+
Aa
-
like
comment

Mục tiêu 10 bác sĩ/vạn dân có khả thi?

sông trà - 10/06/2020 17:55

Với việc nhiều trường khối sức khỏe tăng học phí, liệu kế hoạch đào tạo để đạt chỉ tiêu đến năm 2025 có 10 bác sĩ/vạn dân theo “Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025” – Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng có khả thi?

 Ở Việt Nam, đó là mức học phí dành cho  “con nhà giàu”?

Trong năm học mới 2020-2021, nhìn chung, các trường ĐH không thay đổi nhiều về phương thức tuyển sinh so với năm 2019. Tuy nhiên, điều khiến nhiều phụ huynh, thí sinh bất ngờ là mức học phí mới nhất mà các trường công bố, trong đó, học phí ở nhiều trường đại học đào tạo chuyên ngành Y dự kiến sẽ tăng lên khá nhiều.

Trường ĐH Y Dược TP.HCM tăng học phí nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận

Đáng chú ý, trong số các trường khối sức khỏe công bố mức thu học phí mới thì Trường ĐH Y Dược TP.HCM lại nhận được sự xôn xao từ dư luận vì mức ấy cao hơn trước đây rất nhiều.

Trường Đại học Y Dược TP.HCM cũng là một trong số những trường đào tạo ngành Y có mức học phí cao nhất. Theo đề án tuyển sinh của Trường, trong năm học 2020-2021, học phí ngành Răng – Hàm – Mặt lên tới 70 triệu đồng/năm, ngành Y khoa là 68 triệu đồng/năm, ngành Kỹ thuật phục hình răng là 55 triệu đồng/năm, ngành Dược học là 50 triệu đồng/năm…

Hay, như đề án tuyển sinh được công bố của Khoa Y – Đại học Quốc gia TP.HCM, mức học phí năm 2020-2021 của ngành Răng-Hàm-Mặt chất lượng cao là 88 triệu đồng/năm, ngành Y khoa chất lượng cao là 60 triệu đồng/năm, ngành Dược học chất lượng cao khoảng 55 triệu đồng/năm. Theo đó, học phí của các ngành đào tạo tại Khoa Y – Đại học Quốc gia TP.HCM tăng từ 4-8 triệu đồng/năm so với hiện tại.

Kế tiếp là Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, học phí hiện tại đối với sinh viên có hộ khẩu TP.HCM là 11,8 triệu đồng/năm, nếu thu theo tín chỉ là 305 nghìn đồng/tín chỉ. Còn sinh viên ngoại tỉnh là 22 triệu đồng/năm, nếu thu theo tín chỉ là 560 nghìn đồng/tín chỉ.

Theo lộ trình, sau năm 2020, 100% các trường ĐH đều hoạt động tự chủ. Và khi các trường tiến hành tự chủ, thì nguồn kinh phí chi thường xuyên “bao cấp” của Nhà nước sẽ bị cắt. Để có kinh phí tiếp tục thực hiện các hoạt động đào tạo, các trường ĐH sẽ buộc phải tăng học phí. Và với mức tăng đó, có lẽ bây giờ mức học phí của trường y là chỉ dành cho “con nhà giàu”.

Vì vậy, xác định mức thu học phí không nên cứng nhắc, sau mỗi năm học, học phí sẽ tăng thêm 10% – học phí đã cao, tiếp tục tăng cao sau mỗi năm cơ mà. Hơn nữa, là trường ĐH, lại là đại học Y tốp đầu của cả nước, cần lấy nghiên cứu khoa học để tăng thu, quá chăm thu học phí, ĐH chẳng khác nào trường phổ thông cấp 4.

Có ảnh hưởng đến mục tiêu 10 bác sĩ/vạn dân?

Đại học công lập, người dân luôn gửi gắm niềm tin vào chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất được sự đầu tư của nhà nước, đội ngũ giảng viên chuẩn mực, và, mức thu học phí tạo điều kiện cho sinh viên theo học. Niềm tin này cần tiếp tục phát triển dù trong bối cảnh nào đi nữa, đó là ưu việt của xã hội ta.

Việt Nam và một số nước Đông Nam Á là nơi có số lượng người bệnh rất lớn. Đó được xem là “môi trường lý tưởng” để bác sĩ trong nước, thậm chí các nước, xin đến thực hành, đó cũng là cơ hội để nâng tầm đào tạo nghề y. Rõ ràng nếu không được đào tạo liên tục tốt, trình độ tay nghề của bác sĩ không thể đáp ứng nhu cầu thực tế, chưa nói đến việc so sánh trình độ ngang bằng thế giới.

