+
Aa
-
like
comment

Muốn “cất cánh” ngành du lịch: Đừng tự hào ngược!

Phạm Khoa - 04/04/2023 16:23

Thời gian qua, có rất nhiều người chia sẻ thông tin Tạp chí du lịch Condé Nast Traveler (CNTraveler) đánh giá Việt Nam là một trong 10 điểm đến du lịch rẻ nhất châu Á trong năm 2023. Thật ra, nếu thẳng thắn nhìn nhận thì đây không hề là một tin vui… 

Khách quốc tế đến Việt Nam

Theo Tổng cục Thống kê, một du khách đến Việt Nam năm 2009 trung bình sẽ tiêu khoảng 92 USD/ ngày. Mười năm sau, năm 2019, giai đoạn trước đại dịch Covid, chỉ số này tăng lên 1,2 lần, khoảng 118 USD/ ngày và chững lại cho đến nay. Đây là con số tương đối thấp nếu nhìn sang Thái Lan, với 163 USD/ ngày, và Singapore với 325 USD/ ngày.

Điều đó có nghĩa là, mười năm qua, dù du lịch Việt Nam có tăng số lượng khách đến, nhưng nguồn thu không cải thiện nhiều. Làm một so sánh đơn giản giữa chỉ số chi tiêu của du khách đến Việt Nam và một số nước trong khối ASEAN, sẽ thấy Việt Nam bị bỏ lại ở khoảng cách khá xa.

Với số ngày lưu trú tương đương, và cảnh quan được đánh giá tương tự Việt Nam, khách chi ở Việt Nam 912 USD, nhưng ở Indonesia là 1.109 USD, và đặc biệt, ở Thái Lan là 1.565 USD. Như vậy, một du khách đến Thái Lan sẽ đem lại nguồn thu gấp 1,7 lần một du khách đến Việt Nam. Đó là nhìn trên phương diện khách đoàn, nếu là khách lẻ, khách Tây ba lô, phượt thủ, thì Việt Nam còn cách xa hơn nữa, vì chi tiêu của đối tượng khách này ở Việt Nam đôi khi chỉ gói gọn trong 10 USD/ ngày.

Chất lượng đã thua, nhưng số lượng cũng không khả quan hơn. Theo thống kê, hết quý một năm nay, Việt Nam đã đón 2,7 triệu du khách, gấp 30 lần cùng kỳ năm ngoái, nhưng so với 8 triệu du khách đến Thái Lan thì con số đó còn quá khiêm tốn. Năm 2023, số lượng khách du lịch dự kiến của Thái Lan là 30 triệu người, gấp hơn 3 lần lượng khách du lịch dự kiến đến Việt Nam.

Khi Việt Nam tỏ ra tự hào về nền ẩm thực ngon, rẻ, thì Thái Lan không hề nhấn mạnh đến yếu tố rẻ trong bất cứ dịch vụ du lịch nào để thu hút du khách. Họ chú trọng sự tiện nghi và vẻ đẹp đặc sắc về văn hóa, lịch sử của địa phương. Hầu hết du khách đến Thái Lan đều thích ăn thức ăn (90%), đến các tiệm massage và spa (48%), đi biển (48%) và tham quan các di tích lịch sử (46%). Việt Nam trái lại, ngoài cảnh đẹp tự nhiên ra, thì dịch vụ đi kèm không hấp dẫn, không có sản phẩm du lịch đặc trưng, nên chỉ lấy được tiền từ du khách khoảng 20% tổng chi phí. Khách du lịch đến Việt Nam thường là ngắm cảnh thiên nhiên, thưởng thức ẩm thực, đến một vài di tích, rồi về.

Nhìn thẳng vào những điểm yếu của ngành du lịch Việt Nam để từng bước khắc phục có lẽ thái độ khôn ngoan nhất lúc này. Vì ngoài chính sách visa, cần bổ sung, tổ chức thêm các dịch vụ vui chơi giải trí hiện đại, cũng như nâng tầm các lễ hội văn hóa, ẩm thực địa phương. Nhưng quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy làm du lịch của cả xã hội.

Không chê du khách Tây ba lô, phượt thủ bình dân, nhưng phải xác định rõ rằng họ không thể là đối tượng góp phần nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Thay vào đó, hãy củng cố các thế mạnh của đất nước, xây dựng đội ngũ nhân viên làm du lịch chuyên nghiệp, thiết kế nhiều sản phẩm du lịch độc đáo để giữ chân du khách từ các thị trường phát triển. Hãy để Việt Nam trở thành điểm đến của giới tinh hoa, những người sẵn sàng chi 1000 USD/ ngày, có ý thức giữ gìn môi trường, xem trọng việc tìm hiểu lịch sử, văn hóa của điểm đến.

Đã đến lúc cẩn trọng với những thông tin cổ xúy một nền du lịch giá rẻ, vì điều này sẽ khiến cho du khách quốc tế có cái nhìn lệch lạc về du lịch Việt Nam.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều