Mười câu hỏi cần hiểu đúng về vụ án Đồng Tâm
Vụ việc xét xử tại Đồng Tâm, Hà Nội đang gây nhiễu loạn thông tin trên mạng internet, trong đó rất nhiều thông tin thất thiệt, giả mạo về phiên toà xét xử được những kẻ xấu tung ra nhằm gây tâm lý hoang mang, bất ổn trong xã hội. Đây chính là mảnh đất để kẻ xấu lợi dụng, nhắm vào chỉ trích, miệt thị chính quyền, đả phá chế độ.
Lúc này trên mạng xã hội xuất hiện tràn lan những bài viết, bình luận rất lệch lạc, không phân biệt đúng sai, phải trái hoặc cố tình đánh lận, tạo ra luồng thông tin hỗn độn đẩy trạng thái người xem vào rối ren, hoang mang rồi bức xúc, phẫn nộ, mặc sức chửi bới, miệt thị… Trên trang facebook cá nhân của mình, Dương Quốc Chính và những “rận chủ” đăng bài xuyên tạc, bóp méo sự thật về bản chất vụ án giết người, chống người thi hành công vụ tại Đồng Tâm. Chúng đặt ra 10 câu hỏi nhưng bản chất thật sự của việc này là vu cáo chính quyền và công an Hà Nội trong vụ việc ở Đồng Tâm.
Câu hỏi 1: Dân Đồng Tâm không phải khủng bố (như cáo trạng đã nêu), không giam giữ con tin, không phạm tội nghiêm trọng, thì Tổ công tác huy động hàng ngàn cảnh sát đến khu vực nhà của Tổ đồng thuận (chứ không phải chỗ tranh chấp đất) làm gì lúc rạng sáng?
Xin thưa, 29 bị cáo là nhóm khủng bố, chứ không phải dân Đồng Tâm là khủng bố. Ngay từ đầu tháng 12/2019, “Tổ Đồng Thuận” đã gom tiền để mua sắm, tàng trữ vũ khí giết người, thậm chí cả lựu đạn, bàn bạc các phương án để tấn công lực lượng chức năng. Chúng không ngần ngại tuyên bố giết người: “Nếu lực lượng Công an đưa quân về Đồng Tâm thì bắt không còn một thằng nào nữa, đưa về càng đông càng thích, nếu không tiêu diệt được từ 300 đến 500 thằng thì sẽ không nhìn thấy mặt đồng bào cả nước nữa”. Thậm chí “Cần phải giết vài thằng công an cho chúng nó sợ ” là lời ra lệnh của Lê Đình Kình. Chúng tổ chức các phương án để tấn công người thực thi công vụ, gây mất an ninh trật tự ngay tại thôn Hoành (nhà của các đối tượng thuộc “Tổ Đồng Thuận”) chứ không phải là chỗ tranh chấp đất. Vậy nên lực lượng chức năng có nhiệm vụ bảo vệ sự bình yên của nhân dân, tiếp cận nhà các đối tượng để ngăn chặn những hành vi trái pháp luật là hoàn toàn hợp lý.
Câu hỏi 2: Khi “Tổ đồng thuận không đe dọa tính mạng người khác, chỉ cố thủ trong nhà và chống lại Tổ công tác (nếu họ tấn công) bằng vũ khí thô sơ và lựu đạn xịt (tự chế, không phải vũ khí quân dụng), thì tại sao phải đột kích ngay lúc rạng sáng? Tại sao không bao vây, cắt điện nước, ném lựu đạn hơi cay và chờ đến khi họ buộc phải đầu hàng?
