn phải nằm trong mức trần cho phép của nhà nước.

Tại các trường phổ thông, người ta cũng thường tranh thủ mở thêm một vài lớp “hệ B” có điểm tuyển sinh đầu vào thấp hơn điểm chuẩn, đây chính là các lớp bán công, để tạo thêm nguồn thu cho nhà trường và các thầy cô giáo.

Với cấp đại học, ngày 3/1/1994 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế tạm thời trường đại học bán công kèm theo Quyết định số 04/QĐ-TCCB, xác định: “Trường đại học bán công là đơn vị sự nghiệp hoạt động theo phương thức lấy thu để bù chi”.

Luật Giáo dục năm 1998 ra đời, xác định 4 loại hình cơ sở giáo dục trong hệ thống cơ sở giáo dục quốc dân, gồm: công lập, bán công, dân lập, tư thục.

Nghị định số 43/2000/NĐ-CP ngày 30/8/2000 của chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục, quy định:

Cơ sở giáo dục bán công: do Nhà nước thành lập trên cơ sở huy động các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế cùng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.

Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết các trường bán công đều do ngân sách nhà nước đầu tư mà không huy động được các tổ chức, cá nhân tham gia do quyền sở hữu, quyền điều hành của người góp vốn không được thể hiện rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Cho nên, mặc dù ra đời từ năm 1993 nhưng cả chục năm sau đó, loại hình trường đại học, cao đẳng bán công rơi vào tình trạng có sinh mà không nuôi dưỡng, nhà nước xây cơ sở vật chất ban đầu mà không chi thường xuyên, các trường tuyển sinh chật vật.

Ngược lại, ở cấp phổ thông, “hệ B” đã trở thành nguồn thu nhập thêm ngoài lương cho các trường phổ thông công lập.

Các trường bán công vẫn tuyển sinh được do số lượng trường phổ thông công lập ít, học phí bán công tuy cao hơn trường công lập nhưng lại thấp hơn các trường dân lập (sau này là tư thục) nên hệ bán công vẫn “sống được”.

Có điều,  sự tồn tại của mô hình bán công (các lớp hệ B trường công và trường bán công) nó đã tạo ra sự bất công giữa học sinh trường công lập với học sinh trường bán công; giáo viên trường công lập với giáo viên trường bán công; giữa trường bán công với trường tư thục.

Vì sao cùng là trường do Nhà nước đầu tư xây dựng, học sinh bán công phải đóng học phí cao hơn? Vì sao cùng là giáo viên làm việc cho Nhà nước, giáo viên công lập thu nhập lại thấp hơn bán công?

Vì sao trường bán công / lớp hệ B do ngân sách đầu tư, lại được thu học phí cao hơn công lập? Học phí trường bán công thấp hơn trường tư thục, các trường tư cạnh tranh sao nổi?

Vì sao lợi tức thu được từ học phí trường bán công lại được chia nhau trong nội bộ trường?  Vì sao Nhà nước không được hưởng lợi tức từ phần tài sản rất lớn đầu tư ban đầu cho các trường bán công, lớp hệ B?

Chính thực trạng này, Luật Giáo dục năm 2005 đã loại bỏ mô hình bán công khỏi hệ thống giáo dục quốc dân.

Nghị quyết 05/2005/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao ban hành ngày 18/4/2005 cũng chủ trương không duy trì loại hình bán công.

Lúc này, các trường bán công lại được lệnh chuyển đổi về mô hình dân lập, tư thục hoặc công lập.

Nếu như các trường đại học, cao đẳng bán công tuyển sinh rất khó khăn thì các lớp hệ B trường công, các trường phổ thông bán công vẫn sống tốt nhờ nhà nước đầu tư ban đầu, nhưng lại được thu học phí với lập luận “tự chủ tài chính”, “lấy thu bù chi”.

Cho nên ngay sau khi Luật Giáo dục 2005 loại bỏ mô hình bán công, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh – thạc sĩ Huỳnh Công Minh đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố chuyển các trường phổ thông bán công thành trường công lập tự chủ tài chính.

Tiếp bước thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28/11/2008 Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ra Quyết định số 2312/QĐ-UBND chuyển đổi trường Trung học phổ thông bán công Phan Huy Chú (thành lập năm 1997) thành trường công lập tự chủ tài chính toàn phần.

Hiện nay, Hà Nội đã đầu tư ngân sách để xây dựng một loạt trường phổ thông công lập dán mác “chất lượng cao”, thu học phí cao và chuyển các trường này sang mô hình “tự chủ tài chính”.

Hệ thống trường phổ thông công lập “tự chủ tài chính” này đã tạo ra 2 sự bất công rất lớn. Đối với người học, cùng học trường công lập nhưng trường phổ thông bình thường đóng học phí thấp, trường “tự chủ tài chính” đóng học phí cao.

Với các trường tư thục, các nhà đầu tư phải bỏ nguồn vốn rất lớn để xây dựng trường lớp, duy trì hoạt động và tất cả chi phí này phải tính vào học phí, nên rất khó để có thể cạnh tranh với các trường công lập “tự chủ tài chính” nói trên.

Đây là lý do tại sao Hà Nội có hàng trăm trường phổ thông tư thục, nhưng chỉ có vài trường đã làm nên thương hiệu từ những ngày đầu bằng chất lượng và uy tín thì tuyển sinh vẫn tốt, còn phần lớn các trường tư thục còn lại rất khó khăn.

Khó khăn khó vượt qua nhất là cơ chế, chính sách.

(Theo Giáo Dục Việt Nam)

Bài mới
Đọc nhiều