+
Aa
-
like
comment

Muốn biết hòa bình, hãy đến Việt Nam!

sông trà - 23/04/2020 09:17

Tất cả những gì chúng ta có được hôm nay là đều bắt nguồn từ bàn tay, khối óc của những con người được sống trong một đất nước độc lập, một nền hòa bình mang lại.

Dân tộc nào trên thế giới cũng yêu thương và gắn bó với đất nước của họ, nhưng tôi vẫn có một niềm tin chủ quan rằng con người Việt Nam nặng lòng với quê hương đất nước nhiều hơn các công dân nước khác. Bởi vì không có một đất nước nào, ở đó, mỗi ngọn núi, mỗi dòng sông, mỗi con đường đã được gìn giữ bằng một giá đắt như ông bà chúng ta đã phải hy sinh trong suốt dòng lịch sử.

Lịch sử miên trường của các cuộc chiến tranh vệ quốc

Việt Nam trải qua miên trường của các cuộc chiến tranh và đỉnh cao là thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh là đã mang lại hòa bình, thống nhất non sông

Lịch sử Việt Nam đã từng được viết nên như là một lịch sử miên trường của các cuộc chiến tranh vệ quốc. Trong không khí thắm hồng của chủ nghĩa yêu nước thế kỷ XX, các cuộc chiến tranh bảo vệ lãnh thổ của người Việt đã được nhấn mạnh ở nhiều chiều kích nhằm để hun đúc lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân phục vụ cho các cuộc chiến tranh chống lại các thế lực phương Tây, phương Bắc và phía Tây Nam.

Xuyên dòng lịch sử Việt Nam, ắt hẳn ai cũng phải thật sự thán phục. Suốt mấy nghìn năm lịch sử, không ngừng đương đầu với sự xâm lược của các triều đại phong kiến Trung Hoa.

Không những chỉ đương đầu với phong kiến Trung Hoa, người Việt còn đương đầu với bao kẻ láng giềng khó chịu, quyết định một mất một còn với họ như là phong kiến Chiêm Thành, Ai Lao, Cao Miên và còn hứng chịu kẻ thù kéo đến từ trên sóng nước Đại dương, ồ ạt tấn công bằng các súng ống tối tân vũ bão.

Đặc biệt, nếu người ta nghĩ đến giặc Mông Cổ và cái đế quốc Thát Đát mênh mông chừng nào, có lẽ người ta mới thấy được sức chiến đấu lạ lùng của người VIệt Nam –duy nhất trên địa cầu này đã đánh bại quân Mộng Cổ xâm lăng. Đó là đoàn quân xâm lược vô cùng dũng mãnh, đã thôn tính biết bao nhiêu dân tộc lớn lao, đã đặt Trung Hoa dưới ách nô lệ bạo tàn, đã chiếm Tây Hạ, Tây Bá Lợi Á, xâm lăng Trung Âu, uy hiếp Áo, Đức … Vậy mà đoàn quân bách thắng của họ, khi vào biên giới Việt Nam, đã bị đánh cho thảm bại liên tiếp ba lần.

Ba lần chiến thắng vinh quang của dân tộc Việt để chống cự lại kẻ thù số một của loài người trong lúc ấy, đã đặt Việt Nam vào những dân tộc oanh liệt hàng đầu.

Tiếp theo, gần một trăm năm đô hộ, dưới ách thống trị của thực dân Pháp được xem như là đế quốc hoàn chỉnh vào bậc nhất nhì ở trên thế giới, người Việt vẫn lại bền gan chiến đấu, và họ đã từng đánh cho kẻ thù tan tác nhiều phen khiến cho những viên đại tướng có uy danh nhất của thực dân Pháp vẫn còn giữ những kỷ niệm hãi hùng của sự chiến bại.

Khốc liệt hơn cả, nhưng khiến thế giới muôn đời sẽ phải nhắc tên Việt Nam đó là đánh bại Mỹ – một đế quốc sừng sỏ nhất lúc bấy giờ. Bởi, từ một đất nước nhỏ bé mà trong những năm tháng xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ từng huênh hoang là “sẽ xóa tên Việt Nam trên bản đồ thế giới”.

Và, để tới được cái đích là hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước, chỉ riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã có khoảng 3 triệu người Việt Nam nằm xuống khắp mọi miền của Tổ quốc. Rồi trong hòa bình, máu vẫn đổ khi số bom mìn của chiến tranh nằm trong lòng đất mỗi năm đã cướp đi sinh mạng của bao người dân vô tội.

Có thể nói, khát vọng của dân tộc Việt Nam là hòa bình. Từ ngàn đời nay các bậc hào kiệt, anh hùng của đất nước như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Hồ Chí Minh đều dành tâm sức, trí tuệ để “mở nền thái bình muôn thuở”, lấy “nhân nghĩa” để “yên dân”, để thắng hung tàn, cường bạo.

Giá trị hòa bình

Đã  có nhiều người ví lịch sử Việt Nam với một bản anh hùng ca. Đúng thế, nhưng không nên quên rằng lịch sử Việt Nam vừa là tráng ca vừa là bi ca. Cái tính chất bi tráng đó của lịch sử Việt Nam luôn luôn hiện ra trong lịch sử một dân tộc liên miên phải chống chiến tranh xâm lược.

Nhưng tựu chung lại, khát vọng hòa bình luôn là lý tưởng cao đẹp mà loài người phấn đấu và hướng tới. Những người đã trải qua chiến tranh, chịu đựng những mất mát đau thương do chiến tranh gây ra mới có thể cảm nhận giá trị vĩnh viễn và to lớn của hòa bình, mới thực sự có thiện chí hòa bình và mới có thể biến khát khao hòa bình thành hiện thực.

Chúng ta đã tốn không biết bao nhiêu máu xương để xóa đi sự chia cắt ấy, để non sông thu về một mối, Bắc – Nam sum họp một nhà. Vì thế, ngày chiến thắng 30/ 4 là ngày hòa hợp dân tộc, từng gia đình và cả dân tộc sum họp dưới mái nhà Việt Nam thống nhất, người một nước cùng nhìn về một hướng, cùng hóa giải xung đột, xóa bỏ hận thù, giải phóng nội lực để cùng nhau bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của Bác Hồ.

Bằng chứng là, cứ nhìn vào hai miền Nam – Bắc Triều Tiên hôm nay với những thông tin thời sự hằng ngày, tôi lại suy nghĩ về cảnh đất nước chia đôi trong quá khứ: Chiến tranh, ly tán, chia cắt, khổ đau chắc khủng khiếp lắm. Một đất nước, một dân tộc nên thống nhất, chứ chia rẽ, phân cách thì sẽ mang lại khổ đau cho nhiều người.

Nên ý nghĩa to lớn nhất của ngày chiến thắng 30/4/1975 là mang lại hòa bình, sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, độc lập, tự do cho dân tộc. Cho dù sau đó trên đất nước ta vẫn còn một đôi cuộc xung đột ở khu vực biên giới, nhưng rõ ràng về cơ bản là hòa bình đã được xác lập trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Vì thế, người Việt Nam càng trân quý những ngày tháng hôm nay, càng trân quý những thành quả có được để đất nước hòa bình, xã hội ổn định.

Đến nay, đã 45 năm trôi qua kể từ ngày đất nước hoàn toàn sạch bóng quân xâm lược, ngoảnh mặt lại đã thấy quá nửa đời người ở lại phía sau. Đi ra khỏi cuộc chiến tranh kéo dài suốt mấy chục năm, từ chỗ thiếu đói triền miên, chúng ta đã vươn lên trở thành đất nước xuất khẩu gạo đứng nhất, nhì thế giới.

Từ chỗ thiếu đói triền miên, các loại sản phẩm, hàng hóa giờ đây tràn ngập từ thành thị đến nông thôn vùng sâu, xa, hẻo lánh. Người dân bây giờ không chỉ ăn no mà phải ăn ngon; không chỉ mặc ấm mà phải là mặc đẹp, thời trang. Trong một nền hòa bình, dân chủ, cuộc sống của mỗi người dân Việt Nam đang ngày càng no đủ, thịnh vượng hơn. Xã hội Việt Nam ngày càng dân chủ, văn minh hơn…

Tất cả những gì chúng ta có được hôm nay là đều bắt nguồn từ bàn tay, khối óc của những con người được sống trong một đất nước độc lập, một nền hòa bình mang lại.

Có thể nói, đất nước Việt Nam với những người con mang dòng máu “con Lạc cháu Hồng” luôn yêu chuộng hòa bình, chúng ta phải làm tất cả vì hòa bình. Đó là kết tinh lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta, của nhân dân ta. Dẫu còn muôn vàn gian khó để trở thành cường quốc, nhưng lòng khát khao hòa bình của dân tộc, sức mạnh chiến thắng của chính nghĩa sẽ luôn thuộc về chúng ta.

Cuối cùng, xin mượn lời của  ông Peter Nguyễn – một người Mỹ gốc Việt từng là nhân viên tình báo của chính thể Việt Nam Cộng hòa, rằng: “Muốn biết hòa bình, hãy đến Việt Nam”!

Sông Trà

(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả)

Bài mới
Đọc nhiều