Mượn cái cớ “khốn khó của người dân” để than vãn giả tạo
Khó khăn chung của các quốc gia trước đại dịch Covid-19 đó là việc làm. Nhiều nước đang phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thấp và phải đối mặt với nhiều vấn đề an sinh xã hội. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến nhiều mặt của đời sống kinh tế – xã hội. Hiện nay, đất nước ta đã và đang ban hành nhiều chính sách nhằm ổn định đời sống của người dân và phục hồi nền kinh tế.
Ngày 9/11, trên trang Việt Nam Thời Báo (VNTB) có đăng tải bài viết của đối tượng Phạm Lê Đoan với tiêu đề “Người dân Việt Nam sẽ mưu sinh khốn khó hơn vì lạm phát tăng cao”. Bài viết đã sử dụng những số liệu, trích dẫn những câu nói của lãnh đạo Việt Nam nhằm phản ánh thiếu trung trực về tình hình đời sống người dân lao động. Tuy nhiên, với mục đích nham hiểm xuyên tạc về tình hình giá cả, tình hình lao động mất việc làm mà chúng đã không hề đề cập dù chỉ một chút ít về các chính sách của đất nước trong cố gắng hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn.
Trong bài viết, VNTB đã đề cập tới chuyện giá xăng, giá gas, giá sữa bột trẻ em tăng cao. Phải nhìn vào thực tế rằng, các loại mặt hàng trên đều chịu ảnh hưởng bởi giá trên thế giới. Hiện nay, giá xăng dầu trên thế giới đang tăng mạnh, thậm chí nhiều chuyên gia còn đánh giá rằng giá nhiên liệu trên thế giới “lên cơn sốt” gây áp lực đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Liên Bộ Công thương – Tài chính đã liên tục sử dụng quỹ bình ổn giá ở mức cao đối với mặt hàng xăng dầu nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tương tự mặt hàng xăng dầu, giá gas trong nước chịu ảnh hưởng của giá gas thế giới, hơn nữa trong giai đoạn vừa qua do gián đoạn nguồn cung sản phẩm và chi phí vận chuyển tăng nên giá gas trong nước đã tiếp tục tăng.
Tiếp đó, VNTB đã dẫn lời của ông Võ Thanh Lộc của chuỗi cửa hàng thực phẩm Farmers Market bày tỏ về lo lắng khi giá các mặt hàng dự báo tăng, nhất là vào dịp Tết. Câu chuyện giá cả dường như là một chủ đề muôn thuở của các đối tượng chống phá khai thác, mỗi khi giá xăng, giá gạo tăng thì chúng lại liên tục tìm cách so sánh và than vãn. Các bài viết của chúng chẳng bao giờ đề cập tới những nỗ lực của nước ta trong vấn đề bình ổn giá cả, bài viết của VNTB cũng vậy. Chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững luôn được Việt Nam xác định chiến lược phát triển kinh tế dài hạn. Trong từng giai đoạn, chẳng hạn khi đất nước đang phải gồng mình chống lại đại dịch thì nước ta đã kịp thời đưa ra các chính sách để vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Và thành quả đáng khích lệ là nền kinh tế nước ta vẫn giữ được tăng trưởng trong khi các nước khác trên thế giới tăng trưởng âm.
Ngày 24/9, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có cuộc họp bất thường về việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Tỉ lệ lao động thất nghiệp tăng đã được VNTB đưa vào bài viết. Nhưng lại một lần nữa, chúng không đưa ra các chính sách của nước ta hỗ trợ người lao động, cho thấy dã tâm gây hoang mang dư luận bằng cách chỉ đề cập tới những khó khăn mà đất nước ta nói riêng và các nước khác trên thế giới nói chung đang gặp phải. Chúng đã bao giờ nói về quyết tâm của Việt Nam trong khắc phục hậu quả, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến các mặt của đời sống?
Khó khăn, thách thức là vậy, nhưng với quyết tâm và các chính sách, biện pháp của nước ta thì đất nước ta vẫn vượt qua. Chúng ta hãy mang cái nhìn lạc quan, đánh giá đúng và chính xác khó khăn và tin tưởng vào những chính sách của đất nước. Đặc biệt, cần phải tích cực đấu tranh với những âm mưu thâm độc, những luận điệu xuyên tạc của các đối tượng thù địch, thế lực chống phá hiện nay.
Hoàng Chung