Mức sinh thấp nghiêm trọng, TP.HCM nên khuyến khích sinh con thứ 3
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã ngồi lại để bàn giải pháp nâng mức sinh của TP.HCM lên, vì hiện mức sinh của TP là 1,33 con, đang ở mức thấp nghiêm trọng.
Nhiều ý kiến đã được đưa ra tại hội thảo “Vấn đề mức sinh thấp tại TP.HCM, thực trạng, nguyên nhân và giải pháp” do Chi cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình TP.HCM tổ chức vào ngày 26-11.
Mức sinh con ở TP.HCM thấp nghiêm trọng
Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, phó chi cục trưởng Chi cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho biết tổng tỉ suất sinh ở TP.HCM năm 2018 là 1,33 con/người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước là 2,1 con.
Nếu như năm 2000 tỉ suất sinh con tại TP.HCM là 1,76 con thì đến năm 2018 giảm xuống còn 1,33 con.
Hiện TP.HCM đang được xếp trong nhóm 17 tỉnh có mức sinh thấp, do vậy tương lai tỉ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm, trong khi tỉ lệ người cao tuổi ngày càng tăng, điều này càng làm gia tăng tốc độ già hóa dân số tại TP.HCM, gây nhiều hệ lụy.
Bà Lệ cũng lý giải những nguyên nhân làm mức sinh ở TP.HCM thấp. Đó là do áp lực của cuộc sống, công việc, làm xuất hiện tình trạng xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con và không muốn sinh con ngày càng gia tăng.
Việc nuôi dạy, chăm sóc con cái hiện nay đòi hỏi rất nhiều chi phí như: ăn uống, học hành, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí…
Một nguyên nhân nữa là do tâm lý sợ tốn kém nên nhu cầu sinh con của các gia đình đang có xu hướng giảm nhanh. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, phát triển kinh tế cũng dẫn đến áp lực cho các gia đình trong tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt.
Ngoài ra, trình độ học vấn, điều kiện sống được cải thiện, lối sống theo trào lưu, tâm lý thích dịch chuyển… cũng có tác động nhất định đến mức sinh thấp.
Tình trạng phá thai, tỉ lệ vô sinh nguyên phát, thứ phát có xu hướng gia tăng cũng là những yếu tố tác động khiến nhiều gia đình không thể sinh con.
Những nguyên nhân tác động nêu trên đều xuất phát từ quá trình công nghiệp hóa – đô thị hóa, phát triển kinh tế – xã hội đã, đang và sẽ diễn ra với tốc độ nhanh tại TP.HCM.
Ông Lê Văn Thành, nguyên trưởng phòng nghiên cứu văn hóa – xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, lo lắng về mức sinh của TP.HCM hiện rất thấp, đang ở mức thấp nghiêm trọng và nếu không có những biện pháp để can thiệp, mức sinh sẽ càng giảm xuống rất sâu.
Trước đây người ta quan niệm con cái là tài sản nên sinh nhiều, còn hiện nay người ta lại thấy con cái cần có một khoản kinh phí lớn phải bỏ ra nên sinh ít. Gia đình nào có ông bà trông hộ còn đỡ, những gia đình phải thuê người trông con thì chi phí còn tăng hơn.
Mức sinh hoạt cao nhất trong cả nước
Bà Nguyễn Quang Việt Ngân, phó trưởng khoa địa lý Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng vẫn còn nhiều thách thức trong việc triển khai chính sách khuyến sinh tại TP.HCM.
Trong khi chính sách khuyến khích mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con thì người dân phản biện lại rằng “lấy tiền ở đâu để nuôi hai con?”.
Hiện nay mức sinh hoạt của TP.HCM, theo số liệu thống kê, hiện đang cao nhất cả nước (trong đó có mức đầu tư về giáo dục cao – PV). Mức sống cao như vậy đã tạo áp lực lớn cho các cặp vợ chồng khi quyết định sinh đủ hai con.
Mặc dù phụ nữ TP được quyền tham gia rất nhiều hoạt động xã hội nhưng những công việc không hưởng lương trong gia đình vẫn rất nặng.
Những công việc này đã bắt buộc họ phải lựa chọn sinh đủ hai con hay chỉ sinh một con để hoàn thành trách nhiệm sinh sản đối với gia đình.
Làm thế nào để vận động các cặp vợ chồng khỏe mạnh sinh đủ hai con khi người dân vẫn thấy có nhiều vấn đề.
Khi bước ra đường họ vẫn thấy rất nhiều trẻ em vào giờ tan tầm ở lại các trường học, các bệnh viện vẫn quá tải phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, ra ngoài đường thì liên tục kẹt xe?
Nếu như người dân bước ra đường vẫn thấy rất nhiều người, nhiều trẻ em thì làm sao có thể khiến họ nghĩ rằng mức sinh thấp là một vấn nạn của TP.HCM?
Theo bà Ngân, muốn nâng mức sinh của TP phải cần sự quan tâm từ toàn xã hội, cần có những chính sách để người phụ nữ cảm thấy việc mang thai sinh con là một công việc được chia sẻ với gia đình và toàn xã hội để họ được giảm bớt trách nhiệm, không cảm thấy quá áp lực đối với việc mang thai, sinh con.
Khuyến khích sinh con thứ 3
Trước thực trạng TP.HCM có mức sinh thấp, có nguy cơ khẩn cấp như hiện nay, ông Lê Trường Giang, chủ tịch Hội Y tế công cộng TP, cho rằng TP phải có những hành động ngay.
Theo ông, TP cần mạnh dạn bỏ đi chính sách sinh đẻ có kế hoạch dù nhiều năm trước đã phải dày công vận động làm kế hoạch hóa gia đình.
Ngoài ra, phải cho TP.HCM quyền được ra những chính sách mạnh mẽ hơn, cụ thể từ chỗ cấm sinh ba con sang khuyến khích sinh con thứ ba trở lên và nên thay đổi khẩu hiệu từ “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con” thành “Mỗi cặp vợ chồng tự quyết định số con của mình”.
Ngoài những chính sách khuyến khích sinh con, theo ông Trường Giang, TP.HCM phải chủ động đối phó với mức sinh thấp bằng cách lấy chất lượng dân số bù số lượng dân số, đồng thời có những chính sách dịch chuyển dân số để khuyến khích lao động trẻ nhập cư về TP.HCM.
Đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ sinh con thứ 2
Để giải quyết thực trạng mức sinh thấp tại TP.HCM, bà Phạm Thị Mỹ Lệ đề xuất Sở Y tế TP.HCM trực tiếp tham mưu UBND trình HĐND TP ban hành nghị quyết về chính sách dân số và phát triển tại TP.HCM giai đoạn 2021-2025, qua đó quy định một số chính sách cụ thể áp dụng đối với người dân, ưu tiên giải quyết tình trạng mức sinh thấp.
Đề xuất cụ thể là thực hiện giảm toàn bộ viện phí sinh con lần thứ hai đối với các trường hợp có hộ khẩu TP.HCM, cung cấp các gói ưu tiên hỗ trợ vay, mua hoặc thuê nhà xã hội đối với các cặp vợ chồng đã sinh đủ hai con có hộ khẩu TP.HCM, miễn giảm chi phí giáo dục cho trẻ em dưới 10 tuổi.
Ngoài hỗ trợ về định mức học phí của TP.HCM, đề xuất bổ sung thêm chi phí bán trú, ăn trưa cho học sinh…
Bà cũng kiến nghị Bộ Y tế, Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình tham mưu cấp thẩm quyền trong triển khai thực hiện nghiên cứu, đề xuất đưa vào Dự thảo Luật dân số nội dung “Mỗi cặp vợ chồng được quyền quyết định số con” hoặc cân nhắc việc sửa đổi cho phép sinh con thứ ba tại các vùng mức sinh thấp, không xem xét kỷ luật, giảm mức đánh giá thi đua hằng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức sinh con thứ ba trở lên…
THÙY DƯƠNG
(Theo Tuổi Trẻ)