Rõ ràng, việc tiếp cận lúc rạng sáng hay đêm khuya là nhiệm vụ của lực lượng công an, họ có trách nhiệm bảo vệ nhân dân Đồng Tâm và đơn vị đang xây tường rào tại Sân bay Miếu Môn trước tuyên bố sẽ tấn công của “Tổ Đồng Thuận” vào sáng 9/1. Hơn nữa, Lê Đình Kình, Lê Đình Công và Bùi Viết Hiểu… đã lên mạng công khai là đã chuẩn bị đầy đủ vũ khí để sẵn sàng giết người, như lời của Lê Đình Công thì hắn “sẽ không nhìn mặt nhân dân cả nước” nếu không giết được những người thực thi công vụ. Vậy, nếu không tiếp cận nơi ở của chúng thì ai có thể nắm chắc là chúng chỉ có những “vũ khí thô sơ và lựu đạn xịt (tự chế, không phải vũ khí quân dụng)” hay là còn có cả lựu đạn và các loại vũ khí có tính sát thương cao khác?
Câu hỏi 3: Tại sao trung tá, trung đoàn phó CSCĐ (là lãnh đạo Tổ công tác) và 1 CS PCCC lại phải đột kích, để bị ngã hố, trong khi thông thường họ phải ở tuyến sau?
Thực tế, việc ai ở tuyến sau hay tuyến trước nằm trong sự phân công linh hoạt tuỳ vào tình hình thực tế ngày hôm đó, việc phân công ai đảm nhiệm việc gì, ai đi trước, đi sau… là quyền của người chỉ huy.
Câu hỏi 4: Tại sao buộc phải bắn chết ông Kình, ông già què chân, đứng không vững? Ông ấy không thể đe dọa tính mạng ai, nếu không tấn công manh động một cách không cần thiết. Không khó để chờ ông ấy ngất vì hơi cay.
Xin thưa, thời điểm lực lượng chức năng tiêu diệt Lê Đình Kình thì trên tay Kình đang cầm lựu đạn, sẵn sàng cho nổ tung. Do đó, việc công an bắn chết ông Kình là điều hợp tình hợp lý khi đối tượng cầm vũ khí nguy hiểm.
Câu hỏi 5: Tại sao 3 CA bị thiêu chết trong vòng ít nhất là 20 phút mà không có dấu hiệu được đồng đội giải cứu? Bị can có khai là có tiếng kêu cứu của họ (họ có bộ đàm).
Câu hỏi 6: Tại sao bị can Chức có thể từ tốn, nhẩn nha đổ xăng ra chậu để thiêu CA trong vòng 20 phút ở vị trí trống trải trên mái nhà mà không bị tiêu diệt? Khi khai trước tòa thì ông Chức không nhận hành vi đổ xăng ra chậu để đốt.
Theo bản Cáo trạng của Viện Kiểm sát số 241/CT-VKS-P2 ngày 24/6/2020 trên cơ sở các chứng cứ của vụ án và lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra cũng như việc nhận tội trước Tòa án trong ngày 08/9/2020 thì sau khi phát hiện các đối tượng sát hại 3 chiến sĩ công an thì lực lượng chức năng đã tiếp cận hiện trường, nổ súng ngăn chặn (Lê Đình Chức bị thương ở đầu và Lê Đình Uy bị thương ở tay), Chức và Uy tẩu thoát chứ không phải lực lượng chức năng không ứng cứu.
Câu hỏi 7: 3 CA phải lần lượt nhảy qua hố, nhưng đều bị rơi xuống hố với cùng 1 lý do là bị can Chức chọc dao từ trên xuống. Hố này rất hẹp, nên kể cả bị đâm từ trên, cũng khó mà bị rụng xuống hố. Lưu ý là CSCĐ có mũ bảo hiểm che được cổ và mặc áo giáp, rất khó bị thương nặng khi bị chọc dao từ trên xuống (thường đâm vào đầu và vai).
Tuy nhiên, xin trả lời cho Dương Quốc Chính rằng: Khi 3 chiến sĩ công an di chuyển từ mái nhà Hợi để sang mái nhà của Lê Đình Chức thì lập tức bị Chức dùng tuýp sắt gắn dao phóng lợn để đâm, các đối tượng khác dùng gạch đá, bom xăng ném vào 3 chiến sĩ chứ không phải là nhảy qua hố nhưng rơi xuống hố như lời Dương Quốc Chính nói.
