Nỗi trăn trở của nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Mua ngân hàng rỗng ruột với giá 0 đồng hay để cho phá sản?
Mới đây, trên trang FB có tên “Lực Lượng 47” (có thể giả danh), đăng tải bài viết “Hướng đến Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam: Nguyễn Văn Bình, tội đồ kinh tế hàng đầu đất nước” với nội dung “ông Bình chỉ đạo đám đại gia Đông Âu cướp trắng một số ngân hàng thông qua hình thức 0 đồng”. Bằng cách đặt vấn đề như, “cơ sở pháp lý nào cho phép mua các ngân hàng này giá 0 đồng? Quyền lợi của các cổ đông nhỏ tại các ngân hàng này mất trắng?”, Hoàng Việt – tác giả bài viết đã lôi một chuyện từ lâu để hướng dư luận cộng đồng mạng đến chuyện “phe phái”, “thâu tóm”, “tranh giành ghế trước kỳ đại hội 13”. Vậy thực tế diễn ra có phải đúng như vậy ? và mục đích của tác giả bài viết này là gì?
Nhớ lại thời điểm năm 2012, nhiều người dân vẫn còn ái ngại khi nền kinh tế phải gánh chịu hậu quả của cái loạn “ra ngõ gặp ngân hàng”. Cũng bắt đầu từ ấy, thanh tra NHNN phát hiện nhiều yếu kém, sai phạm, rủi ro trong hoạt động của 3 Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Đại Dương (OceanBank), và Dầu khí Toàn Cầu (GPBank). Đến độ phải đặt vào diện kiểm soát đặc biệt theo Điều 149 Luật các Tổ chức tín dụng. Đồng thời, ra tối hậu thư cho thời hạn khắc phục trong 2 năm. Nhưng dù cho đã được NHNN tạo điều kiện cơ cấu lại, GPBank vẫn không đưa ra được phương án cơ cấu lại; VNCB và OceanBank thì không thực hiện được phương án. Thậm chí tình hình tiếp tục xấu đi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng và quyền lợi của người gửi tiền.
Các ngân hàng này đều thua lỗ quá lớn do các ông chủ ngân hàng thi nhau rút ruột. Nguy cơ phá sản thời điểm đó đã hiện hữu, hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền gửi của người dân, của tổ chức mất theo. Một con đê sắp vỡ. Tổn thất kinh tế có thể nhìn thấy, nhưng rối loạn xã hội, trật tự trị an, niềm tin của người dân với hệ thống ngân hàng, thì không đong đếm được.
Cụ thể, Phạm Công Danh (Cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB), cùng các đồng phạm như Phan Thành Mai (Cựu Tổng giám đốc VNCB), Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết kháng, Hứa Thị Phấn đã rút ruột, phá nát các ngân hàng này, gây âm vốn hơn 18.000 tỉ đồng. Trầm Bê (Cựu Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank); Phan Huy Khang (Cựu Tổng giám đốc Sacombank) cùng 43 đồng phạm khác gây hậu quả nghiêm trọng tại Sacombank, TPBank, BIDV và VNCB thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng.
Rồi đến Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương-OceanBank) và đồng phạm đã gây thiệt hại cho Ngân hàng này hàng ngàn tỷ đồng,…
Để trả lời câu hỏi “quyền lợi của các cổ đông nhỏ tại ngân hàng này” có “mất trắng” không?, chúng ta cần nhìn nhận đúng trạng của cả 3 ngân hàng trên nhiều năm trước đó.
Đâu phải vô cớ mà nhiều chuyên gia đánh giá các ngân hàng này từ lâu chỉ còn là cái vỏ, bề nổi của “chiếc tàu đắm” với món nợ không nhỏ. Do đó, tiền của các cổ đông có lẽ đã bị các ông chủ ngân hàng này đánh cắp mất từ lâu, chứ không phải đợi đến lúc Nhà nước mua lại mới “mất trắng”.
Vốn dĩ những ngân hàng bị mua 0 đồng như các chuyên gia kinh tế nhận định bản chất là đã phá sản.
Chuyên gia kinh tế Hồ Bá Tình từng nhìn nhận: “Các cổ đông của những ngân hàng trên không thông qua được phương án đảm bảo cho ngân hàng hoạt động an toàn. Điều này đồng nghĩa với việc các cổ đông đã từ bỏ quyền lợi của mình tại ngân hàng”. Và đặc biệt là đánh giá: “đây là một điều may mắn đối với người gửi tiền và các chủ nợ khác tại VNCB và OceanBank, GP.Bank. Họ vẫn bảo toàn được toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm tại đây. Trường hợp phá sản, họ chỉ nhận được một phần từ quỹ bảo hiểm tiền gửi, còn lại sẽ mất trắng”.
Một con đê sắp vỡ thì phải vác đất đá, xi măng xây lại hay để nõ vỡ toan ra gây ngập lụt toàn bộ ruộng đồng của cả nước?.
Nếu một doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì chúng ta nên để cho nó phá sản đi để chỗ cho các doanh nghiệp khác làm ăn hiệu quả hơn. Nhưng đây là các ngân hàng, mạch máu của nền kinh tế, liên quan đến quyền lợi của rất nhiều khách hàng là người dân, doanh nghiệp thì không thể để nó phá sản gây sụp đổ cho cả nền kinh tế.
Để giải quyết bài toán này đòi hỏi các nhà quản lý phải có tinh thần trách nhiệm mang tính xây dựng. Vì đây là việc có ý nghĩa sống còn, tránh nguy cơ đổ vỡ hệ thống ngân hàng, đồng thời chặn đứng tình trạng bất tuân thủ các nguyên tắc, điều kiện bảo đảm an toàn đối với hoạt động ngân hàng.
Cho nên Nhà nước quyết định mua lại các ngân hàng “ruột rỗng không” này với giá 0 đồng là quyết định được đưa ra là cần thiết, không để các ông chủ ngân hàng sai phạm này mặc cả, bảo vệ tài sản vơ vét của họ nhưng coi lợi ích của người gửi tiền là rơm rác.
Căn cứ pháp lý ư?
Điều 149 Luật các Tổ chức tín dụng; Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010, Luật Các TCTD năm 2010, Luật Doanh nghiệp năm 2005 và 2014; Quyết định 48/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt; Quyết định 254 của Thủ tướng về Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015,… đều cho phép Nhà nước ra quyết định mua lại các ngân hàng này lúc bấy giờ.
Thực tế đã được chứng minh liền sau đó cho thấy giải pháp Nhà nước mua các ngân hàng thua lỗ này đã có tác dụng tích cực ngay lập tức đến tâm lý thị trường, người gửi ngừng rút tiền ồ ạt, quay trở lại gửi tiền tại 3 ngân hàng này. Đồng thời với việc mua ngân hàng 0 đồng, Nhà nước gián tiếp khẳng định với người gửi tiền rằng: Chính phủ sẽ có trách nhiệm bảo toàn tiền gửi của người dân; chỉ cần người dân bình tĩnh và cho thời gian để NHNN tái cơ cấu, phục hồi hoạt động của các ngân hàng yếu kém này. Nhờ vậy, ở thời điểm đó người ta mới được chứng kiến một thái độ khá bình tĩnh, điềm đạm của người gửi tiền. Không có cảnh người dân ồ ạt rút tiền, dù lãnh đạo các ngân hàng này đã liên tiếp bị bắt và bị xử lý hình sự.
Xin hỏi với những kẻ đứng sau trang “Lực lượng 47” giả danh kia, đây có phải là thâu tóm, hay “cướp trắng” như các luận điệu xuyên tạc đang rêu rao không?.
Những kẻ đang ra sức “đổi trắng thay đen” bản chất của việc này để tấn công ông Nguyễn Văn Bình nhằm mục đích gì ? Họ có bảo vệ lợi ích của người gửi tiền không?. Hay là họ bảo vệ tài sản của những ông chủ ngân hàng tham lam, rút ruột ngân hàng, coi lợi ích của người gửi tiền là rơm rác, thao túng, coi thường kỷ cương phép nước? Hay đúng hơn là đào bới vụ việc này để phục vụ mưu đồ chính trị xấu xa của bọn phản động, bổn cũ soạn lại, nâng ông này, hạ ông kia, chia rẽ, đả phá ráo riết trước mỗi kỳ đại hội?
Nguyễn Anh