Mua thực phẩm giá rẻ ở TPHCM không khó
Mua chung, mua theo combo, mua thực phẩm hỗ trợ giải cứu… chính là cách để chị em nội trợ vừa tiết kiệm được chi phí, vừa có nguồn thực phẩm tươi ngon cho gia đình trong những ngày Thành phố giãn cách phòng chống dịch COVID-19.
Những ngày gần đây, chị Hoàng Mai (ngụ Q.10, TPHCM) thường chọn mua rau ở các điểm bán hàng lưu động, chợ dã chiến… với giá cực mềm.
Tại nhà sách Phương Nam (đường 3/2, Q.11, TPHCM) bày bán nhiều loại rau củ, trái cây như cam, bưởi, đậu bắp, rau muống, dưa leo… theo combo với giá chỉ 100.000 đồng/4kg. “Đây là những nông sản giá bình ổn do nhóm thiện nguyện của nhà sách bán giá bình ổn hỗ trợ người dân. Nhờ những gian hàng rau này mà tôi vừa mua được hàng nhanh chóng, vừa có rau trái để ăn…” – chị Mai cho biết.
Mua chung, mua theo nhóm tưởng đã “chết yểu” khá lâu, nay cũng sống lại đầy ngoạn mục. Chị Hoàng Oanh (ngụ tại một chung cư ở Q.Bình Tân, TPHCM) cho biết, do quen một cô giáo ở huyện Bình Chánh nhà có trồng rau để tăng gia sản xuất nên chị hỏi mua. Tuy nhiên nếu chỉ mua một ít mà cô phải đem từ Bình Chánh lên Bình Tân thì mất công, nên chị Oanh rủ thêm bạn bè cùng cơ quan, những hộ quen biết ở chung cư để mua chung.
“Trong tuần tôi sẽ giúp cô giáo rao những mặt hàng có sẵn như thịt heo, rau củ… giá cả từng mặt hàng rồi gom đơn. Cuối tuần cô giáo gửi hàng, mình sẽ nhận và chia đơn hàng giao cho mọi người. Có lần mình còn đặt cả con heo cho cơ quan. Nhờ mua chung nên có thực phẩm giá rẻ (do không qua khâu trung gian, lại có thể giúp nông dân có đầu ra khi nhiều chợ đóng cửa” – chị Oanh chia sẻ.
Trong khi đó, chị Thủy Tiên (ngụ Q.6, TPHCM) chọn mua hàng từ siêu thị lưu động – chia sẻ yêu thương do Hội Doanh nhân quận Bình Tân tổ chức. “Tất cả các loại rau muốn, đậu đũa, dưa leo, nhãn, chanh… đều được thu mua tận nhà vườn. Trong khi nông sản ở quê ùn ứ do không có người thu mua thì nhiều doanh nghiệp tại TPHCM đánh xe đến tận nơi, sau khi mua rồi bán với giá giải cứu cho người dân. Mỗi com bo rau, trái cây chỉ 50.000 đồng/4-6kg đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều” – chị Thủy Tiên bộc bạch.
Chị Thu Thanh (ngụ Q.7, TPHCM) cũng trở thành đầu mối nhóm mua chung rất tình cờ. Xuất phát từ nhu cầu của gia đình, chị nhờ người nhà ở Bến Tre mua thực phẩm gửi lên để sử dụng trong những ngày TPHCM giãn cách. “Khi biết dưới quê nhiều nông sản thực phẩm giá rất rẻ nhưng “tắc” đầu ra, tôi rủ thêm nhiều bạn bè cùng mua và trở thành “đầu mối” lúc nào chẳng hay. Tôi đem đến cho mọi người trong nhóm mua chung đủ loại rau tươi với giá hợp lý.
Ví dụ, chanh tại vườn giá chỉ có 3.000 đồng/kg nhưng cô quyết định mua 6.000 đồng/kg để ủng hộ cho nông dân. Sau khi cộng các chi phí, đơn hàng chốt giao tận tay cho người mua trên Thành phố là 15.000 đồng/kg. Nhiều người hết sức bất ngờ vì quá rẻ trong mùa dịch căng thẳng này. Đây là nhóm mua để hỗ trợ nhau trong mùa dịch chứ không lấy lời” – cô Thu Thanh bộc bạch.
Mới đây, hệ thống siêu thị Saigon Co.op đã có kế hoạch lên riêng một danh mục hàng hóa thiết yếu với khoảng hơn 100 mặt hàng bán riêng cho các khu vực đang bị phong tỏa tại TPHCM. Để thực hiện mô hình này, các cơ quan, tổ chức của từng khu vực sẽ cử đầu mối ghi nhận đơn hàng của từng hộ dân rồi báo siêu thị. Saigon Co.op sẽ tổ chức giao hàng cho đầu mối hoặc đầu mối có thể nhận hàng tại siêu thị và phân chia lại cho các cá nhân, hộ gia đình trong các khu cách ly, phong tỏa theo đơn đã đặt.
Lịch đặt và giao hàng sẽ được thống nhất cụ thể của từng điểm tiếp nhận với tần suất trung bình 2 lần/tuần. Đơn vị này cũng khuyến khích các khu phố, khu dân cư bình thường cùng tạo đầu mối tham gia mua chung để hạn chế tối đa ra đường.
MM Mega Market cũng triển khai chương trình hỗ trợ đặt hàng thực phẩm cho người dân trong khu vực cách ly, phong tỏa theo hình thức combo thực phẩm. Chủ yếu là thực phẩm thiết yếu, hàng tươi sống được thiết kế đa dạng, phù hợp cho một gia đình khoảng 4 người dùng trong vòng khoảng 5 – 7 ngày.
Siêu thị sẽ gửi đến người dân trong khu vực phong tỏa và cách ly y tế đường link đặt hàng thông qua email, tin nhắn Zalo, Facebook hoặc gọi trực tiếp đến số hotline của siêu thị để người dân chọn mua, đặt hàng. Nhân viên siêu thị sẽ liên hệ xác nhận thông tin đơn hàng và báo thời gian giao hàng. Toàn bộ hàng hóa bán theo hình thức này sẽ theo chính sách bình ổn giá và miễn phí giao hàng trong bán kính 10km khi khách mua từ 2 combo bất kỳ (trừ combo rau gia vị).
Còn Aeon tổ chức hơn chục điểm bán hàng lưu động, các mặt hàng giá cả bình ổn để người dân yên tâm mua sắm.
Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải nhận xét, mua theo nhóm hay mua chung là một thỏa thuận có lợi cho cả khách hàng và nhà sản xuất. Bởi vì nhóm mua giảm thiểu được các khâu trung gian và giúp kết nối trực tiếp giữa người tiêu thụ và doanh nghiệp, còn được gọi là C2M (consumer to manufacturer).
Cũng theo ông Hải, rào cản trong việc hình thành các nhóm mua chung là rất thấp vì hầu hết đến từ người quen, từ đây mở rộng thêm mạng lưới. Hầu hết nhóm mua hình thành trên cơ sở tự nguyện, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn của mùa dịch nên tính ổn định khá cao.
Uyên Phương