Mũ bảo hiểm chỉ bảo vệ được phần đầu, trong khi các chiến sĩ trèo lên mái nhà, hai tay phải bám vào mái để lên, vậy nên khi Chức dùng dao đâm liên tục thì liệu họ có còn khả năng tránh đòn, liệu có còn khả năng dùng mũ bảo hiểm để bảo vệ toàn bộ cơ thể? Đó là chưa kể đến việc các đối tượng khác ở cự li gần dùng gạch đá, bom xăng ném thẳng vào người họ, trong khi họ không có khả năng chống đỡ vì thế mà họ bị rơi xuống hố.
Câu hỏi 8. Cáo trạng bỏ qua chi tiết ông Hiểu bị thương. Kết luận điều tra của CA thì có nói đến bị thương nhẹ nhưng không nêu lý do. Thực tế ông Hiểu khai với LS là bị bắn. Với vết thương hiện có của ông thì không khó điều tra nguyên nhân bị thương.
Theo Công an TP.Hà Nội, ông Bùi Viết Hiểu sau khi thấy ông Lê Đình Kình bị chó cắn vào chân lôi ra ngoài thì “ôm đầu ngồi sát mép giường ngủ, phát hiện bị thương ở bàn chân phải và vùng bụng” (ông Hiểu không biết bị thương lúc nào). Ông ta không hề bị lực lượng chức năng bắn.
Câu hỏi 9. Tại sao tất cả các lựu đạn đều xịt? Có chắc rằng chúng đều do Tổ đồng thuận mua và ném ra? Hiện không tìm được người bán lựu đạn cho họ!? Thực tế, lựu đạn mua ở đâu thì chỉ có Lê Đình Kình và những người trong cuộc mới là người hiểu rõ nhất, tại sao chỉ hỏi là mua ở đâu mà không tính toán đến khả năng là Lê Đình Kình đã tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ trái phép từ trước đó rất nhiều năm. Trong lời khai của các bị cáo chúng cũng khai là đã chuẩn bị lựu đạn.
Câu hỏi 10. Có mâu thuẫn về số vết đạn và hướng bắn ông Kình giữa cáo trạng và thực tế tử thi kèm lời khai của ông Hiểu (chứng kiến ông Kình bị bắn). Cáo trạng cho rằng CA bắn ông Kình từ phía sau. Vết đạn cho thấy chiều ngược lại. Mình chưa đọc biên bản pháp y khi mổ xác ông Kình. Tại sao lại có sự sai lệch như vậy?
Đạn bắn ra từ phía trước hay phía sau thì chỉ có cơ quan chức năng khám nghiệm tử thi thì mới kết luận được chứ không thể nói theo cảm tính.
Vụ án Đồng Tâm đã đưa ra xét xử công khai, trong 2,5 ngày đầu, các bị cáo đã nhận tội trên cơ sở những bằng chứng không thể chối cãi, họ cúi đầu xin lỗi các gia đình và mong muốn nhận sự khoan hồng của pháp luật. Tại sao những kẻ như Dương Quốc Chính lại cố đấm ăn xôi, kêu oan cho những kẻ giết người man rợ. “Đây không phải là vụ án hình sự thông thường mà là có dấu hiệu chống phá Nhà nước nên phải bị pháp luật trừng trị, không thể tha thứ”. Vậy nên, chúng ta hãy cùng chờ một bản án xác đáng đối với những con người đã gây ra nỗi đau cho Đồng Tâm và gia đình của 3 chiến sỹ công an nhân dân. Đồng thời người dân cần cảnh giác với thủ đoạn xấu xa của các đối tượng phản động, chống đối chính trị xuyên tạc, kích động người dân chống lại chính quyền, quân đội, kêu gọi nước ngoài can thiệp.
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả