Mừng, nhưng không được phép chủ quan!
Chúng ta không được phép chủ quan và vẫn phải nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng dịch với người dân trong điều kiện tổ chức lại việc sản xuất và học tập, sinh hoạt.
Kết quả nói trên đã khẳng định sự hiệu quả trong phác đồ điều trị của Việt Nam, dù trên thế giới tính đến hiện tại vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Đáng mừng hơn là nhiều ngày nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm mới dương tính nào với Covid-19.
Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều ngày 17/2, Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Việt Nam chuẩn bị công bố hết dịch tại một số địa phương, như Khánh Hòa – đã đủ điều kiện theo quy định. Thanh Hóa cũng đã qua 23 ngày không phát sinh bệnh nhân mới, đang chờ đến mốc 30 ngày theo quy định để có thể công bố hết dịch.
Trong bối cảnh diễn biến dịch phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây cũng ghi nhận Việt Nam đã xử lý dịch bệnh này rất tốt.
Theo nhận xét của WHO, Chính phủ đã khởi động hệ thống ứng phó ở giai đoạn đầu của dịch – tăng cường giám sát, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế và tăng cường xét nghiệm bên cạnh thực hiện các hoạt động truyền thông và hợp tác đa ngành.
WHO cho rằng, năng lực của Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, kể cả các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, đã tăng lên đáng kể.
“Chúng tôi gọi đây là năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp và năng lực này đã được thử thách và kiểm nghiệm qua các sự kiện thực tế ở Việt Nam và bây giờ là Covid-19”, tổ chức này ghi nhận.
Đặt trong bối cảnh thế giới có tới 75.735 người bị nhiễm bệnh, 2.128 người trường hợp tử vong; trong đó có 74.578 ca nhiễm và 2.118 ca tử vong ở Trung Quốc (số liệu đến ngày 20/2), Việt Nam lại nằm ngay cạnh Trung Quốc rất khó tránh khỏi ảnh hưởng, thế nhưng chúng ta vẫn kiểm soát tốt tình hình. Điều đó càng khiến chúng ta có quyền tin tưởng và tự hào!
Quả thực, không có một kết quả tốt đẹp nào “tự dưng mà có”. Nói như PGS Khuê, thành công đến hôm nay là do Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp theo đúng tinh thần của Thủ tướng “chống dịch như chống giặc”.
Dẫu biết trong cuộc chiến ấy, sẽ có những xáo trộn nhất định khi học sinh phải nghỉ học, sẽ có những thiệt hại lớn về kinh tế khi hoạt động sản xuất, giao thương có phần bị đình trệ, gián đoạn… Song, chúng ta đều thống nhất rằng, “dù có phải hy sinh lợi ích kinh tế, vẫn phải đặt ưu tiên cho phòng, chống dịch lên trên”.
Kết quả đạt được cho đến giờ phút này có thể coi là “kỳ tích”, song dịch vẫn còn đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục ghi nhận thêm hàng trăm ca nhiễm mới mỗi ngày, cho nên bảo toàn được thành quả mới là điều quan trọng.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng lưu ý rằng, tình hình chung của thế giới, ở Trung Quốc tình hình dịch còn căng thẳng, nặng nề.
Tại Việt Nam, theo báo cáo Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội có rất nhiều chuyên gia, công nhân ở Trung Quốc tới đây sẽ quay lại làm việc; trên thế giới, có những nước có điều kiện kinh tế tốt nhưng đã có bệnh nhân tử vong, các nước hàng xóm có những con tàu cập cảng có người bệnh cách ly. Việt Nam vẫn còn 01 bệnh nhân cách ly. Chưa kể virus corona là một virus mới, chưa thể biết hết cơ chế tiếp tục lây lan như thế nào.
Do vậy, người viết đồng ý với quan điểm, chúng ta không được phép chủ quan và vẫn phải nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng dịch với người dân trong điều kiện tổ chức lại việc sản xuất và học tập, sinh hoạt.
Bích Diệp/DT