“Muốn có hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh”: Nga đã đúng về kẻ thù?
Washington đang chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh địa chính trị ở Caucasus. Moscow đã cảm nhận được điều này và tiến hành các động thái ứng phó.
Iran-Thổ Nhĩ Kỳ đứng ngoài cuộc chơi
Cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Nga, Armenia và Azerbaijan tại Điện Kremlin vào ngày 11/1 – đúng hai tháng sau khi cuộc xung đột Nagorno-Karabakh kéo dài 44 ngày ngừng bắn – có thể được coi là một động lực mạnh mẽ để Moscow củng cố thành tựu ngoại giao của mình.
Một tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp nhấn mạnh thỏa thuận thành lập Nhóm công tác ba bên gồm Nga, Armenia và Azerbaijan để thực hiện các biện pháp liên quan đến khôi phục và xây dựng mới các cơ sở hạ tầng giao thông cần thiết cho an ninh ở cấp cao nhất.
Rõ ràng, Nga tính toán rằng “bất kỳ thỏa thuận kinh tế và cơ sở hạ tầng nào đều mang bản chất chính trị. Các hành lang giao thông cũng đồng nghĩa với hợp tác an ninh và một số loại hợp tác giữa các nhóm dân tộc Armenia và Azerbaijan”, Andrei Kortunov, chuyên gia từ Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, nói với Asia Times.
Chuyên gia này cho rằng, mặc dù các thỏa thuận không giải quyết được vấn đề cốt lõi, cụ thể là tình trạng của Nagorno-Karabakh, nhưng các bên đang đi đúng hướng.
Nhưng, mọi thứ sẽ không suôn sẻ khi Thổ Nhĩ Kỳ vắng mặt (không tham gia) đối thoại với Moscow. “Thổ Nhĩ Kỳ là một nước láng giềng quan trọng không thể bị loại trừ tuyệt đối khỏi những gì đang diễn ra ở Nam Caucasus, nhưng giới lãnh đạo Nga một lần nữa đã chứng minh vai trò quan trọng trong việc dàn xếp và đưa ra luật chơi”.
Hiện tại, có một lời giải thích hợp lý cho việc Thổ Nhĩ Kỳ đứng ngoài, trong khi Moscow dẫn đầu các tiến trình hòa bình. Đó là việc Thổ Nhĩ Kỳ có thể không hài lòng nhưng đang có những tính toán thực dụng. Nếu Ankara thành công trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Yerevan thì tính toán sẽ thay đổi chỉ sau một đêm.
Ở một diễn biến khác, Iran cũng không thích việc bản thân đứng ngoài cuộc. Thực tế là trong bối cảnh khu vực suốt ba thập kỷ qua, Armenia và Azerbaijan không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng lãnh thổ Iran để trung chuyển, và Tehran đang miễn cưỡng từ bỏ con át chủ bài địa chính trị của mình.
Cho đến nay, các cường quốc phương Tây vẫn bị động, thái độ của chính quyền Joe Biden sắp tới vẫn là yếu tố bí ẩn.
Hành động của Mỹ
Với các động thái gần đây, giới quan sát cho rằng, Washington đang chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh địa chính trị ở Caucasus. Moscow có lẽ cảm nhận được điều này. Và, điều đó sẽ giải thích cho sự vội vàng mà Nga đang thúc đẩy trong việc phát triển cơ sở hạ tầng ở Nam Caucasus để tạo ra các chỗ đứng vững chắc trong lúc chính quyền Biden vẫn còn chưa tham gia.
Nga đang theo đuổi một quỹ đạo để củng cố vị thế của mình trong khi vẫn duy trì khả năng can dự của các cường quốc phương Tây vào một thời điểm nào đó trong khuôn khổ của Nhóm Minsk.
Tổng thống Vladimir Putin thỉnh thoảng vẫn tiếp xúc với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, hai quốc gia là đồng chủ tịch (cùng với Mỹ) của Nhóm Minsk. Có thể hình dung, Nga sẵn sàng làm việc với phương Tây về vấn đề Nagorno-Karabakh nhưng phải bảo vệ các lợi ích hợp pháp của mình. Câu hỏi lớn là liệu trong môi trường an ninh hiện nay, đó có phải là một kỳ vọng thực tế hay không.
Trong khi đó, các nhà phân tích Mỹ gần đây đã nhấn mạnh sự can dự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Nam Caucasus. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, kể từ năm 2005, kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Armenia, Azerbaijan và Georgia lần lượt tăng khoảng 2.070%, 380% và 1.885%.
Các khoản đầu tư của Trung Quốc cũng đang tăng lên do tiềm năng phát triển kinh doanh liền mạch của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Với việc tuyến đường sắt Baku-Tbilisi-Kars hoàn thành gần đây, dấu chân của Trung Quốc sẽ tăng lên nhiều hơn và sự hiện diện kinh tế được cho là sẽ chuyển thành ảnh hưởng chính trị.
Vị trí địa lý của các quốc gia Nam Caucasus khiến nơi đây trở thành những tuyến đường trung chuyển khả thi cho hàng hóa Trung Quốc và châu Âu. Một học giả Trung Quốc thậm chí đã mô tả Azerbaijan gần đây là một “quốc gia trọng điểm” trong Hành lang kinh tế Trung Quốc-Trung Á-Tây Á của BRI.
Trung Quốc đang phát triển một tuyến đường thương mại qua Kazakhstan băng qua Caspian từ cảng Aktau của Kazakhstan đến Baku, nơi mà họ hình dung như một trung tâm của BRI.
Mặt khác, đối với Mỹ, Caucasus là đấu trường quan trọng để thắp sáng các ngọn lửa ở ngoại vi của Nga, điều hướng cho sự mở rộng của NATO về phía Đông, để thiết lập bản thân ở khu vực Caspian giàu dầu mỏ, kiểm soát một trong những động mạch thương mại chính của Trung Quốc và thị trường châu Âu, kiềm chế ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
Điều khiến Washington lo lắng nhất là có sự hội tụ đầy đủ giữa Nga và Trung Quốc để giữ Caucasus nằm ngoài quỹ đạo địa chính trị của Mỹ, đặc biệt khi NATO đang củng cố ở khu vực Biển Đen.
(Theo NDT)