Muốn đòi tiền mà gây áp lực lên NHNN là quá sai lầm!
Kể từ khi Chủ tịch Vạn Thịnh Phát bị bắt giữ những góc tối về trái phiếu doanh nghiệp dần hé lộ. Và sự việc người dân ùn ùn kéo đến SCB là một trong những điều đó.
Người mua trái phiếu liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát có được trả tiền không? Và ai là người trả lại tiền? Đây chính là hai vấn đề mà khách hàng và dư luận quan tâm nhất ở thời điểm hiện tại.
Theo quy định của nhà nước thì nơi nào phát hành trái phiếu thì nơi đó có nghĩa vụ hoàn trả tiền. Nghĩa là trong trường hợp này, công ty cổ phần tập đoàn đầu tư An Đông, thuộc “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát đã phát hành trái phiếu, khoảng 25 nghìn tỷ đồng, đáo hạn trong giai đoạn 2023-2024. Vậy, với nhà đầu tư trái phiếu, người có trách nhiệm trả tiền là Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư An Đông.
Thế nhưng, vấn đề ở đây là người mua đa phần không thật sự hiểu rõ mình đã mua trái phiếu của ai, hợp đồng mua trái phiếu là gì. Bởi nhiều người mua trái phiếu trong bối cảnh chung sau khi vừa tất toán số tiết kiệm, được nhân viên ngân hàng tư vấn chuyển qua loại sản phẩm mới. Thậm chí khách hàng còn cho biết, họ không hề được tiếp cận tới bất kỳ tài liệu nào liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp mà chỉ ký vào tờ ủy nhiệm chi, cho tới gần chục ngày sau mới nhận được hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp đầy đủ. Điều đó cho thấy, thời gian qua, nhiều nhân viên ngân hàng, trong đó có nhân viên của ngân hàng SCB chào bán trái phiếu cho nhà đầu tư, nhưng lại mập mờ giữa hình thức mua trái phiếu và gửi tiết kiệm.
Chính vì thế, mặc dù tại thư ngỏ đăng trên website ngân hàng, SCB khẳng định ngân hàng chỉ thực hiện việc giới thiệu khách hàng cho các công ty chứng khoán và không ký kết hợp đồng hay thỏa thuận nào với khách hàng về việc chuyển nhượng/nhận chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp. Song lời giải thích ấy vẫn không ngăn được dòng người tìm đến SCB chất vấn về vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.
Khách hàng trong cơn hoảng loạn “của đau con sót”, giờ chỉ biết bấu víu vào sợi dây mỏng manh là niềm tin giữa người mua và người tư vấn để đòi tiền. Thực ra đây cũng là đòi hỏi hợp lý. Bởi nhà đầu tư cá nhân tin vào nhân viên ngân hàng và công ty chứng khoán tư vấn mà mua trái phiếu, nhưng khi trái phiếu gặp rủi ro thì nhà đầu tư tự lo. Vậy trách nhiệm của những người tư vấn đó ở đâu? Tiền hoa hồng thì lấy, nhưng không gánh trách nhiệm nào cả là không được.
Người dân mất tiền là điều đáng tiếc, thế nhưng thay vì việc đòi hỏi trách nhiệm từ ngân hàng thì câu chuyện lại đang bị đẩy đi lệch hướng. Một số nhà đầu tư quá khích bắt đầu đòi ngân hàng nhà nước trả tiền để ăn Tết. Yêu cầu này cũng không khác gì việc đại diện doanh nghiệp bất động sản kiến nghị Chính phủ giải cứu 790.000 tỷ đồng trái phiếu cho doanh nghiệp cả.
Cần phải nhìn rõ rằng nếu như Chính phủ không vào cuộc thì người dân vẫn còn bị móc túi dài dài vào lời mời gọi có cánh từ trái phiếu doanh nghiệp. Ấy thế mà, giờ ngân hàng nhà nước cũng bị lôi vào cuộc đầu tư mạo hiểm rất liều lĩnh này. Trong khi đó, NHNN đã phải đứng ra bảo lãnh về tiền tiết kiệm của người dân ở SCB.
Thứ nữa phải hiểu rõ chính Nhà nước cũng đang muốn làm áp lực về trách nhiệm lên các ngân hàng tư vấn người dân mua trái phiếu. Mọi người tới ngân hàng tụ tập đòi hỏi không ai ngăn cản. Và thậm chí, lãnh đạo TP.HCM còn yêu cầu SCB không né tránh đối thoại với dân. Chính vì thế gây áp lực lên cơ quan đang bảo vệ mình là một nước đi sai lầm. Thay vào đó sao không có những lá đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng. Để thấy rằng nhà đầu tư đang rất cầu thị cũng rất mong mỏi chờ sự giúp đỡ.
Và qua đây cũng đã đến lúc vai trò của nhà trung gian phân phối được quy trách nhiệm bởi một bộ luật. Để nhà đầu tư được bảo vệ và cũng chính cho các tổ chức chống phá không có cơ hội “đục nước béo cò”.
Công Luân