+
Aa
-
like
comment

Mua vàng cất két, vợ chồng trẻ lãi hàng trăm triệu nhờ vàng tăng ‘điên cuồng’

15/07/2020 09:06

Tâm lý xem vàng là một loại tài sản có tính tiết kiệm lâu dài đã khiến nhiều người cóp nhặt để “tích tiểu thành đại”. Trong thời điểm giá vàng tăng kỷ lục, một số người đã thắng lớn ôm về số tiền lãi cả trăm triệu đồng.

Chia tiền làm 4 hũ, mỗi tháng cất két 2 chỉ vàng

Sau khi tổ chức đám cưới vào tháng 10/2017, vợ chồng chị Lan, anh Cường ở Cầu Giấy (Hà Nội) dùng toàn bộ số tiền mừng cưới của mình đi mua vàng với mục đích chính là tiết kiệm, sau này “cày cuốc” thêm sẽ tính toán mua nhà.

Mua vàng cất két, vợ chồng trẻ lãi hàng trăm triệu nhờ vàng tăng 'điên cuồng'
Sau đám cưới, hai vợ chồng trẻ mang tiền đi mua vàng để tiết kiệm.

“Tôi nhớ hôm đi mua vàng là vào ngày 5/10/2017, chỉ vài ngày sau đám cưới. Hai vợ chồng được 228 triệu tiền mừng, bố mẹ 2 bên cho làm của riêng nên chúng tôi dẫn nhau đi mua được 6 lượng vàng với giá 36,1 triệu đồng/lượng. Tính thêm số vàng gia đình nội ngoại cho, vợ chồng tôi có 8,2 lượng vàng. Nếu quy ra tiền, cũng chỉ có khoảng gần 300 triệu”, anh Cường chia sẻ.

Chồng làm hướng dẫn viên du lịch nội địa, vợ làm biên dịch tại nhà xuất bản. Mỗi tháng, hai vợ chồng có thu nhập khoảng 30-40 triệu đồng. Để chi tiêu thì bao nhiêu cũng hết, nhưng với quyết tâm mua nhà nên anh chị chia tiền làm 4 phần, một phần dùng chi phí hàng ngày, 1 phần để trong tài khoản phòng ngừa việc phát sinh, 1 phần để chuẩn bị cho việc có con và nuôi con, 1 phần mua vàng cất đi để dành việc mua nhà. Tết đến, tiền thưởng cuối năm 2 vợ chồng anh Cường dùng để mua sắm và tiêu tết.

Mua vàng cất két, vợ chồng trẻ lãi hàng trăm triệu nhờ vàng tăng 'điên cuồng'
Đều đặn, mỗi tháng 2 vợ chồng mua 2 chỉ vàng cất két.

Mặc dù năm 2019, đứa con đầu lòng ra đời nhưng cũng không vì thế mà thu nhập của anh chị giảm sút bởi cách chi tiêu khoa học đã vạch ra từ trước. “Chồng tôi vẫn đi làm đều đặn, bà ngoại nghỉ hưu nên ra chăm cháu giúp. Sau khi sinh, tôi được hưởng trợ cấp thai sản 46 triệu đồng và mọi người đến chơi, thăm đẻ cũng được hơn 20 triệu đồng. Số tiền đó tôi dùng để trang trải việc nuôi con trong những tháng nghỉ ở nhà”, chị Lan nói.

Đến đầu năm 2020, trong tài khoản tiết kiệm của hai vợ chồng chị Lan có 183 triệu đồng còn dư không tiêu đến và số vàng tích lũy được là 13,4 lượng vàng thì dịch Covid-19 bùng phát.

“Mừng thầm” vì vàng mỗi ngày 1 tăng giá

Thời gian từ đầu năm đến nay, anh Cường không thể tiếp tục công việc hướng dẫn viên du lịch như trước kia. Loay hoay mãi không biết làm gì nhưng dựa vào mối quan hệ, anh bắt đầu nhập hoa quả và đặc sản vùng miền về bán online. Mùa nào thức đó, từ mận Mộc Châu cho đến bơ sáp Đắc Lắc, sầu riêng, bưởi da xanh, bánh bò, mực rim me… Dù thu nhập không thể bằng nghề chính nhưng cũng đủ tiền thuê nhà, trang trải cuộc sống cho cả gia đình và  để dư ra được 6 triệu/tháng.

“Công việc biên dịch tại nhà xuất bản của tôi vẫn đều đặn với mức lương 12 triệu đồng/tháng. Do thu nhập của 2 vợ chồng không được như trước đây nên việc mua vàng cất két tạm dừng, đúng lúc đó vàng mỗi ngày 1 tăng. Số tiền tiết kiệm hàng tháng, tôi để trong tài khoản ngân hàng. Vợ chồng tôi từng nói đùa rằng, nếu vàng trên 50 triệu đồng/ lượng thì bán. Ai ngờ vàng tăng chóng mặt, vượt xa mong đợi”, chị Lan cho hay.

Mua vàng cất két, vợ chồng trẻ lãi hàng trăm triệu nhờ vàng tăng 'điên cuồng'
Vàng tăng chóng mặt, nhiều người đổ xô đi bán vàng

Từ đầu tháng 7 đến nay, giá vàng luôn ở ngưỡng sấp sỉ 51 triệu đồng/lượng. Với 8,2 lượng vàng mua từ tháng 10/2017, vợ chồng chị Lan bán đi với giá 50,2 triệu đồng/ lượng, ôm lãi hơn 110 triệu đồng. Số vàng còn lại tích lũy từ lương là 5,2 lượng, nếu bán sẽ mang về khoảng 260 triệu đồng.

Cộng các khoản tiền có được từ đầu tư vàng và tiền trong tài khoản, việc sở hữu một căn chung cư tại Hà Nội của hai vợ chồng chỉ trong tầm tay nhờ vàng lên giá.

Chuyên gia dự báo vàng còn tiếp tục tăng

Theo số liệu thống kê của Hội đồng Vàng Thế giới năm 2017, Việt Nam xếp thứ 14 trên thế giới về lượng tiêu thụ vàng trên đầu người. Người tiêu dùng Việt Nam thường có hai mục đích chính cho việc mua vàng. Mục đích thứ nhất là dùng vàng làm tài sản để tiết kiệm, đầu tư; mục đích thứ hai là dùng vào cho nhu cầu trang sức.

Tâm lý xem vàng là một loại tài sản có tính tiết kiệm, đầu tư vẫn còn phổ biến tại Việt Nam. Tính về số lượng, vàng miếng và tiền vàng vẫn chiếm tới 70% tổng tiêu thụ vàng tại Việt Nam.

Mua vàng cất két, vợ chồng trẻ lãi hàng trăm triệu nhờ vàng tăng 'điên cuồng'
Các chuyên gia dự báo vàng có thể tiếp tục tăng trong thời gian sắp tới.

Từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng hơn 14%. Các chuyên gia dự báo vàng sẽ vẫn tiếp tục tăng trong bối cảnh “bóng ma” COVID-19 đang tác động xấu đến phục hồi kinh tế thế giới.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, xét về khả năng sinh lời, vàng cũng là loại tài sản có khả năng sinh lời cao. Tuy nhiên, có 3 điều kiện cần cho nhà đầu tư khi bỏ tiền vào vàng: Một là, cần theo dõi thị trường thường xuyên để biết sự lên xuống của giá vàng; Hai là, không nên đầu tư lướt ván, không nên mua đi bán lại trong thời điểm này; Ba là nếu số vốn của bạn không nhiều thì có thể áp dụng cách đầu tư “lướt sóng”, giá lên thì bán nhanh, giá xuống thì mua vào, có thể lợi ít.

“Tuy nhiên, tốt nhất nên giữ vàng ít nhất trong khoảng 6 tháng, tránh bán ra mua vào gấp gáp quá, gây nhiễu loạn thị trường vàng”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

PV/DV

Bài mới
Đọc nhiều