Có một thực tế phải thừa nhận là số lượng bác sĩ tài hoa của Việt Nam rất nhiều. Từ Nam chí Bắc đều có những bác sĩ chuyên khoa đầu ngành rất giỏi, thậm chí cực giỏi, hơn hẳn các nước trong khu vực và thế giới. Nhưng việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế rất quan trọng nhưng có thể thấy đang có nhiều bất cập.

Nhưng, phân tích kỹ thì số lượng người giỏi này so với số dân đang có thật sự là quá ít, không đồng đều ở các tuyến cơ sở. Đặc biệt là tuyến tỉnh, huyện nguồn nhân lực giỏi bị “hẫng”. Trong khi nền tảng mấu chốt của y tế là tuyến cơ sở mới đến y tế chuyên sâu. Bởi theo lý thuyết phải hơn 80% số dân được chăm sóc, điều trị các bệnh thông thường ở tuyến y tế cơ sở.

Song song với đó là vấn đề y đức, vì khi đất nước càng phát triển, cuộc sống ngày càng được nâng cao về chất lượng, cùng với những ảnh hưởng, tác động của xu thế phát triển toàn cầu hóa, thì câu chuyện y đức cũng được người ta càng nói nhiều thời gian qua.

Đây là nghề liên quan trực tiếp đến sinh mệnh con người, nên người thầy thuốc không chỉ phải giỏi về chuyên môn mà còn phải có tâm, có đức. Bác Hồ luôn nhấn mạnh, “Lương y phải như từ mẫu” nghĩa là người thầy thuốc đồng thời phải như một người mẹ hiền. “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”.

Trở lại với với vấn đề tăng học phí trên, ông Nguyễn Ngọc Khôi – Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM  – cho biết thêm theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường phải công bố mức học phí trước thời điểm đăng ký xét tuyển để thí sinh cân nhắc lựa chọn trường. “Việc phải tăng học phí trong năm học tới là điều bất khả kháng. Thực sự mức học phí mới vẫn chưa được tính đúng tính đủ. Hơn nữa, các khóa cũ trường vẫn thu học phí mức cũ, bù lỗ rất nhiều” – ông Khôi cho hay.

Cá nhân tôi thì không cho rằng mức học phí đó là cao. Trên thực tế, thời gian qua, dù mức học phí chính thức khá thấp, thì học viên cũng phải trả khá nhiều tiền ngoài nữa. Theo đó, việc đào tạo chất lượng đúng chuẩn, đạt chuẩn nghề là cần thiết nhưng cần có trách nhiệm về đầu ra, việc làm. Gánh nặng của việc bất cân xứng trong đào tạo, sử dụng có nguy cơ xảy ra khi tăng học phí.

Nói cách khác, học phí đào tạo y khoa tại nhiều nước trên thế giới rất cao. Nhiều sinh viên thậm chí vay tiền để đi học. Chưa kể, có những khoá học ngắn hạn tại các nước chỉ trong 3 đến 4 ngày nhưng có mức học phí đã là 20 triệu đồng.

Vấn đề mà chúng ta cần bàn là, nếu nói như các trường việc tăng học phí là do tự chủ trong đó có việc tự chủ tài chính dẫn đến ngân sách khó. Đúng là ngân sách có khó, nhưng đối với những ngành đặc thù như Y, Sư phạm… đòi hỏi chính sách đặc thù, hơn lúc nào hết, các ngành quán triệt đầy đủ và ưu tiên thực hiện “giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

Song hành cùng học phí là chất lượng đào tạo mà họ mang lại. Trong khi đó tại Việt Nam, việc tăng học phí chỉ được giải thích đơn giản là vì trường chuyển qua tự chủ là chưa ổn.

Vì thế, thêm một hệ quả nữa là, việc tăng học phí của nhiều trường y ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tiêu chí chọn trường bấy giờ của thí sinh, nhất là những thí sinh có hoàn cảnh kinh tế không khá giả, giàu sang. Tức là, các em chọn trường  không chỉ cần phù hợp với năng lực, đam mê nữa, mà phải phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình.

Với việc nhiều trường khối sức khỏe tăng học phí, liệu kế hoạch đào tạo để đạt chỉ tiêu đến năm 2025 có 10 bác sĩ/vạn dân theo “Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025” – Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng có khả thi?

Sông Trà

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều